Hà Thị Thanh Hương tốt nghiệp tiến sĩ chuyên ngành thần kinh học tại Đại học Stanford (Mỹ) vào năm 2018, sau đó chị trở về Việt Nam nhằm tìm kiếm những giải pháp cho các bài toán liên quan tới não bộ, trong đó có các nghiên cứu về bệnh Alzheimer.
Năm 2022, chị được trao học bổng khoa học quốc gia L'Oreal - UNESCO for Women in Science với đề án tạo kit để phát hiện bệnh Alzheimer tại chỗ mà không cần phải sử dụng những thiết bị chẩn đoán từ bệnh viện.
Dựa trên bộ kit này, các y bác sĩ ở các trung tâm y tế quận huyện cũng có thể sử dụng để chẩn đoán bệnh Alzheimer thay vì phải dùng các thiết bị máy móc chụp chiếu hiện đại.
Tuổi Trẻ đã có cuộc trò chuyện với TS Hà Thị Thanh Hương - trưởng bộ môn kỹ thuật mô và y học tái tạo, khoa kỹ thuật y sinh, Trường đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP.HCM).
Cơ duyên với ngành thần kinh học
* Cơ duyên nào dẫn dắt chị đến chuyên ngành thần kinh học?
- Khi đang theo học cấp III, gia đình tôi có người thân gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần. Vì quyết tâm tìm được phương pháp điều trị, tôi đăng ký vào ngành công nghệ sinh học, sau đó học chuyên ngành công nghệ sinh học y dược tại Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM).
Tại đây, các thầy cô đã giúp tôi có nền tảng kiến thức về sinh học ở các khía cạnh khác nhau, chính điều này làm nền tảng vững chắc để tôi đậu Đại học Stanford (Mỹ) sau này. Nhờ đó, tôi trở thành nghiên cứu sinh chuyên ngành thần kinh học như mong muốn.
* Để trở thành một nghiên cứu sinh tại Đại học Stanford không phải là điều dễ dàng đối với du học sinh?
- Chuyện tôi học công nghệ sinh học cũng gắn liền với sức khỏe của người thân. Khi tham gia phỏng vấn học bổng Quỹ giáo dục Việt Nam cũng như nộp bài luận qua trường đại học tại Stanford, tôi cũng viết về chuyện của người thân. Các thầy tại đây đã ấn tượng bởi câu chuyện đó.
Thêm vào đó, sau khi tốt nghiệp đại học tại Việt Nam, tôi may mắn được làm trợ lý cho nhóm nghiên cứu về bệnh sa sút trí tuệ do HIV gây nên. Đây chính là điều kiện để tôi tiếp cận môi trường nghiên cứu quốc tế và dần nghiên cứu về não bộ.
Tôi nghĩ đây là hai điểm sáng duy nhất trong hồ sơ nộp vào Đại học Stanford và đã đạt được thành công vì kết quả học tập của tôi tại đại học cũng không phải là xuất sắc so với các học sinh du học khác.
* Trong quá trình học tập tại Đại học Stanford, chị đã trải qua khó khăn gì?
- Mỗi giai đoạn sẽ có mỗi khó khăn riêng, lúc mới qua tôi gặp rào cản về ngôn ngữ. Trường học đã yêu cầu tôi qua đó trước một mùa hè để học tiếng Anh học thuật, các khóa phát âm. Không chỉ về giao tiếp, phải mất nhiều thời gian để tôi học văn hóa, hòa nhập với cộng đồng tại đây.
Sau đó, tôi gặp khó trong việc làm đề tài nghiên cứu vì ngoài những kỹ năng liên quan đến sinh học phân tử tại Việt Nam còn cần thêm nhiều kỹ thuật ở mức độ tương đối khó buộc mình phải kiên trì theo đuổi.
Tiếp đó, tôi kết hôn và sinh em bé nên tiến độ thực hiện đề tài nghiên cứu bị chậm, nguy cơ chậm tốt nghiệp là rất cao. Ngoài việc chăm sóc con cái, tôi phải vùi đầu vô phòng thí nghiệm, có hôm về tới nhà đã 23h - 24h, lúc đó con cũng đã ngủ. May mắn nhờ sự hỗ trợ của gia đình đã giúp tôi vượt qua mọi khó khăn.
Nữ giới làm khoa học cần phải làm gì?
* Theo chị, khi phụ nữ đã theo con đường khoa học, những tố chất cần thiết nhất là gì?
- Tôi nghĩ cái đầu tiên là dũng cảm, điều này không chỉ dành cho nữ mà còn dành cho mọi người làm khoa học vì việc theo đuổi con đường khoa học sẽ gặp nhiều thử thách.
Cái thứ hai tôi nghĩ cần thiết khi làm khoa học đó là khả năng liên kết với các đồng nghiệp, bạn bè, xã hội để phát huy được khả năng sáng tạo. Có thể lấy ví dụ như nếu không liên kết với một cộng đồng hỗ trợ, vậy thì đến cuối ngày xong đạt kết quả tốt và khi mình trở về lại không có ai để chia sẻ thì cuộc sống lại bị khiếm khuyết.
Cuối cùng là sự kiên trì tại vì những bài toán trong khoa học không thể một sớm một chiều giải được. Các công trình nghiên cứu hay các dự án cần đầu tư thời gian rất nhiều nên nếu mình nóng vội thì rất dễ mau nản và dễ sai lầm.
* Bản thân chị làm gì để cân bằng giữa gia đình và công việc?
- Mình phải chấp nhận được mình cũng là một con người bình thường có lúc mệt mỏi, có lúc cảm thấy muốn bỏ cuộc, có lúc cảm thấy mọi thứ khó quá và cũng thấy ở trong gia đình mình không chu toàn được việc làm mẹ làm vợ, hay ở trên cơ quan thì tiến độ công việc cũng không như mình mong muốn.
Do vậy, bản thân tôi luôn học cách làm sao để đối diện với những khoảnh khắc đó nhưng không chìm đắm trong khoảnh khắc đó nhiều. Mình phải tìm cách chia sẻ được những lo lắng hay thất bại đó với những người bạn hoặc những người đồng nghiệp.
* Chị có con trong giai đoạn "dầu sôi lửa bỏng"?
- Khi làm nghiên cứu khoa học sẽ mất rất nhiều thời gian. Tôi có quan điểm muốn làm bạn của con cho nên muốn có con sớm khi còn sức khỏe, còn tuổi trẻ để có thể hiểu được con. Tôi không mất quá nhiều thời gian cho việc quyết định có em bé.
May mắn nhờ hai bên nội ngoại liên tục qua lại chăm sóc con, sau khi có em bé tôi chưa bao giờ nghĩ mình đánh đổi một trong hai chuyện giữa gia đình và sự nghiệp. Tôi nghĩ nếu lúc đó chưa có sự đồng ý hỗ trợ từ hai bên gia đình thì tôi sẽ không có em bé trong thời điểm đó.