Ngày 27/9, ông Nguyễn Đức Thánh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Cà Mau, cho biết dự án thực hiện trong hai năm (2024-2025), bằng ngân sách tỉnh. Sau khi hoàn thành nâng cấp, sân bay đón được các loại tàu bay cỡ lớn như A321 (tối đa hơn 200 khách) hoặc Embraer 195 (124 khách).
Dự án thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng với diện tích hơn 100 ha tại phường 6 và phường Tân Thành, TP Cà Mau; 5 tổ chức và khoảng 740 hộ ảnh hưởng. Từ nay đến cuối năm, Cà Mau thực hiện thủ tục đầu tư, đo đạc, kiểm đếm đất đai, tài sản, lập phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, bàn giao một phần mặt bằng thi công.
Đầu năm 2025, tỉnh thực hiện các phần việc còn lại, bàn giao mặt bằng để Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam nâng cấp sân bay với tổng kinh phí 2.253 tỷ đồng, không bao gồm giải phóng mặt bằng.
Sân bay Cà Mau có từ thời Pháp, quy mô cấp 3C, hiện đường cất hạ cánh dài 1.500 m, rộng 30 m, đáp ứng khai thác loại tàu bay thương mại loại nhỏ như ATR72 (tối đa 90 khách), Embraer E190 (124 khách) và tương đương, nhà ga có công suất 200.000 khách mỗi năm.
Nhiều năm qua, Cảng đang khai thác duy nhất một đường bay Cà Mau - TP HCM bằng máy bay ATR72 và ngược lại với tần suất mỗi ngày một chuyến. Giữa năm 2023, Bamboo Airways đã khai thác chặng Hà Nội - Cà Mau bằng máy bay Embraer song đã tạm dừng.
Theo quy hoạch tổng thể ngành hàng không, Cảng hàng không Cà Mau đến năm 2030 là sân bay cấp 4C (đảm bảo tiếp nhận các máy bay tầm trung), công suất một triệu khách mỗi năm; giai đoạn đến năm 2050 là sân bay cấp 4C, công suất 3 triệu khách mỗi năm.
Cà Mau là tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, rộng hơn 5.300 km2, khoảng 1,2 triệu dân. Giai đoạn năm 2020-2025, tỉnh đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5-7% mỗi năm; thu nhập bình quân đầu người đến 2025 đạt 77 triệu đồng.