Giá antimon đã tăng vọt 40% vào ngày 4/12 ngay sau khi Trung Quốc thông báo cấm xuất khẩu một số khoáng sản quan trọng sang Mỹ. Bắc Kinh hiện đã thực hiện quy định hạn chế này với antimon, gali và germani. Đây là những khoáng sản quan trọng được sử dụng phổ biến trong cả lĩnh vực quân sự và dân sự.
Chỉ trong năm nay, giá antimon đã tăng 300%, từ 11.000 USD một tấn lên hơn 40.000 USD/tấn. Giới chuyên gia dự báo rằng giá kim loại này sẽ lên đến hơn 50.000 USD/tấn vào năm sau.
Hôm 3/12, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết: “Về nguyên tắc, việc xuất khẩu gali, germani, antimon và các vật liệu siêu cứng sang Mỹ là không được phép.”
Trung Quốc là quốc gia sản xuất antimon lớn nhất thế giới, chiếm 48% sản lượng khai thác trên toàn cầu. Sản lượng của nước này vào năm 2023 đạt 40.000 tấn, gần gấp đôi của Tajikistan, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ là nhà sản xuất lớn thứ 3 với 6.000 tấn.
Năm nay, Trung Quốc đóng góp 59,2% sản lượng germani tinh chế và 98,8% lượng gali tinh chế của thế giới, theo hãng tư vấn Project Blue.
Anitmon được coi là kim loại chiến lược được sử dụng trong lĩnh vực quân sự như đạn dược, tên lửa hồng ngoại, vũ khí hạt nhân, cũng như pin lưu trữ axit chì được dùng trong ô tô và má phanh nhờ đặc tính chịu nhiệt tốt.
Antimon cũng là nguyên liệu phổ biến trong ngành năng lượng mặt trời để tăng độ trong suốt của lớp kính phủ bên trên các tấm pin năng lượng mặt trời và dùng cả trong sản xuất điện thoại thông minh.
Các cường quốc phương Tây đã chi 100 tỷ USD để sản xuất thêm vũ khí, trong đó các tên lửa hành trình, đạn pháo, đạn dược và xe bọc thép đều chứa antimon. Điều đáng chú ý là Mỹ không thể sản xuất bất kỳ lượng antimon nào.
Christopher Ecclestone, một chiến lược gia ngành khai thác tại Hallgarten & Company ở London, đưa ra nhận định ngay sau khi Bắc Kinh công bố lệnh cấm xuất khẩu antimon: “Đây là dấu hiệu của ‘thời thế’. Nước nào cũng cần antimon để chế tạo vũ khí và việc nắm giữ sẽ tốt hơn là bán ra. Động thái của Bắc Kinh sẽ gây áp lực thực sự cho quân đội Mỹ và châu Âu.”
Và đương nhiên, cổ phiếu của các nhà sản xuất kim loại hiếm này cũng tăng vọt. Cổ phiếu của Hunan Gold Corporation, một trong những nhà sản xuất antimon lớn nhất, tăng 64% trong năm nay, còn cổ phiếu Perpetua Resources tăng 270% từ đầu năm đến nay.
Thông báo mới nhất của Bắc Kinh được đưa ra một ngày sau khi Washington đưa ra lệnh hạn chế với ngành chip của Trung Quốc. Mỹ hạn chế xuất khẩu cho 140 công ty, bao gồm cả nhà sản xuất thiết bị chip Naura Technology Group. Những động thái này đánh dấu bước leo thang trong căng thẳng thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Năm ngoái, Trung Quốc cho biết sẽ áp đặt hạn chế xuất khẩu 8 sản phẩm liên quan đến gali và 6 sản phẩm germani bắt đầu từ tháng 8/2023. Đây là bước đi nhằm trả đũa việc Mỹ áp đặt hạn chế thương mại và thuế quan với hàng hoá do Trung Quốc sản xuất. Ngày 14/8, Bắc Kinh tiếp tục siết chặt xuất khẩu, hạn chế bán antimon cho các doanh nghiệp Mỹ.
Tham khảo Oilprice; Reuters