Theo thông tin từ trang web kỷ lục Guiness thế giới, có 8 loài sinh vật như vậy.
1. Ong khổng lồ Wallace
Ong khổng lồ Wallace tìm thấy vào năm 2019 sau gần 40 năm mất tích - Ảnh: NBC NEWS
Ong khổng lồ Wallace (tên khoa học là Megachile Pluto) được tìm thấy vào năm 2019 sau gần 40 năm mất tích. Loài ong này có chiều dài đến 4,5cm và có sải cánh đến tận 6cm.
Chúng được các nhà khoa học Mỹ và Úc phát hiện trên quần đảo Moluccas xa xôi ở phía đông bắc Indonesia.
Ông Robin Moore, người thuộc Tổ chức Bảo tồn động vật hoang dã toàn cầu, nói: "Việc tìm thấy và tái bảo tồn cho loài ong này sẽ mở ra một tương lai tươi sáng hơn cho loài sinh vật này".
2. Thằn lằn leo trèo Jackson
Thằn lằn leo trèo Jackson được tìm thấy sau 42 năm không được nhìn thấy - Ảnh: LIVE SCIENCE
Được tái phát hiện vào năm 2017 sau khoảng 42 năm, thằn lằn leo trèo Jackson còn được biết đến là "kỳ quan vàng". Chúng có tên khoa học là Bolitoglossa.
Loài thằn lằn này được một người bảo vệ tại Khu bảo tồn Yal Unin Yul Witz ở Guatemala (một quốc gia Trung Mỹ) phát hiện trong giờ nghỉ trưa. Ngay sau đó, một chương trình do FUNDAECO (Tổ chức Phát triển và bảo tồn sinh thái) đã đến và hỗ trợ sinh vật quý hiếm này.
Theo trang web của Kỷ lục Guinness, mặc dù được tái phát hiện nhưng thằn lằn leo trèo Jackson vẫn đang bị đe dọa nghiêm trọng.
3. Cheo Cheo
Cheo Cheo được tái phát hiện vào năm 2019 sau 28 năm không được nhìn thấy - Ảnh: CNN
Cheo Cheo (có tên khoa học là Tragulus Versicolor) được tái phát hiện vào năm 2019 sau 28 năm "mất tích".
Chúng được phát hiện tại một khu rừng của Việt Nam. Đây là một con vật có kích thước nhỏ và có vết ánh bạc trên mông.
Hiện Viện sinh thái miền Nam (Việt Nam) và Viện Nghiên cứu động vật hoang dã Leibniz đang tiếp tục tìm kiếm, đồng thời thực hiện những nghiên cứu đối với sự phân bố và các mối đe dọa đối với Cheo Cheo.
4. Chuột chù voi Somalia
Chuột chù voi Somalia tái phát hiện sau 51 năm - Ảnh: MY MODERN NET
Chuột chù voi Somali (tên khoa học là Elephantulus Revolii) được tái phát hiện vào năm 2022 sau 51 năm không được nhìn thấy kể từ năm 1968 tại Somalia.
Chúng được tìm thấy tại Djibouti, một quốc gia phía đông châu Phi, bởi nhóm các nhà khoa học bao gồm Steven Heritage, Galen Rathbun và Houssein Rayaleh.
Theo dữ liệu thu thập được, loài chuột này có quan hệ họ hàng gần gũi với loài voi dù sở hữu kích thước nhỏ. Bên cạnh đó, chuột chù voi hiện đang có số lượng cá thể rất đông đảo.
5. Rùa Fernandina Galapagos
Rùa Fernandina Galapagos được tái phát hiện sau 113 năm - Ảnh: REWILD
Rùa Fernandina Galapagos (tên khoa học là Chelonoidis Phantasticus) được tái phát hiện vào năm 2019 sau 113 năm.
Chúng được phát hiện trong một chuyến thám hiểm tại hòn đảo Galapagos thuộc Ecuador bởi tổ chức bảo tồn của hòn đảo này.
Theo trang web của Kỷ lục Guinness, loài rùa này cực kỳ quý hiếm và nằm trong danh sách đỏ đối với các động vật có nguy cơ bị tuyệt chủng.
6. Cua Sierra Leone
Cua Sierra Leone được tái tìm thấy sau khoảng 66 năm - Ảnh: MONGABAY
Loài cua này (tên khoa học là Afrithelphusa Leonensis) được phát hiện vào năm 2021 sau 66 năm kể từ lần cuối cùng được nhìn thấy ở năm 1955.
Chúng được chuyên gia về động vật quý hiếm - ông Pierre A. Mvogo Ndongo phát hiện tại vùng nước ngọt Tây Phi.
Ông cho biết những con cua Sierra Leone sinh sống tại một cái hang trong lòng đất và cách xa những nơi có nước.
7. Tắc kè hoa của Voeltzkow
Tắc kè hoa Voeltzkow được tái tìm thấy sau 105 năm - ẢNH RE:WILD
Tắc kè hoa Voeltzkow được tái tìm thấy vào năm 2018 sau 105 năm kể từ thời điểm năm 1913. Chúng có tên khoa học là Furcifer Voeltzkowi.
Một đoàn thám hiểm do ông Frank Glaw, trưởng khoa động vật có xương sống tại Munich, dẫn đầu đã đến Madagascar và phát hiện sinh vật độc đáo này.
Zanotelli, thành viên tham gia chuyến thám hiểm với Glaw, cho biết: "Tắc kè hoa Voeltzkow là biểu tượng mạnh mẽ và cần được bảo tồn".
8. Cây bình nhung
Được tái phát hiện sau 101 năm không được nhìn thấy - Ảnh: CHIENCLEE
Loại thực vật này (tên khoa học là Nepenthes Mollis) được tái phát hiện vào năm 2019 sau 101 năm "mất tích".
Một nhóm các nhà thực vật học đã phát hiện cây bình nhung sau một chuyến đi đến vùng hoang dã của đảo Bornean, nằm ở phía tây bắc đảo Java (Indonesia).