Năm 2007, chị Hoa được môi giới giới thiệu sang Thái Lan làm việc. Trước đó một năm, chồng chị đi xuất khẩu lao động ở Malaysia, nhưng công việc không thuận lợi nên về nước tay trắng, kèm khoản nợ hơn 70 triệu đồng. Hoa quyết định vay thêm tiền làm thủ tục xuất ngoại.
Với visa du lịch, Hoa xin vào làm việc chui tại một xưởng may tư nhân, lương 4.000 bath (khoảng 2,8 triệu đồng) một tháng, làm việc từ 6h sáng đến 12h khuya. Đây là mức lương trong mơ của cô bởi công nhân ở Việt Nam thời bấy giờ đang nhận lương trung bình hơn 600.000 đồng.
Nguyễn Thị Hoa quê Hà Tĩnh là một trong rất nhiều phụ nữ Việt Nam đi lao động nước ngoài theo đường phi chính thức, kể về hành trình của mình trong buổi ra mắt tập sách "Hành trình di cư lao động nước ngoài của phụ nữ Việt Nam: Những câu chuyện bây giờ mới kể", sáng 28/2.
Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS), cho rằng số phụ nữ Việt Nam đi lao động nước ngoài theo đường phi chính thức rất nhiều. Tuy nhiên, cũng vì phi chính thức nên không thể có con số thống kê cụ thể.
Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, đến năm 2018, có khoảng 540.000 người Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài, hơn 30% trong số đó là phụ nữ. Số liệu của Ngân hàng thế giới (WB) cho biết, trong năm năm qua, Việt Nam luôn thuộc 10 nước có lượng kiều hối cao nhất, đỉnh điểm là 17,2 tỷ USD năm 2019. Một phần đáng kể là đóng góp của lao động di cư.
Một nghiên cứu của ISDS năm 2018 ở 5 tỉnh thành, cho thấy 35% phụ nữ đi lao động nước ngoài vì muốn trả nợ, 45% để trang trải cuộc sống gia đình và 36% chọn con đường này vì muốn xây nhà.
"Ra nước ngoài, hầu hết chị em không biết tiếng bản địa, bị bóc lột sức lao động, nhiều người còn gặp vấn đề về bạo lực giới", bà Khuất Thu Hồng nói.
Hồi mới sang Thái, Hoa không biết tiếng. Thấy xưởng mình làm việc đa phần là đồng hương, chị đã mừng thầm. Nhưng hy vọng bị dập tắt ngay ngày đầu làm việc. Hôm đó, ông chủ bảo Hoa xuống tầng một lấy quạt lên xưởng ở tầng ba bật cho đỡ nóng. Vì không hiểu tiếng Thái, cô chạy xuống hì hụi vác nồi cơm lên. Ông chủ lắc đầu, đồng nghiệp người Việt nhìn Hoa cười nhưng không ai nói cô cần phải lấy thứ gì. Ba lần chạy lên xuống, người đẫm mồ hôi mới đúng ý chủ cũng là lúc Hoa bật khóc nức nở. "Nhiều lần ông chủ sai việc này, họ cố tình dịch sai cho tôi làm việc khác", Nguyễn Thị Hoa kể chuyện qua Zoom, sáng 28/2.
Hoa làm ba tháng không được trả lương, chỉ được cho tiền mua đồ ăn để sống qua ngày. Chị thường xuyên bị ông chủ ỡm ờ "xin một đêm", đụng chạm những chỗ nhạy cảm. Biết mình bị lừa, cô gái quê Hà Tĩnh bỏ lại toàn bộ đồ đạc, chỉ cầm điện thoại vờ đi chợ để chạy trốn. Chị ở nhờ nhà bạn một ngày, rồi gọi cho môi giới nhờ tìm việc mới. Hoa được đến làm việc ở một nhà hàng, trả công giới thiệu nửa tháng lương đầu.
Phụ nữ di cư bị quấy rối tình dục như Hoa không ít. Chị Nguyễn Thị Tình, 38 tuổi cùng chồng sang Thái Lan làm việc, nhưng ở hai tỉnh khác nhau. Tình may mắn gặp được chủ tốt nên được trả lương đầy đủ.
Một lần, chị nhờ chủ giúp đặt xe đi thăm chồng. Trên xe, tài xế có ý đồ với chị. "Anh ta bảo với tôi là ước gì có một cô vợ Việt. Tưởng anh nói cho vui nên cũng không để tâm. Khi đến ngã ba đường, anh ta không rẽ theo hướng về chỗ chồng tôi mà rẽ vào rừng", chị Tình kể với phóng viên VnExpress.
Chị bảo tài xế quay xe, nhưng anh ta khóa chặt cửa, đòi hỏi. Tình đập cửa, tìm cách mở để thoát ra ngoài nhưng không được. Chị vội lấy điện thoại gọi cầu cứu người quen. Khi ông chủ gọi vào số tài xế, hắn mới buông tha cho chị và xin lỗi nói rằng nhầm đường.
