Phan Đăng Hoàng sinh năm 2000, là NTK trẻ gây ấn tượng với nhiều thành tích đáng nể trong thời gian gần đây. Tháng 5/2024, Phan Đăng Hoàng trở thành Nhà thiết kế Việt duy nhất được Forbes vinh danh "Nghệ sĩ dưới 30 tuổi có tầm ảnh hưởng ở châu Á". Mới đây, Phan Đăng Hoàng cũng là nhà thiết kế Việt đầu tiên ra mắt ở Milan Fashion Week, Italy, cùng ngày với các thương hiệu lớn trên thế giới như Gucci, Versace…
Phía sau một tuổi trẻ với nhiều thành công rực rỡ, những thành tích như NTK Việt Nam đầu tiên ra mắt BST ở Milan Fashion Week, lọt top “30 Under 30 Asia” là một chặng đường như thế nào?
Được biết, mới đây, anh là nhà thiết kế Việt đầu tiên ra mắt BST ở Milan Fashion Week, Italy. Anh có thể chia sẻ hành trình đưa BST đặc biệt này đến sàn diễn lớn như vậy?
Tôi đã tham dự nhiều mùa Fashion Week trước đây nhưng việc tham gia Milan Fashion Week lần này đặc biệt ý nghĩa vì có sự góp mặt của Phan Dang Hoang trong một show diễn runway. Đây cũng là một niềm vinh dự khi Phan Dang Hoang trở thành thương hiệu thời trang Việt Nam đầu tiên có mặt tại Milan Fashion Week.
Hành trình đến với show diễn này cũng rất dài và nhiều khó khăn, thử thách. Trước đó, tôi đã tham gia nhiều dự án digital show, nhưng để có được một physical show như lần này đòi hỏi sự cân nhắc rất lớn từ phía BTC và hội đồng kiểm duyệt của Milan Fashion Week. Cuối cùng, họ đã quyết định trao cơ hội này cho tôi.
Quá trình từ khi nộp đơn đến khi được duyệt diễn ra hơn 1 năm. Với một thương hiệu mới như Phan Dang Hoang, việc apply để diễn ở Milan Fashion Week cũng rất khó khăn. Bởi phần lớn các thương hiệu tham gia đều có bề dày lịch sử, sở hữu những flagship store trên toàn cầu, trong khi thương hiệu của tôi vẫn còn mới, đang trong giai đoạn phát triển. Phan Dang Hoang thậm chí chưa có flagship store.
Milan Fashion Week là một sàn diễn quốc tế lớn. Điều gì đã giúp anh thuyết phục được hội đồng kiểm duyệt?
Đây là một quá trình nhiều thử thách và cũng có nhiều may mắn. Tôi cũng đã từng tham gia, xuất hiện tại nhiều mùa Fashion Week trước đây. Trong những lần xuất hiện trước đó, tôi làm khá tốt, theo nhận định từ mọi người. Có lẽ vì thế mà tôi tạo được dấu ấn, cơ sở để hội đồng kiểm duyệt có thể đánh giá.
Việc chuẩn bị cho show diễn cũng có nhiều khó khăn. Khi phần lớn các thương hiệu khác sẽ chuẩn bị tại Ý vì họ có điều kiện để chuẩn bị ngay tại đây, còn tôi thì chuẩn bị các sản phẩm tại Việt Nam rồi sau đó mới vận chuyển sang. Đây cũng là một thử thách rất lớn.
Khi đối mặt với câu hỏi làm thế nào để vượt qua những khó khăn này, tôi chỉ có một câu trả lời duy nhất là phải cố gắng, không còn cách nào khác. Tôi là người chưa bao giờ biết bỏ cuộc, đã đặt ra mục tiêu thì nhất định phải cố gắng làm cho bằng được.
Nghe nói, anh đi một mình để tham gia Milan Fashion Week lần này?
“Một mình” ở đây đúng về mặt vật lý, tôi thực sự đi một mình. Nhưng về mặt tinh thần, tôi nhận được rất nhiều sự ủng hộ. Lần tham gia Milan Fashion Week này là lần đáng nhớ nhất của tôi trong nhiều năm qua. Tôi đã thực hiện được ước mơ của mình, có một show diễn riêng.
Nhiều người hỏi tôi: “Tại sao không làm show ở Việt Nam, trong khi khách hàng của tôi ở Việt Nam, mà lại chọn Ý làm nơi trình diễn?”. Với tôi, Ý có ý nghĩa rất lớn trong sự nghiệp thời trang của tôi. Đây là nơi đã "khai sinh" thương hiệu Phan Dang Hoang, là nơi tôi từng học tập và gắn bó gần 5 năm, giống như quê hương thứ hai. Tôi muốn sàn diễn đầu tiên của mình là nơi mọi người chào đón Phan Đăng Hoàng và những thiết kế của tôi.
