Tài chính

Nới biên độ tỷ giá USD/VND, tiếp theo sẽ là gì?

Ngày 17/10, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định nới rộng biên độ tỷ giá USD/VND, tham chiếu theo tỷ giá trung tâm, từ +/-3% lên +/-5%. Đi cùng, NHNN tăng mạnh giá bán ra USD với mức độ chưa từng có trong lịch sử.

Nhìn lại những gì vừa qua, đã ba lần liên tiếp trong hơn một tháng trở lại đây NHNN tăng mạnh giá bán ra USD. Sau mỗi lần nâng như vậy tỷ giá trên các thị trường lại lần lượt vượt qua, giá “chốt chặn” của Nhà điều hành lại hụt sâu, và sau đó là các lần rượt đuổi với thị trường.

Qua mỗi lần nâng giá bán, NHNN vẫn giữ cách yết giá bán tạo cung cho thị trường thấp hơn mức trần. Dù vậy, giá trên thị trường vẫn nhanh chóng vượt lên, có những nhu cầu ngoại tệ phải mua cao hơn mới có thể gặp cung. Qua những lần vượt qua như vậy, niềm tin vào “giá chốt chặn” của NHNN không còn nguyên vẹn nữa.

Lần này, Sở Giao dịch NHNN nâng mạnh giá bán USD nhưng vẫn tiếp tục thấp hơn mức trần biên độ: 24.380 VND so với 24.765 VND, tính trong ngày 17/10. Liệu tới đây, tỷ giá tiếp tục tăng lên và vượt qua mốc 24.380 VND, NHNN sẽ tiếp tục nâng giá bán?

Câu trả lời còn phía trước, nhưng qua ba lần thực tiễn vừa qua, một mặt niềm tin vào một mức “giá chốt chặn” đã không còn như trước, mặt khác kỳ vọng tăng giá trên thị trường càng thêm cơ sở để nối dài.

Ở điểm quan sát thứ hai: diễn biến tỷ giá USD/VND gần đây có “điều lạ”. Tỷ giá trung tâm (dùng để tham chiếu cho tỷ giá giao dịch tại các ngân hàng) liên tục và có chuỗi tăng giá mạnh, kéo dài. “Lạ” là bởi trong chuỗi tăng mạnh và kéo dài này diễn ra sau khi NHNN đã tăng các lãi suất điều hành, chỉ số USD Index giảm mạnh trên thị trường thế giới (sau khi tiến gần 115 điểm đã giảm về quanh 111-112 điểm).

“Điều lạ” trên khiến vấn đề của tỷ giá trung tâm, các cấu phần “tính” nên nó và công bố hàng ngày được chú ý, khi chỉ một chiều tăng mạnh và liên tiếp nói trên. Song sẽ không lạ khi nhìn nhận rằng, tỷ giá trung tâm đã không còn… “trung tâm” nữa. Nó đã trở nên quá thấp, khi chỉ tăng chưa đầy 2% kể từ đầu năm, trong khi tỷ giá trên các thị trường đã tăng quanh 6% và cao hơn nhiều.

Dĩ nhiên NHNN có những tính toán trong “cấu phần” của tỷ giá trung tâm. Điểm liên kết, tỷ giá này liên tiếp tăng cao sẽ tạo nền cơ sở để tạo mức tỷ giá trần cao hơn, rộng hơn.

Nhưng từ trong tuần trước, giá USD bán ra trên biểu niêm yết của nhiều ngân hàng thương mại đã kịch trần biên độ. Khi tỷ giá kịch trần, không gian giao dịch trở nên ngột ngạt hơn, tức bên cung không thể nới thêm dù chi phí đầu vào dồn lên. Khi thị trường có dấu hiệu ngột ngạt, giao dịch sẽ kém thông suốt. Trong bất cứ một thị trường nào, giao dịch không hoặc kém thông suốt thường phát sinh những bất cập, thường là tiêu cực.

