Tài chính

"Nỗi đau" ngành công nghệ đang lan sang phần còn lại của nền kinh tế

'Nỗi đau' ngành công nghệ đang lan sang phần còn lại của nền kinh tế - Ảnh 1.

Theo các chuyên gia, chúng ta đang ở trong một giai đoạn mới của đà suy thoái công nghệ - nơi các vấn đề lớn nhỏ ảnh hưởng đến toàn ngành và nền kinh tế rộng lớn. Đáng buồn hơn, nhiều lý do khiến cho những thiệt hại này có thể trở nên tồi tệ.

Đầu tháng này, Amazon quyết định tạm dừng xây dựng trụ sở thứ hai tại Virginia sau đợt sa thải nhân sự lớn chưa từng có; trong khi Meta tuyên bố cắt giảm thêm 10.000 việc làm trong chiến dịch "là phẳng" thứ hai. Cùng với màn sụp đổ của ngân hàng SVB, chuỗi sự kiện này đang cho thấy những yếu kém mang tính hệ thống của nền kinh tế công nghệ, đúng như những gì CEO Mark Zuckerberg nhận định:

“Tại thời điểm này, tôi nghĩ chúng ta nên chuẩn bị cho kịch bản, rằng nền kinh tế mới này sẽ tiếp diễn trong nhiều năm”. Zuckerberg cho rằng lãi suất cao, tình trạng bất ổn địa chính trị và siết chặt quy định của giới chức chính là những thách thức lớn cần phải vượt qua.

Brad Gerstner, một nhà đầu tư công nghệ tại Altimeter Capital đã bật mí bí mật tại Thung lũng Silicon, rằng các công ty công nghệ lớn như Google, Meta hay Twitter, Uber, đều có thể đạt mức doanh thu tương tự mà không cần lượng lớn nhân viên như vậy. Chính vì vậy, việc cắt giảm là cấp thiết để giúp công ty hoạt động hiệu quả.

Theo WSJ, không phải mọi thông tin đều là tiêu cực. Chỉ số Nasdaq thiên về công nghệ đã tăng khoảng 15% so với mức thấp nhất hồi tháng 10 năm ngoái. Giá cổ phiếu Meta thậm chí còn tăng gần 122%, dù vẫn thấp hơn nhiều so với mức kỷ lục đạt được vào năm 2021. Điều đó cho thấy một phần nhiệt thành của các nhà đầu tư bắt nguồn từ động thái cắt giảm chi phí hợp lý và sa thải nhân lực dư thừa.

'Nỗi đau' ngành công nghệ đang lan sang phần còn lại của nền kinh tế - Ảnh 2.

Nỗi đau ngành công nghệ đang lan sang phần còn lại của nền kinh tế

Trong cuốn: "Sống chung với các công nghệ rủi ro cao”, chuyên gia Charles Perrow của Đại học Yale đã giải thích về động cơ của các khủng hoảng. Điều ông phát hiện ra, là bất kỳ hệ thống phức tạp nào sở hữu các yếu tố được liên kết chặt chẽ với nhau đều dễ dẫn đến thất bại.

Kết luận này có thể áp dụng cho hệ thống tài chính Mỹ trước khủng hoảng tài chính 2007-2008, hoặc mạng lưới kết nối dày đặc của các công ty công nghệ ngày nay. Họ không chỉ là đối thủ cạnh tranh, mà trong nhiều năm, liên tục sao chép, chiêu mộ nhân tài của nhau và thâu tóm các startup cho lợi cho các mô hình kinh doanh của nhau.

Ví dụ phụ thuộc rõ ràng nhất là mối quan hệ giữa Apple và Meta. Đại diện tập đoàn cho biết việc Apple thay đổi cách quảng cáo hoạt động trên ứng dụng iOS – cụ thể là giờ đây các nhà sản xuất ứng dụng và nhà quảng cáo gặp khó khăn hơn trong việc theo dõi hành vi người dùng, sẽ khiến Facebook mất tới 10 tỷ USD doanh thu trong năm 2022.

Trong khi đó, suy thoái trong lĩnh vực khởi nghiệp mới chỉ đang bắt đầu. Nhiều công ty đang chật vật tự duy trì bằng số tiền huy động được trước đó, trong bối cảnh hoạt động huy động vốn được dự báo là sẽ rất khó khăn, nếu không muốn nói là không thể. Trong quý cuối cùng của năm 2022, hoạt động huy động vốn của các công ty đầu tư mạo hiểm đạt mức thấp nhất sau 9 năm, giảm 65% so với cùng kỳ năm 2021.

'Nỗi đau' ngành công nghệ đang lan sang phần còn lại của nền kinh tế - Ảnh 3.

Suy thoái trong lĩnh vực khởi nghiệp mới chỉ đang bắt đầu.

Câu chuyện về Argo AI, startup xe tự hành tự tuyên bố giải thể, được cho là minh chứng rõ ràng nhất cho một năm ảm đạm giới khởi nghiệp. Startup này từng được hậu thuẫn bởi hai trong số các nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới, Ford Motor và Volkswagen; thậm chí đến Amazon cũng từng khao khát được sở hữu. Tuy nhiên, tình trạng sa sút của nền kinh tế đã khiến Argo AI không thể trụ vững, trong bối cảnh triển vọng cho xe tự lái lung lay.