Tôi cũng làm nhiều công việc một mình, từ chuẩn bị đồ, làm việc với ekip nước ngoài, lên danh sách khách mời, phối hợp với các bạn tình nguyện viên. Tôi tự kiểm tra tin nhắn của khách mời, tự chuẩn bị âm nhạc, trang phục và mọi thứ cho show diễn. Nếu chỉ dùng từ “vất vả” để diễn tả, có lẽ không đủ.
Ai cũng có mục tiêu và hành trình riêng. Để đạt được mục tiêu, mình phải chấp nhận hy sinh. Thành quả không bao giờ đến một cách dễ dàng, đặc biệt ở độ tuổi còn trẻ như mình. Tôi cũng là người trẻ nhất ra mắt BST ở Milan Fashion Week. Nếu không dồn toàn bộ công sức và năng lượng, tôi sẽ không có được kết quả như vậy. Muốn có thành công, tôi buộc phải đánh đổi. Tôi phải đánh đổi từ tinh thần đến sức khỏe và cả số tiền tôi đã tích lũy suốt nhiều năm qua để đầu tư cho show lần này. Đây là sự hy sinh mà tôi dành cho giấc mơ của mình.
Milan Fashion Week là một sàn diễn quốc tế. Anh đã chuẩn bị tinh thần và chiến lược gì để vượt qua áp lực và tạo dấu ấn riêng khi nhiều thương hiệu tầm cỡ quốc tế cũng tham gia?
Tôi để mọi việc diễn ra một cách “hữu xạ tự nhiên hương”. Trước khi show diễn bắt đầu, tôi không mời khách mời nào cả, khách mời của thương hiệu không có ai. Chỉ có chị Châu Bùi, Quỳnh Anh Shyn xác nhận sẽ tham dự.
Tôi đã chuẩn bị tâm lý bắt đầu show mà gần như không có khách mời. Sau đó, nhiều người nhìn thấy lịch trình của tôi trên Milan Fashion Week và nhắn tin qua Instagram của tôi, bày tỏ mong muốn được tham dự và show diễn đã đón hơn 200 khách mời.
Những người đến show diễn đều thực sự yêu thích và muốn xem thiết kế của tôi, chứ không phải vì họ là bạn của tôi hay được mời. Hơn 200 khách mời đều là ngẫu nhiên, họ tự nguyện đến, có sự đánh giá khách quan nhất định. Đây là điều khiến tôi rất tự hào.
Được biết, sau khi kết thúc màn diễn, anh đã có một màn chào kết thúc rất đặc biệt? Anh có thể chia sẻ về màn chào kết đặc biệt này?
Show diễn của tôi bắt đầu trễ so với dự kiến khoảng 30 phút. Người điều phối nói với tôi rằng, tôi phải đi nhanh lên, đừng đi chậm quá. Đúng ra, tôi chỉ đi được một đoạn rồi đi vào. Lần đầu tiên tôi diễn một show ở Milan, mọi người chưa biết mặt, tôi nhất định phải đi một vòng. Tôi cũng muốn tôn trọng lịch trình, lời khuyên của người điều phối chương trình, họ cũng là người có sức ảnh hưởng lớn đối với sự nghiệp của tôi. Giây phút ấy, để cân bằng cả hai yếu tố, tôi đã quyết định “chạy thật nhanh”.
Còn khi bước ra sân khấu, cảm xúc và việc mà tôi chạy chỉ đơn giản, tôi cũng không cần phải quá chú trọng vào gương mặt của tôi, chỉ cần mọi người nhớ đến các thiết kế là tôi, cảm thấy mãn nhãn khi xem, đã cảm thấy rất vui.
Khi kết show, tiếng vỗ tay rất to, thì đó cũng là một thành công lớn của tôi . Với một NTK, chỉ cần sản phẩm, thiết kế của họ được đón nhận, đó là niềm hạnh phúc nhất. Còn việc họ xuất hiện như thế nào không quá quan trọng.
Milan Fashion Week là show diễn có ý nghĩa như thế nào với anh?
Đây là show diễn đầu tiên của thương hiệu được tổ chức ở một nơi rất đặc biệt, nằm ngay bên cạnh nhà thờ Duomo, biểu tượng với công trình kiến trúc của Ý. Trước đấy 1 năm, tôi có đi cùng một người bạn đến nhà thờ này và có nói rằng “Ước gì một ngày mình được tổ chức show diễn ở đây. Đúng một năm sau tôi làm được”. Show diễn này cũng là một dấu mốc tôi muốn chạm tới, là một ước mơ của tôi.