Diễn biến trên kết nối đến quyết định nới rộng biên độ tỷ giá, từ +/-3% lên +/-5% theo quyết định ngày 17/10 của NHNN. Làn đường được cơi nới, giao dịch có thêm không gian để cung - cầu dễ gặp nhau hơn. Một biên độ rộng hơn sẽ phản ánh tính thị trường hơn, và dĩ nhiên bao hàm mức độ biến động rộng lớn hơn và rủi ro tỷ giá mang tính thời điểm cũng có biên lớn hơn.

Có một câu hỏi ngược lại, trong bối cảnh nhiều biến động và nhiễu động như hiện nay thì càng cần vai trò điểm tựa, định hướng sát hơn của Nhà điều hành? Nhưng ngược lại, biên độ lớn hơn môi trường biến động càng lớn hơn, vai trò và điểm tựa đó như càng xa hơn. Nói một cách hình ảnh thì ngọn hải đăng để người dân và doanh nghiệp nhìn về giữa “biển tỷ giá” có trở nên xa và mờ hơn không khi mở rộng biên độ như vậy?

Cùng đó, sau khi nới biên độ, kỳ vọng thị trường cũng sẽ thay đổi, kể cả kỳ vọng tỷ giá sẽ tiếp tục tăng nữa. Theo đó, những điều chỉnh ngày 17/10 chưa phải là điểm khép lại quãng biến động mạnh và kéo dài hiện nay.

Nguyên do, NHNN đã nêu rõ trong thông cáo về quyết định điều chỉnh. Thị trường thế giới biến động, chính sách thắt chặt tiền tệ và tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng như nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới, hàng loạt đồng tiền đã biến động mức độ rất mạnh… Theo đó, Việt Nam không thể cố định mục tiêu ổn định tỷ giá, kiên cố thành trì tỷ giá, mà phải linh hoạt.

Mặt khác, khi mà đồng tiền của Việt Nam quá ổn định trong bối cảnh nhiều đồng tiền của các đối tác thương mại mất giá lớn cũng được xem như “bất lợi kép” trong cạnh tranh.

Nhìn lại, điển hình như tỷ giá trung tâm từ đầu năm đến nay tăng chưa quá 2% cũng đã cho thấy NHNN đã cố gắng giữ ổn định, bên cạnh những can thiệp như bán ra ngoại tệ, nâng lãi suất điều hành… Nhưng cuối cùng, bước chuyển nới biên độ ngày 17/10 mở ra một hướng linh hoạt thêm. Ít nhất trong ngày 17/10 giá USD bán ra của các ngân hàng đã không còn kịch trần, có thêm khoảng hở không gian quanh 275 VND.

Với sức tăng nhanh và mạnh vừa qua, khoảng cách 275 VND đó không lớn. Theo đó có thể dự tính NHNN sẽ tiếp tục hành trình nâng tỷ giá trung tâm thời gian tới; một mặt để nó… “trung tâm” hơn, mặt khác tạo nền cao hơn để nới không gian trần (?).

Như trên, nới biên độ và nâng mạnh giá bán ra USD chưa phải là điểm kết của những biến động hiện nay. Ví như như phía trước, tháng 11 cũng đến gần, cuộc họp chính sách và khả năng Fed tiếp tục tăng mạnh lãi suất vẫn được nhiều chuyên gia xem là áp lực.

Theo đó, triển vọng ổn định tỷ giá được chờ đợi ở hướng dịu đi của các yếu tố có sức ảnh hưởng lớn trên thế giới, như lạm phát, lãi suất, phản ứng của các dòng vốn…

Còn hiện tại, sau nới biên độ và tỷ giá tăng mạnh lên, tâm lý và kỳ vọng thị trường (theo hướng tỷ giá còn lên nữa) hẳn sẽ là điểm mà Nhà điều hành phải lưu tâm. Mặc dù NHNN có trong tay nguồn lực, các công cụ, thậm chí cả công cụ hành chính có sức nặng, nhưng không hẳn neo giữ, định hướng hoặc lai dắt được tâm lý, kỳ vọng đó đến mục tiêu mong muốn.

