Xã hội

Nơi ấy là Trường Sa

Tóm tắt:
  • Tác giả viết tùy bút cho con gái từ Trường Sa khi cô mới 4 tuổi.
  • Con gái đã tốt nghiệp, và hiểu biết về lịch sử rất sâu sắc.
  • Các bạn trẻ hiện nay quan tâm đến lịch sử qua internet và mạng xã hội.
  • Trường Sa đã phát triển mạnh mẽ, với cơ sở hạ tầng khang trang và đầy đủ tiện nghi.
  • Tinh thần yêu nước và hiểu biết về chủ quyền biển đảo mạnh mẽ trong thế hệ trẻ ngày nay.

20 năm sau, con gái đã tốt nghiệp đại học, làm việc ở TP.HCM và trong những ngày tháng 4 lịch sử này, con đã rành rọt: "30.4.2025 kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất. Trước đó 1 ngày, 29.4.2025 cũng là 50 năm giải phóng quần đảo Trường Sa, ba nhỉ?"...

Những người thép Trường Sa

Nhiều người cứ bảo: "Bọn trẻ bây giờ không biết, không quan tâm đến lịch sử". Ở đâu thì không biết, nhưng với con gái tôi, bạn bè con và những người trẻ ở độ tuổi 20 tôi gặp, đều rất quan tâm và tìm tòi để hiểu lịch sử dân tộc.

Tất nhiên, sự quan tâm của tuổi trẻ bây giờ không chỉ dừng ở việc vào thư viện đọc sách, tìm gặp những người lớn tuổi, xem phim ngày xưa... như lứa tuổi chúng tôi, mà phần nhiều đọc, xem qua các công cụ tìm kiếm, các website chuyên ngành và cả những cuộc tranh cãi trên các trang mạng xã hội.

Đừng nghĩ theo kiểu "suốt ngày cắm đầu vào smartphone xem vớ vẩn, linh tinh". Thực ra, thế giới mạng cũng là một kho tàng để người hiện đại bây giờ tìm hiểu, khám phá. Quan trọng là người vào mạng sử dụng thế nào thôi.

Nơi ấy là Trường Sa - Ảnh 1.

Bộ đội đảo Trường Sa thực hiện nghi lễ thượng cờ

ẢNH: MAI THANH HẢI

Nơi ấy là Trường Sa - Ảnh 2.

Cán bộ công chức thị trấn Trường Sa

ẢNH: MAI THANH HẢI

Nơi ấy là Trường Sa - Ảnh 3.

Âu tàu đảo Trường Sa

ẢNH: MAI THANH HẢI

Nơi ấy là Trường Sa - Ảnh 4.

Đoàn công tác từ đất liền ra thăm đảo Song Tử Tây và chụp hình lưu niệm trước mốc chủ quyền trên đảo

ẢNH: MAI THANH HẢI

Một lần, con gái theo tôi đến thăm đại tá Nguyễn Trung Cang (nguyên Phó lữ đoàn trưởng, tham mưu trưởng Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân), năm nay 86 tuổi, đang sống tại Q.1, TP.HCM. Ông Cang quê Mỏ Cày (Bến Tre), vào bộ đội làm liên lạc từ lúc 15 tuổi, tập kết ra Bắc năm 1954, đi học sĩ quan Lục quân 1, năm 1964 vào Tây nguyên chiến đấu, năm 1967 ra Bắc huấn luyện chiến sĩ đi B (chiến trường miền Nam). Năm 1973, ông trở lại đơn vị chủ lực làm tiểu đoàn trưởng bộ binh, năm 1975 ông tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh trong đội hình Quân đoàn 2 (nay là Quân đoàn 12) trực tiếp chiến đấu ở hướng tiến công phía đông và trưa 30.4.1975 tiến vào giải phóng Sài Gòn - Gia Định.

Trong khi đại tá Nguyễn Trung Cang nói chuyện cuộc đời, con gái lật xem rất chăm chú cuốn lý lịch đảng viên và thốt lên: "Từ năm 1954 đến 1975, ông tham gia chống Pháp và Mỹ. Từ 1975 đến 1991 lại bảo vệ Trường Sa. Như vậy là suốt 37 năm, ông tham gia 3 cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc?", khiến câu chuyện của hai ông cháu lại chuyển sang "Trường Sa những ngày đầu tiếp quản".