Năm 16 tuổi, từ một cậu học sinh nổi tiếng với việc vẽ tranh truyền thần đến giờ trở thành 1 NTK nổi tiếng. Điều gì khiến anh có một bước ngoặt như vậy?
Thật ra không có sự rẽ hướng nào ở đây cả. Tôi thích hội họa và thời trang từ khi còn nhỏ. Tôi thích vẽ từ 3,4 tuổi, thời trang từ 6,7 tuổi. Tôi làm những điều này thuận theo tự nhiên, mong muốn của mình. Rất may mắn trong con đường hội họa, tôi cũng được mọi người đón nhận, được lên báo nước ngoài. Dó cũng là hành trình mà tôi rất cố gắng. Tôi luôn là người đã quyết tâm làm thì phải làm bằng được và làm đến cùng, phải có dấu ấn.
Đến bây giờ, khi đọc những comment là “Ngày xưa, bạn này vẽ truyền thần rất đẹp”, tôi cũng rất vui. Cũng có nhiều người nhớ đến việc ngày xưa tôi từng vẽ tranh. Tôi cảm thấy vui và tự hào, với cá nhân tôi.
Hết năm 16 tuổi, 17 tuổi tôi đã không vẽ truyền thần nữa rồi. Sau đó, tôi apply đi du học thiết kế thời trang.
Tiếp cận với nghệ thuật sớm như vậy, hẳn là anh được truyền cảm hứng từ gia đình?
Gia đình tôi rất ủng hộ ước mơ, đam mê của tôi. Đó là lý do mà vì sao tôi đi du học được vì du học rất tốn kém (cười).
Hội họa là nền tảng của tôi. Ông, bà ngoại của tôi đều là họa sĩ, có nhiều cống hiến cho hội họa Việt Nam. Tôi được truyền cảm hứng từ sự tâm huyết, trách nhiệm với những tác phẩm của ông, bà ngoại. Làm bất kỳ việc gì cũng phải đặt đam mê và nhiệt huyết. Gần như ông, bà cống hiến cuộc đời riêng của mình cho nghệ thuật. Tôi rất nể phục với điều đó.
Tôi 24 tuổi nhưng đã có 11 năm gắn bó với nghệ thuật. 11 năm với một bạn trẻ là một hành trình rất dài. Tôi cũng muốn được cống hiến cuộc đời riêng của mình cho nghệ thuật.
Anh cân bằng như thế nào với một người làm nghệ thuật, thời trang, sáng tạo và một người làm kinh doanh vì sản phẩm của một thương hiệu thì vẫn cần doanh số?
Năm nay, nếu nhắc đến kinh doanh thì có một thành tựu rất vui khi tôi được vinh danh trong Forbes Under 30 ở Châu Á. Đó cũng là một ước mơ của tôi. Forbes sẽ cân nhắc về yếu tố về mặt kinh doanh, tài chính nữa, chứ không đơn giản chỉ có tính nghệ thuật.
Mô hình kinh doanh của Phan Dang Hoang đang trên bước khởi đầu. Với Phan Dang Hoang, tôi luôn làm nghệ thuật với một cái đầu lạnh. Bởi khối lượng công việc nhiều như vậy, tôi phải cân bằng được yếu tố cảm xúc, sáng tạo và lý trí.
Hình thức kinh doanh của thương hiệu vẫn là Pre order. Thực tế, tôi mới về nước hơn 1 năm và 1 năm chưa thể nói lên điều gì với một thương hiệu trẻ.
Tháng 5 vừa qua, anh cũng gây ấn tượng khi trở thành nhà thiết kế Việt duy nhất được Forbes vinh danh "Nghệ sĩ dưới 30 tuổi có tầm ảnh hưởng ở châu Á". Bên cạnh đó, anh còn sở hữu nhiều thành tích. Có thể nói, Phan Đăng Hoàng đã có một khởi đầu, một tuổi trẻ rực rỡ không?
Hành trình của tôi cũng rực rỡ thật. Tuy nhiên, để có được hai chữ rực rỡ đó thì cũng phải đánh đổi rất nhiều. Đằng sau hào quang của một người đều là mồ hôi, nước mắt của họ. Hào quang có thể đến nhanh, đến dễ nhưng có giữ được cái rực rỡ đấy hay không. Tôi trân trọng, biết ơn và cố gắng giữ được sự rực rỡ này.
Đôi khi tôicũng tủi thân, chạnh lòng vì phải hy sinh nhiều thứ nhưng sự hy sinh, đánh đổi đó là xứng đáng.
