Tăng trưởng GDP Việt Nam mạnh nhất châu Á
UOB dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê công cho thấy, tăng trưởng GDP trong quý III/2022 ở mức 13,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng kỷ lục theo quý đối với Việt Nam và vượt qua mức tăng 13,5% của Ấn Độ trong quý II để trở thành kết quả tăng trưởng mạnh nhất ở châu Á trong năm nay.
GDP Việt Nam trong quý III vượt qua mức tăng 13,5% của Ấn Độ trong quý II để trở thành kết quả tăng trưởng mạnh nhất ở châu Á trong năm 2022.
Theo UOB, kết quả này do nhiều hoạt động được thúc đẩy từ quý I đến quý III, gồm xây dựng, sản xuất và dịch vụ.
Sự phục hồi đặc biệt rõ rệt trong lĩnh vực dịch vụ, khi mảng dịch vụ lưu trú và ăn uống trong 3 quý đã tăng gần 42% so với cùng kỳ và so với mức hơn 11% trong quý II. Các dữ liệu công bố hàng tháng khác cũng cho thấy các hoạt động nhìn chung đã trở lại bình thường cùng với việc nới lỏng các biện pháp chống COVID-19 và mở cửa lại biên giới.
Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị bắt
Căn cứ kết quả điều tra, ngày 7/10/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại CTCP Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan.
Đồng thời, C03ra các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với Trương Mỹ Lan (sinh năm 1956) và ba bị can đồng phạm về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, do có hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu trái quy định của pháp luật để chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của người dân trong thời gian năm 2018 - 2019.
Bà Trương Mỹ Lan - Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát
Nữ tỉ phú người Việt gốc Hoa Trương Mỹ Lan còn được gọi với cái tên "Trương Muội". Chồng bà Lan là doanh nhân giàu có trong lĩnh vực bất động sản tại Hồng Kông. Giữa năm 2014, bà Trương Mỹ Lan cùng 9 thành viên khác trong gia đình đồng loạt xin thôi quốc tịch Việt Nam.
Trước khi bị khởi tố, bắt tạm giam, bà Trương Mỹ Lan giữ chức Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Tập đoàn này có vốn điều lệ 13.000 tỉ đồng, chuyên đầu tư các lĩnh vực bất động sản, dịch vụ nhà hàng, khách sạn, thể thao, dịch vụ tài chính và cơ sở hạ tầng.
Tập đoàn Vạn Thịnh Phát sở hữu nhiều khu đất vàng tại trung tâm TP HCM.
Lãi suất huy động tăng chóng mặt
Thống kê tại 36 ngân hàng trong nước tới ngày 5/10 cho thấy, trong một tháng qua, hơn 30 đơn vị đồng loạt tăng lãi suất huy động, trong đó có 20 nhà băng ghi nhận lãi suất tăng tại tất cả kỳ hạn với mức tăng cao nhất 1,9%, đưa mặt bằng về gần mức trước dịch.
Không có nhà băng nào giảm lãi suất và chỉ có 4 đơn vị giữ nguyên biểu lãi suất tháng 9 gồm Techcombank, ABBank, Oceanbank, CBBank.
Đây là lần đầu tiên lãi suất huy động tăng trên diện rộng với mức tăng mạnh, sau hơn hai năm Covid-19 vừa qua.
Cụ thể, hàng loạt ngân hàng thương mại đã đẩy lãi suất huy động kỳ hạn dài lên mặt bằng mới, nhiều ngân hàng chấp nhận chi trả mức lãi suất trên 8%/năm cho các khoản tiền gửi của khách hàng cá nhân. Mức lãi suất tiền gửi cao nhất thị trường hiện nay lên tới 8,2%/năm do ngân hàng số Cake by VPBank đưa ra, áp dụng với các khoản tiền gửi trên 300 triệu đồng và kỳ hạn 36 tháng. Với tiền gửi thời hạn 01 năm, tại Ngân hàng CBBank, mức lãi suất huy động đang cao nhất là 7,45%/năm; tiếp đến là ngân hàng SCB 7,3%/năm; Bắc Á Bank và ĐôngÁ Bank cùng có mức 7,2%/năm....
Dự án 10.000 tỷ đồng của FLC tại Phú Thọ bị “khai tử” sau 9 tháng khởi công
Mới đây, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành Quyết định số 2284/QĐ-UBND về việc chấm dứt hoạt động của dự án và thu hồi Chấp thuận chủ trương đầu tư, Quyết định phê duyệt danh sách nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm thực hiện Dự án Khu đô thị sinh thái và thể thao Việt Trì – Giai đoạn 1 (phân khu D,E,F).
Lý do chấm dứt hoạt động dự án và thu hồi chấp thuận chủ trương đầu tư: Do gặp một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Trước đó, phía Tập đoàn FLC cũng đã có thông báo và hồ sơ đề nghị chấm dứt hoạt động dự án này.
Cũng theo Quyết định số 2284/QĐ-UBND, Tập đoàn FLC có trách nhiệm hoàn thành các thủ tục thanh lý dự án đầu tư và hoàn thành các nghĩa vụ với Nhà nước liên quan đến dự án (nếu có) theo đúng quy định hiện hành của pháp luật.
Thị trường chứng khoán lao dốc
VN-Index tiếp tục trả qua một tuần giảm điểm, áp lực bán đã xuất hiện ngay từ đầu tuần và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trong suốt 5 phiên giao dịch. Chỉ số chung có lúc đã giảm về sát mốc 1.020 điểm. Thanh khoản giảm nhẹ và tiếp tục duy trì ở mức thấp, và chỉ gia tăng trở lại khi VN-Index giảm xuống dưới 1.050.
Toàn bộ nhóm ngành đều đồng loạt ghi nhận giảm điểm. Trong đó, tác động tiêu cực nhất tới chỉ số phải kể đến nhóm cổ phiếu blue chip ngành ngân hàng, dịch vụ tài chính và bán lẻ khi hầu hết đều ghi nhận mức giảm lớn hơn 10% trong tuần vừa qua.
Không có phép màu xảy ra vào phiên giao dịch cuối tuần khi VN-Index đóng nến tuần ở gần khu vực 1.035. Kết tuần, VN-Index giảm 96,2 điểm, tương đương mức giảm 8,5% so với tuần trước xuống 1.035,91 điểm. Tương tự, HNX-Index và UPCoM-Index giảm lần lượt 9,65% và 5,86%.