Trên đường về, con gái tôi tâm sự: "Không thể tưởng tượng tâm trạng của những người lính đã đi qua sống chết trong chiến tranh chống Mỹ gần 20 năm, ngày thống nhất tưởng được nghỉ về nhà với người thân, nhưng lại phải ra ngoài biển khơi xa tít giữ đảo, khó khăn thiếu thốn cùng cực và sự hy sinh, cũng khốc liệt không kém trong chiến tranh" và kết luận: "Đó là những người có tinh thần - ý chí thép. Trường Sa vững mạnh như hôm nay là nhờ những người thép ấy".

Nơi ấy là Trường Sa - Ảnh 5.

Xuồng cao tốc và ca nô của đảo Sinh Tồn làm nhiệm vụ trên biển

ẢNH: MAI THANH HẢI

Nơi ấy là Trường Sa - Ảnh 6.

Quân và dân xã đảo Sinh Tồn trước cột mốc chủ quyền

ẢNH: MAI THANH HẢI

Nơi ấy là Trường Sa - Ảnh 7.

Học sinh trường tiểu học Sinh Tồn chụp hình với đoàn công tác

ẢNH: MAI THANH HẢI

Nơi ấy là Trường Sa - Ảnh 8.

Tạm biệt đảo An Bang

ẢNH: MAI THANH HẢI

Đầu tháng 4.2025, tôi đi tìm lại những người lính của Trung đoàn Bộ binh 36 (Sư đoàn 2, Quân khu 5) đã tham gia chiến dịch C-75 bí mật giải phóng và tiếp quản Trường Sa tháng 4.1975. Họ kể: Cuối tháng 3.1975, sau khi từ trên rừng đánh xuống đồng bằng, giải phóng TP.Đà Nẵng, những người lính chuyên tác chiến rừng núi lại được đưa xuống tàu vận tải Hải quân, nhận mệnh lệnh chung chung bí mật "Đổ bộ đánh chiếm 1 hòn đảo ở vùng biển nam miền Trung". Sau 3 ngày đêm vật vã say sóng, những người lính rừng mới chính thức được đổ bộ, lên chiến đấu và tiếp quản các hòn đảo, mà sau này họ mới biết tên: Song Tử Tây (14.4.1975), Sơn Ca (25.4.1975), Nam Yết và Sinh Tồn (28.4.1975), Trường Sa (29.4.1975).

11 giờ 45 ngày 30.4.1975, khi Đài tiếng nói Việt Nam phát bản tin chiến thắng đặc biệt, với giọng đọc của 2 phát thanh viên Kim Cúc và Kim Túy: "Mời các bạn nghe tin chiến thắng chúng ta mới nhận được. Đúng 11 giờ 30 phút, quân ta tiến vào Sài Gòn, đánh chiếm Dinh Độc Lập, Bộ Tổng tham mưu ngụy, Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện. Cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng", cũng là lúc những người lính rừng thuộc Trung đoàn Bộ binh 38 đang trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa nhận lệnh "triển khai trận địa, phòng thủ đảo lâu dài"...

Và nhiệm vụ phòng thủ, từ 5 đảo ban đầu được chuyển giao qua các thế hệ, với hàng vạn cán bộ chiến sĩ, đến tận hôm nay ở 21 đảo thuộc quần đảo.

Trường Sa ngày hôm nay

Trường Sa của ngày hôm nay đã khác "một trời một vực" so với Trường Sa của 50 năm về trước. Không còn những điểm đóng quân trơ trụi trên đá san hô, nhà tôn nhà bạt cong veo dưới cái nắng chát chúa. Không còn thiếu nước, tiết kiệm lương thực thực phẩm và mòn mỏi đợi thư nhà qua những chuyến tàu...

Trường Sa hôm nay sừng sững, hiên ngang giữa sóng cồn bão dập với nhà cửa khang trang, các công trình phòng thủ mạnh mẽ, hiện đại và hạ tầng đời sống cho quân và dân trên đảo đầy đủ, tiện nghi chẳng khác gì trong đất liền.

Trường Sa từ lâu đã là đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh Khánh Hòa. Theo phương án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính mới ban hành giữa tháng 4.2025, huyện đảo Trường Sa trở thành đặc khu thuộc tỉnh Khánh Hòa, với các xã như: Trường Sa, Song Tử Tây, Sinh Tồn, Đá Tây, Nam Yết, Sơn Ca, Phan Vinh...