Chỉ trong 1 năm về nước, anh liên tục ra mắt các BST, thực hiện nhiều dự án. Đâu là động lực khiến anh làm việc sôi nổi như vậy?
Từ bé, tôi là một bạn khá đặc biệt. Tôi biết mình muốn gì và cần làm gì. Tôi hiểu sự khác biệt đó mình cũng khá thiệt thòi. Tôi cũng hơi chạnh lòng khi mình khác biệt và mình phải chấp nhận sự khác biệt này, khác biệt về nhiều thứ, tư duy. Tôi cũng cảm thấy lạc lõng.
Tôi luôn ấp ủ một ước mơ rằng, đến một ngày tôi thành công, tôi sẽ cảm thấy hạnh phúc và chấp nhận sự khác biệt của bản thân.
Nhiều người nghĩ rằng, Phan Đăng Hoàng có bệ đỡ vững chắc. Anh nghĩ như thế nào về điều này?
Tôi đi lên chính từ sự nỗ lực của mình. Tôi sinh ra ở Nghệ An, gia đình của tôi cũng không quá giàu có, không phải trâm anh thế phiệt, rất bình thường.
Gia đình ủng hộ về tinh thần, động lực cho tôi cố gắng. Bố mẹ chắt chiu, dành dụm những điều tốt đẹp nhất cho các con. Từ con đường, ước mơ, bố mẹ luôn ủng hộ. Chỉ có sức khỏe của tôi không được tốt nên bố mẹ có hơi lo.
Còn ai là bệ đỡ, bệ phóng thì không biết làm cách nào để phóng ra được nước ngoài vì đấy là một nơi dù có tiền mình cũng không thể vào được (cười). Có tiền chưa chắc mua được slot diễn chính ở Milan Fashion Week. Việc có suất diễn cùng với Gucci hay các thương hiệu hàng đầu thế giới thì tiền nào mua được.
Nếu chọn 3 cụm từ để miêu tả về hành trình của mình, anh sẽ chọn 3 cụm từ nào?
Tôi nghĩ là mình đã có một hành trình đầy kiên cường, khác biệt và rực rỡ. Nếu không kiên cường, thì tôi đã chọn một con đường đơn giản hơn. Việc theo đuổi thời trang “ngốn” của tôi rất nhiều thứ, đặc biệt là về tiền. Tiền của tôi kiếm được đều đầu tư ngược lại cho thương hiệu, tôi không để tiền riêng cho bản thân. Đây cũng là một sự đánh đổi.
Một ngày tôi có 24 tiếng, tôi chỉ có 7 tiếng để ngủ và thời gian còn lại là làm việc. Ngày nào cũng burn out. Nếu không kiên cường, bền bỉ, có lẽ tôi đã bỏ cuộc, vì nhiều khó khăn thử thách, như việc mỗi mùa phải ra collection.
Tôi biết rằng, đây là độ tuổi mình đang phải cố gắng, phát triển, đòi hỏi sự cân bằng là quá khó. Quan trọng là mình biết mình cần gì hơn ở thời điểm nào.
Một phần là tôi rất yêu công việc này, ước mơ từ lúc còn nhỏ của tôi. 1 năm tôi về Việt Nam, tôi chưa có một ngày nào nghỉ ngơi. Tôi luôn nói với mẹ tôi rằng, tôi sẽ làm việc đến khi mắt tôi mờ đi. Tôi đam mê công việc vô cùng, hết dự án này lại làm dự án khác. 1 năm 365 ngày chỉ nghỉ mấy ngày Tết.
Là một người trẻ đạt được nhiều thành công từ sớm, anh đúc kết được những điều gì để chia sẻ, truyền cảm hứng đến các bạn trẻ?
Hãy có cho mình đam mê, nhiệt huyết và tinh thần theo đuổi đến cùng. Tuy nhiên cũng không nên cố hữu. Có những thứ mình cố gắng cũng không được, như việc mình không có năng khiếu thì khó có thể phát triển theo nghề được.
Dù mình làm điều gì, đam mê đến đâu cũng phải biết mình đang ở đâu, đang như thế nào, đang cần điều gì. Đừng quá cố chấp mà hãy cho mình con đường lui để không cảm thấy quá bất mãn tại sao mình cố gắng mãi mà không được.
Đặc biệt, mình cần phải kiên trì. Bây giờ, giờ mọi thứ quá khó khăn, nếu không kiên trì, dễ bỏ cuộc thì khó có thể thành công được. Thậm chí, bản thân còn phải chấp nhận, đánh đổi rất nhiều để có được thành công.
Cảm ơn những chia sẻ của anh!