Ếch sắc màu
Dù ít người chơi nhưng ếch cảnh hay ếch sắc màu không quá xa lạ ở Việt Nam mà có từ khoảng 10 năm trước. Trong vòng 4 - 5 năm đổ lại, trào lưu này càng nở rộ và được nhiều người biết đến, đặc biệt ở khu vực miền Nam. Ngoài màu sắc sặc sỡ, nhiều người còn yêu thích ếch cảnh vì vẻ ngoài mũm mĩm, làn da căng bóng, dễ gây thiện cảm.
Tuấn Đức (TP.HCM) - người đã có 2 năm tìm hiểu và nuôi ếch cảnh cho biết ở Việt Nam, có khá nhiều giống ếch cảnh như Pacman, Bullfrog, Budgett’s Frog, Brazil Horned Frog, Fantasy, Ornate Horned Frog, cóc mía… nhưng phổ biến nhất vẫn là hai loại đầu tiên.
Trong đó ếch Pacman có nguồn gốc từ Nam Mỹ, kích thước trung bình khoảng 13cm, tuổi thọ từ 7 đến 15 năm. Còn giống Bullfrog (còn gọi là ếch yêu tinh hoặc ếch bò châu Phi) có thể nặng 2kg, với chiều dài tối đa từ 12 đến 24cm tùy vào giới tính.
Giống ếch Pacman (trái) và Bullfrog (phải)
Giá của ếch cảnh cũng tùy thuộc vào giai đoạn sinh trưởng. Ếch Pacman dao động từ 200.000 đồng đến 2 triệu đồng tùy kích cỡ còn ếch Bullfrog cao hơn một chút. Và đắt nhất là giống Ornate horned frog có thể lên đến 2,5 - 3 triệu cho mỗi con nhỏ.
Dù được xếp vào hàng động vật nuôi nhưng việc chăm sóc ếch cảnh cũng cần chú ý vào 2 yếu tố là thức ăn và môi trường sống. Văn Tài - một người nuôi ếch cảnh khác ở TP.HCM chia sẻ thức ăn yêu thích của ếch là cá, dế, sâu, chuột… và nên là thực phẩm tươi, sạch, không bị ôi thiu. Về chuồng nuôi, chỉ cần hộp nhựa với miếng lót để tạo độ ẩm nhưng phải thay nước hàng ngày hoặc từ 2 đến 3 lần/tuần tùy từng loài ếch. Ngoài ra cũng cần đảm bảo nơi ở của ếch thoáng mát, không nuôi nhốt chung ếch con và ếch trưởng thành để tránh tình trạng ăn thịt lẫn nhau.
Nhiều người thích thú vì vẻ ngoài sặc sỡ và mũm mĩm của ếch sắc màu
Kiến cảnh
So với ếch, kiến cảnh còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Nam Cường (Hà Nội) - một người nuôi kiến cảnh cho biết gần như không có nguồn tài liệu chính thức nào, anh chàng phải tự tìm hiểu và học hỏi từ những các anh chị đi trước. Đa phần các loại kiến cảnh được nuôi đều không có nọc độc, phục vụ nhu cầu trang trí phòng khách, phòng làm việc,...
Nam Cường và 1 bể nuôi kiến
Theo chia sẻ của Nam Cường, nuôi kiến không quá tốn kém vì thức ăn chỉ là nước đường, mật ong, thịt côn trùng,... nên khá tiết kiệm chi phí, công sức chăm sóc. Tuy nhiên 2 yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến tuổi thọ đàn kiến là độ ẩm và nhiệt độ trong bể nuôi, phải làm sao để giống môi trường tự nhiên nhất. Do đó, tổ nuôi kiến phải được cấp ẩm hàng ngày và được che chắn cẩn thận để đảm bảo tổ kiến ở trong bóng tối và duy trì nhiệt độ phù hợp.
Giá của kiến cảnh được tính theo đàn. Giá đàn kiến đắt hay rẻ phụ thuộc vào mỗi dòng kiến và quy mô mô của đàn như đàn có ít hay nhiều quân, số lượng kiến chúa trong đàn,...
Cận cảnh những chú kiến trong bể nuôi
Cua cảnh
Cua cảnh cũng là một thú chơi mới nổi trong những năm gần đây và được nhiều người trẻ yêu thích. Một trong những người tiên phong cho thú chơi này ở Việt Nam là Xuân Lộc (Hà Nội). Anh biết đến cua cảnh từ năm 2016 sau một lần sang Thái Lan. Tò mò về loài cua này, anh đã mua cua bản địa của Thái Lan về chơi thử và nghiên cứu cách chăm sóc, nhân giống.
Xuân Lộc và những chú cua cảnh màu sắc
Theo Xuân Lộc, cua cảnh có tuổi thọ khoảng 10 năm trở lên. Trong môi trường nhân tạo, cua được nuôi ở hộp nhựa hoặc bể kính với mực nước 50 - 60%, lượng oxy dồi dào. Tuy nhiên để cua có được màu sắc bắt mắt thì không hề dễ dàng chút nào. Vì trong quá trình ăn, cua gặm đất và tạo ra sắc tố màu nên người nuôi phải mang đất từ các khu vực chúng sinh sống để đem về nhân tạo.
Hiện tại giá cua kiểng phụ thuộc vào kích thước theo chiều ngang của mai (từ 3 đến 7cm), dao động từ 80 đến 350 nghìn đồng.
Bọ lá cây
Thời gian vừa qua, bọ lá cây là loài động vật gây ấn tượng với những người mê động vật. Nhiều người dành sự thích thú cho loài vật này vì khả năng ngụy trang tài tình, trông chẳng khác gì những chiếc lá thực sự.
Khang (TP.HCM) với 5 năm kinh nghiệm tìm hiểu và nuôi bọ lá cây cho biết anh thường nhập trứng từ nước ngoài rồi chờ nở thành con để chăm sóc. Việc nuôi bọ lá cây không cần quá cầu kỳ, chỉ cần lồng lưới và cành ổi hoặc mận làm thức ăn cho bọ. Việc quan trọng nhất là phải duy trì độ ẩm trong môi trường nuôi. Để đảm bảo điều này, người nuôi cần phải thay lá thường xuyên và thỉnh thoảng phun nước làm sương.
Những chú bọ lá cây của Khang
Tuy nhiên Khang cũng lưu ý bọ lá cây có phần đỏng đảnh và tuổi thọ ngắn hơn so với các loại côn trùng khác, chỉ tính bằng tháng đến vài năm tuổi. Giá của mỗi con bọ cũng không rẻ, tùy theo kích thước mà giao động từ 400 nghìn đồng đến tiền triệu. Vì vậy anh cho rằng chỉ ai thực sự có đam mê mới nên theo đuổi loại động vật này.
Tổng hợp