Năm 2003, nữ sinh Vương Na (Hà Nam, Trung Quốc) tham gia kỳ thi tuyển sinh ĐH nhưng không nhận được thông báo nhập học. Vương Na nghĩ bản thân đã trượt ĐH nên đã bỏ học để đi làm. 12 năm sau, khi đến đăng ký thẻ tín dụng, người phụ nữ này lại phát hiện trình độ học vấn Cử nhân của cô trên hệ thống thông tin. Chuyện gì đã xảy ra với Vương Na?
Niềm hy vọng bị dập tắt của nữ sinh nghèo
Vương Na sinh ra trong một gia đình có kinh tế khó khăn. Bản thân cô vừa đi học vừa phụ gia đình công việc làm nông, chăm sóc các em nhỏ. Dù vậy, Vương Na vẫn duy trì được thành tích học tập tốt, được nhận vào trường trung học trọng điểm của huyện. Nữ sinh này trở thành niềm hy vọng thoát nghèo của cả gia đình.
Tuy nhiên trong lần đầu tiên thi ĐH, vì quá lo lắng và áp lực, Vương Na đã thi trượt. Dù vậy, cả gia đình vẫn động viên cô ôn thi lại. Lần thứ 2, nữ sinh này tự tin đỗ vì cô đã hoàn thành bài thi tốt. Điểm thi của cô tương đối cao, hoàn toàn có thể được nhận vào một ĐH ở tỉnh Hà Nam.
Nữ sinh này mong muốn trở thành một giáo viên. Thế nhưng 2 tháng trôi qua kể từ ngày biết điểm, Vương Na vẫn không nhận được giấy báo nhập học trong khi các bạn đồng trang lứa đều đã có.
Tin rằng bản thân một lần nữa trượt ĐH, Vương Na nhốt mình trong phòng không ăn không uống suốt một ngày. Cô cảm thấy có lỗi với gia đình khi phụ sự kỳ vọng của họ suốt 2 năm nay. Nữ sinh quyết định không ôn thi tiếp, đi làm để giảm bớt gánh nặng kinh tế cho gia đình.
Vì không có bằng ĐH, Vương Na chấp nhận làm đủ mọi nghề, từ nhân viên khách sạn, phát tờ rơi đến công nhân nhà máy. Những công việc này đều có mức lương thấp nên cuối cùng cô phải về quê giúp bố mẹ bán rau, quên đi ước mơ học ĐH ngày nào.
Dù vậy, Vương Na vẫn nắm bắt được một cơ hội khi theo học tại một cơ sở đào tạo người trẻ các kỹ năng trên máy tính tại địa phương. Cô học thiết kế đồ hoạ, sau đó gặp gỡ và kết hôn với bạn học cùng lớp. Cả hai cùng mở một cửa hàng thiết kế quảng cáo, nỗ lực để có cuộc sống tốt hơn.
Sự thật bị vạch trần sau hơn 1 thập kỷ
Năm 2015, Vương Na có nhu cầu mở thẻ tín dụng để mở rộng kinh doanh. Khi người phụ nữ này vừa điền xong thông tin cá nhân, nhân viên ngân hàng cho biết trình độ học vấn Trung học của cô không khớp với bằng cấp hiển thị trên hệ thống thông tin.
Vương Na tiến hành tra cứu, phát hiện thông tin cô đã tốt nghiệp chính ngôi trường ĐH mình nộp nguyện vọng hơn 10 năm về trước. Tuy nhiên dù tên trùng khớp, ảnh trên bằng tốt nghiệp lại là của một người xa lạ.
Khi người phụ nữ này đem chuyện kể với gia đình, mẹ cô đã lên Phòng Giáo dục thành phố mong nhận được sự giúp đỡ nhưng không thành. Dù vậy mẹ Vương Na vẫn có được số điện thoại của người mạo danh con gái và các bạn học cùng lớp năm ấy. Nhờ đó họ biết được thông tin Vương Na “giả” hiện trở thành một giáo viên dạy tiếng Trung.
Vương Na tìm cách liên lạc với người mạo danh nhưng hoàn toàn bị phớt lờ. Bản thân cô cũng không thể đăng ký thẻ tín dụng do trục trặc giấy tờ nên Vương Na càng muốn giải quyết dứt điểm vụ việc này.
Người phụ nữ này tìm đến trường ĐH cô nộp hồ sơ năm đó. Ban đầu lãnh đạo nhà trường khẳng định họ đã làm đúng theo quy trình tuyển sinh, xét tuyển và cấp bằng tốt nghiệp. Đại diện nhà trường nói:“Chúng tôi không biết gì về việc này, chưa từng có tiền lệ hay ai báo cáo về việc giả mạo bằng cấp ở trường”.
Sau khi Vương Na tìm đến nhiều lần, cuối cùng trường cũng tìm cách sắp xếp để cô gặp Trương Anh Doanh. Thế nhưng người đến cuộc họp lại là bố của Trương Anh Doanh. Ông Trương đưa ra phương án giải quyết: “Cháu muốn bao nhiêu tiền, tôi sẽ nghĩ biện pháp”.
Khi Vương Na yêu cầu huỷ bằng tốt nghiệp ĐH giả mạo, ông Trương không đồng ý vì như vậy sẽ ảnh hưởng đến công việc của con gái mình. Không đạt được thỏa thuận, người đàn ông này thách thức: “Vậy cô đi mà báo cảnh sát, tôi không sợ”.
Đầu năm 2016, Vương Na đăng tải vụ việc bị mạo danh lên mạng xã hội để tìm kiếm sự giúp đỡ từ truyền thông, ngay lập tức nhận được sự chú ý của dư luận. Lúc này ngôi trường ĐH trong vụ việc mới lập đội cán bộ xem xét lại bằng cấp của Vương Na.
Cuối cùng, ông Trương phải thừa nhận khi nhận tin con gái trượt ĐH, một thanh niên đã tìm đến và đề nghị giúp ông “mua chỗ” với giá 5.000 NDT (17 triệu đồng). Đối tượng này đã lấy cắp giấy báo nhập học Vương Na, làm thủ tục đổi tên và thông tin trên giấy tờ, cho Trương Anh Doanh thay thế Vương Na đi đại học. 9 đối tượng liên quan đến vụ việc này và đường dây làm giả bằng cấp đã bị cảnh sát điều tra.
Tháng 2/2016, nhà trường đã huỷ kết quả học tập của Trương Anh Doanh. Người phụ nữ này sau đó bị mất việc, phải đăng bài xin lỗi. Dù vậy Vương Na vẫn không thể nhập học trở lại ngôi trường này. Cô quyết định thi lại, được nhận vào Đại học Công nghệ Lạc Dương (Trung Quốc) và đã tốt nghiệp đại học ở tuổi 37, hoàn thành ước mơ dang dở năm nào.