Trong quá khứ thị trường từng những lần chứng kiến “một công cụ” có sức nặng neo giữ, lai dắt được tâm lý và kỳ vọng thị trường trước biến động tỷ giá. Đó là tuyên bố, khẳng định trước và là cam kết của Thống đốc NHNN về mức độ biến động của tỷ giá USD/VND trong năm, hoặc trong các quãng nóng bỏng…

Tất nhiên, bối cảnh và thử thách, các yếu tố và các nhân tố trên thị trường, các công cụ và chính sách điều hành, các mục tiêu và lựa chọn mục tiêu mỗi giai đoạn đều có những khác biệt.

Các tin khác

Giá vàng SJC giảm mạnh

Sáng nay (9/5), giá vàng trong nước giảm mạnh. Theo đó, vàng miếng SJC về quanh mốc 120 triệu đồng/lượng.

Miền Bắc mưa đến bao giờ?

Sáng nay (1/5), mưa lớn đã bao trùm nhiều khu vực ở miền Bắc. Dự báo trong ngày hôm nay, mưa lớn tiếp tục ở khu vực miền Bắc, từ chiều tối và đêm nay mưa giảm dần. Bắc Trung Bộ hôm nay cũng có mưa rải rác. Nam Bộ và Nam Tây Nguyên mưa dông vào chiều tối. Các khu vực khác ít mưa, ngày nắng.

Giá vàng đồng loạt giảm

Lúc 9h sáng nay (28/4), các doanh nghiệp kinh doanh vàng đồng loạt điều chỉnh giảm giá vàng SJC và vàng nhẫn.

Giá vàng tiếp tục tăng

Sáng nay (27/4), giá vàng trong nước tiếp tục tăng lên mốc 121 triệu đồng/lượng với vàng miếng SJC và 120 triệu đồng/lượng với vàng nhẫn.

VN-Index trở lại mốc 1.200 điểm

Mở cửa với lực bán tháo mạnh, VN-Index mất mốc 1.200 điểm nhưng sau đó dần cải thiện nhờ VIC, VHM, LPB, VNM… và chốt phiên giảm hơn 19 điểm.

Chứng khoán lao dốc

Áp lực bán ngày càng mạnh khiến VN-Index mất hơn 10 điểm, nối dài mạch giảm phiên thứ tư liên tiếp và tiệm cận vùng tâm lý 1.300 điểm.

Tiền vào chứng khoán giảm mạnh

Nhà đầu tư thận trọng trước áp lực chốt lời ở nhóm ngân hàng và bất động sản khiến thanh khoản sàn TP HCM giảm mạnh, đứt mạch hơn 20.000 tỷ đồng mỗi phiên.

Bamboo Airways có tổng giám đốc mới

Ông Nguyễn Minh Hải từng là Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines, Tổng giám đốc Cambodia Angkor Air, nay chuyển sang làm Tổng giám đốc Bamboo Airways.

Sẽ thay thế cầu Cát Lái bằng 2 cây cầu khác

TP.HCM đang nghiên cứu xây dựng hai cây cầu bắc qua sông Đồng Nai về hướng quận 7 và TP Thủ Đức để thay thế cho phương án cầu Cát Lái đã quy hoạch trước đó.

Tỷ giá USD hôm nay 18/10: Tiếp tục tăng mạnh trong nước

USD đã ghi nhận một phiên suy yếu khi các nhà đầu cơ tạm ngưng mua vào đồng bạc xanh khi có nhiều thông tin củng cố kỳ vọng thắt chặt của Fed. Tuy nhiên trong nước, tỷ giá ngân hàng và chợ đen vẫn tiếp tục tăng vọt.

Quảng Nam rà soát các dự án chậm tiến độ

Trước yêu cầu của Bộ Tài nguyên Môi trường, tỉnh Quảng Nam đã giao các đơn vị liên quan rà roát, kiểm tra các dự án đã được giao đất nhưng không đưa vào sử dụng.

"Soi" doanh nghiệp bất động sản ồ ạt phát hành trái phiếu

Theo Bộ Tài chính, thời gian qua các doanh nghiệp bất động sản đã phát hành trái phiếu với khối lượng tương đối lớn, Bộ này kiến nghị Bộ Xây dựng triển khai loạt giải pháp quản lý, giám sát để đảm bảo thị trường trái phiếu phát triển ổn định, bền vững.