Nỗi ấm ức của chị Tình không là gì so với những năm tháng vợ chồng Nguyễn Thị Minh phải trải qua. Năm 2010, hai vợ chồng sang Thái Lan làm việc để trả khoản nợ hai năm trước anh chồng vay mượn để đi Đài Loan. Công việc của Minh là trồng hoa, chiết cành mang ra chợ bán thay chủ. Cứ anh chồng đi làm thì ông chủ ở nhà sàm sỡ người vợ. Hai lần như vậy, chị Minh vẫn giấu chồng.
Đến lần thứ ba, chồng chị từ chợ về bắt gặp cảnh vợ bị quấy rối. Dù căm giận, anh chỉ nói vài câu nhưng cố nhịn kiếm kế sinh nhai. Nhưng một ngày, hai vợ chồng chị làm trong vườn thì cảnh sát ập đến vào bắt về đồn. Về sau, chị mới biết chủ là người báo tin. Hai vợ chồng bị tù ba tháng.
Nhập cư trái phép nên bị công an bắt như vợ chồng Minh là nỗi sợ lớn nhất của phụ nữ lao động nước ngoài. Nỗi sợ này chiếm 18% ở những người làm trong ngành dịch vụ, theo nghiên cứu của ISDS, năm 2018.
Ở tù đã trở thành ký ức không thể xóa trong đời chị Trần Thị Thu, một phụ nữ sang Thái kiếm sống. Trong tập sách, chị kể bị cảnh sát bắt do hộ chiếu quá hạn hai ngày. Ở trại, Thu bị "trưởng tù tự xưng" lục soát đồ đạc, tịch thu điện thoại và bắt đóng tiền ngày đầu nhập trại.
Thu gặp nhiều đồng hương, trong đó có một người mang bầu và rất nhiều người Lào, Campuchia, Indonessia, Malaysia. "Hồi mới vào, ai cũng khóc sưng mặt, cơm không nuốt nổi, ngủ thì không có chỗ trở mình. Trong tù, họ đánh nhau hàng ngày. Có người lâu không lo đủ giấy tờ về nước thì phát điên, khi khóc, khi cười, la hét", chị viết.
Hơn một tháng sau, những người Việt được mua vé may bay về nước. Nhưng cô gái mang bầu không thể về vì thai đã hơn tám tháng, buộc phải sinh con trong tù. Chị Thu và một người nữa tình nguyện ở lại chăm sóc cô cho đến khi sinh xong. Đứa trẻ chào đời trong trại giam khi được cảnh sát nước sở tại gom tiền mua cho chút đồ sơ sinh. "Nhìn bé sinh trong trại mà tôi đau lòng. Vì mưu sinh của gia đình mà con phải chịu thiệt thòi như vậy", chị chia sẻ.
Dù tủi nhục, vất vả ở xứ người, chị Hoa và chị Tình vẫn ở lại Thái Lan, người bảy năm, người 10 năm. Hiện tại, họ đều đã về nước. Chị Hoa buôn bán nhỏ, còn chị Tình vì thông thạo tiếng Thái nên bán online sản phẩm của Thái Lan cho người Nhật và Hàn Quốc.
"Cha mẹ đã già, con lại nhỏ nên tôi chọn về Việt Nam ổn định cuộc sống", người mẹ có con 11 tuổi và ba tuổi, nói với VnExpress. Tuy nhiên, cả chồng Hoa và Tình vẫn đang tiếp tục hành trình mưu sinh ở xứ người.
Viện trưởng Nghiên cứu phát triển xã hội Khuất Thu Hồng cho biết, cơ quan nghiên cứu hy vọng những câu chuyện này giúp cộng đồng và các nhà làm chính sách hiểu rõ thêm về những khó khăn, thách thức và rủi ro mà nhiều phụ nữ Việt Nam đi lao động ở nước ngoài gặp phải, đồng thời ghi nhận giá trị của những hi sinh, đóng góp của họ cho gia đình và quê hương. "Chúng tôi mong nhà làm chính sách sẽ thúc đẩy các nỗ lực để hành trình di cư lao động ở nước ngoài của phụ nữ nói riêng và người lao động nói chung trở nên an toàn và bình đẳng hơn", bà Hồng nói.
Thạc sĩ Nguyễn Song Bảo Anh (Viện ISDS) cho rằng để đảm bảo an toàn, các chị em muốn đi lao động nước ngoài an toàn nên kết nối với các mạng lưới phụ nữ di cư nước ngoài của địa phương để rút kinh nghiệm, mở rộng mạng lưới tiếp cận thông tin (mạng xã hội, báo chí, các chi hội phụ nữ địa phương, các tổ chức...) để biết những chương trình di cư lao động nước ngoài an toàn, hợp pháp, phù hợp trình độ, độ tuổi.
Tên nhân vật đã được thay đổi.