“Vào năm 2017, khi Ford đầu tư vào Argo AI, công ty đã dự đoán có thể đưa công nghệ ADAS cấp độ 4 ra thị trường vào năm 2021. Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi”, CEO Jim Farley của Ford cho biết. “Chúng tôi lạc quan về tương lai phát triển của công nghệ ADAS, nhưng còn lâu nó mới có thể giúp công ty kiếm lợi nhuận.

Theo giáo sư tài chính Jay Ritter của Đại học Florida, thị trường cho các đợt phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) tại Mỹ đã phải trải qua một năm tồi tệ nhất kể từ năm 1990. Khoảng 139 công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC) phải thanh lý, theo SPAC Research, từ đó làm suy yếu công cụ đặc biệt vốn được các công ty khởi nghiệp và giới đầu tư tận dụng để kiếm tiền.

Theo các chuyên gia, nhiều đối tác dài hạn chuyên rót vốn vào các công ty đầu tư mạo hiểm đang ghi nhận lợi nhuận không mấy khả quan kể từ ít nhất năm 2006. Miguel Luiña, Giám đốc điều hành quỹ đầu tư Hamilton Lane, cho biết sự thiếu hụt này, kết hợp với các khoản lỗ đầu tư vào cổ phiếu đại chúng và một số tài sản khác, khiến họ không còn nhiều tiền mặt để tiếp tục đầu tư.

'Nỗi đau' ngành công nghệ đang lan sang phần còn lại của nền kinh tế - Ảnh 4.

Bất kỳ hệ thống phức tạp nào sở hữu các yếu tố được liên kết chặt chẽ với nhau đều dễ dẫn đến thất bại.

Theo WSJ, khoảng 2.750 công ty khởi nghiệp huy động được tiền vào năm 2021 chưa nhận thêm bất kỳ khoản vốn đầu tư mạo hiểm nào kể từ đó. Nhiều công ty khởi nghiệp, hầu hết còn non trẻ và chưa có lãi, đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt tiền mặt trong năm 2023.

“Sẽ rất áp lực nếu muốn kiếm tiền bằng mọi giá”, Mark Peter Davis, đối tác quản lý tại Interplay, một công ty mạo hiểm kiêm vườn ươm khởi nghiệp, cho biết. “Tôi nghĩ chúng ta sẽ còn chứng kiến nhiều nỗi đau như thế này”.

Hiện tại, cũng không còn ai nhắc đến SPAC. Đây là ‘một công ty vỏ bọc’ được giao dịch công khai, không có hoạt động kinh doanh nào khác ngoài việc tìm cách sáp nhập với một công ty khác. Những giao dịch kiểu như vậy từng tạo ra ‘cơn sốt’ hồi cuối năm 2021 tại Phố Wall, song giờ đây sụp đổ trong ngỡ ngàng.

“Sự sụt giảm quá kinh khủng. Các SPAC gặp khó khăn thường thuộc một trong hai loại sau đây: công ty thuần đầu cơ hoặc được định giá quá cao”, Dan Zwirn, đồng sáng lập Arena Investors LP nói, đồng thời cho biết chúng có thể sẽ phá sản hoặc bị rao bán với giá thấp. Cho đến nay, ít nhất 12 công ty theo hình thức SPAC đã đồng ý bán mình với giá thấp hơn giá trị niêm yết, theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp.

'Nỗi đau' ngành công nghệ đang lan sang phần còn lại của nền kinh tế - Ảnh 5.

Khoảng 2.750 công ty khởi nghiệp huy động được tiền vào năm 2021 chưa nhận thêm bất kỳ khoản vốn đầu tư mạo hiểm nào kể từ đó.

Được biết, SPAC tồn tại trong nhiều thập kỷ, song chỉ thực sự bùng nổ hồi năm 2020-2021, đồng thời thúc đẩy tiền số và cổ phiếu meme. Các công ty này không có hoạt động cụ thể nào ngoài việc huy động tiền bằng cách phát hành cổ phiếu ra công chúng và sáp nhập. Công ty mục tiêu sau khi sáp nhập với SPAC sẽ trở thành công ty đại chúng mà không cần tiến hành một vụ IPO như bình thường, thậm chí vượt qua được một số rào cản pháp lý.

Tuy nhiên, lợi thế của SPAC cũng chính là rủi ro SPAC có thể mang đến cho nhà đầu tư. Nếu quy trình IPO truyền thống “khó tính” giúp đảm bảo cho các khoản đầu tư có khả năng sinh lời tốt nhất, SPAC lại mang tính mạo hiểm nhiều hơn. Đến 2020, nhờ các vụ sáp nhập các công ty làm ăn tốt, lợi nhuận cổ phiếu trung bình của SPAC tăng lên 17%, song vẫn thua xa IPO truyền thống.

Theo: WSJ, Bloomberg

Cùng chuyên mục

Đọc thêm