Ra thăm các đảo của quần đảo Trường Sa, đến đâu cũng gặp trường học, trạm y tế, cơ sở hậu cần nghề cá, âu neo đậu tàu thuyền... và đặc biệt là các ngôi chùa được tôn tạo, mỗi sáng chiều thong thả những tiếng chuông ngân.

Nơi ấy là Trường Sa - Ảnh 9.

Đảo An Bang nhìn từ tàu vận tải quân sự

ẢNH: MAI THANH HẢI

Nơi ấy là Trường Sa - Ảnh 10.

Quân và dân thị trấn Trường Sa gói bánh chưng đón tết cổ truyền

ẢNH: MAI THANH HẢI

Nơi ấy là Trường Sa - Ảnh 11.

Tàu quân y 561 thuộc Lữ đoàn tàu vận tải - đổ bộ 955 (Vùng 4 Hải quân) ra khám chữa bệnh thường kỳ cho quân và dân thị trấn Trường Sa

ẢNH: MAI THANH HẢI

Nơi ấy là Trường Sa - Ảnh 12.

Mốc chủ quyền trên đảo Phan Vinh

ẢNH: MAI THANH HẢI

Chuyến đi Trường Sa gần đây nhất của tôi là tháng 4.2024, khi ấy con gái tôi đã tốt nghiệp đại học và làm việc ở TP.HCM. Con gái gửi tôi mang ra tặng đảo 1 túi to những hạt giống hoa chịu đựng được hơi mặn và dặn phải gieo ở những lối đi trên đảo, bởi: "Tụi con sinh ra trong hòa bình, nhưng để có hòa bình thì rất nhiều bạn trạc tuổi con phải ra bảo vệ đảo. Những bông hoa mọc ngoài đảo không chỉ để kéo gần đất liền mà còn là sự sống, là hòa bình và chúng con thích chụp hình hoa lá, cũng để trân quý hòa bình, hạnh phúc hôm nay"...

Và trước mỗi chuyến đi công tác Trường Sa của tôi, cả hai cô con gái đều nhắc mang theo con búp bê Nevalyashka (còn gọi là "lật đật Nga") để chụp trong những tấm hình biển đảo. Con búp bê được hai cô gái góp tiền mua, cặm cụi ngồi dán sticker và sau mỗi chuyến đi, cả hai chị em đều đòi xem lại những tấm hình của Nevalyashka tôi đã chụp lại. Con gái bảo: "Búp bê Nevalyashka không bao giờ ngã, là biểu tượng của sự vượt lên khó khăn, luôn đứng vững đứng thẳng. Ba mang búp bê các con ra đó là ý nghĩa nhất, bởi nơi ấy là Trường Sa".

20 năm trước, tôi đã viết cho con gái:

"Con chưa hiểu thế nào là Tổ quốc, bởi con chưa học đến những bài văn, thơ trong sách Tiếng Việt. Không chỉ con, nhiều người lớn cũng chưa hiểu, bởi những ngày sống ở đất liền, ai cũng cắm đầu vào nỗi lo cơm áo gạo tiền...

Nhưng đi Trường Sa, lênh đênh cả tuần trên biển. Mở mắt là thấy biển, quay sang 4 phía đều thấy biển. Đêm ngủ sóng ầm ào giật cục, giật mình tỉnh dậy tưởng con ngủ đạp chân, cũng thấy ngoài ô cửa con tàu, là biển...

Ba mới thấm thía thế nào là Tổ quốc.

Tổ quốc đơn giản chỉ là bình minh đỏ rực trên đảo Song Tử, nơi có cây đèn biển nhẫn nại cả đêm chớp mắt sáng cho những con tàu tỏ đường thông lối.

Nơi ấy là Trường Sa - Ảnh 13.

Chùa Trường Sa trên đảo Trường Sa

ẢNH: MAI THANH HẢI

Nơi ấy là Trường Sa - Ảnh 14.

Chiến sĩ đảo Trường Sa lau mốc chủ quyền

ẢNH: MAI THANH HẢI

Nơi ấy là Trường Sa - Ảnh 15.

Tàu KN-290 làm nhiệm vụ trên vùng biển Song Tử Tây

ẢNH: MAI THANH HẢI

Nơi ấy là Trường Sa - Ảnh 16.

Cờ Tổ quốc trên nóc nhà đảo Trường Sa

ẢNH: MAI THANH HẢI

Tổ quốc là màu xanh của biển cả dưới mạn tàu, nơi có những con cá chuồn thấy động, bay vút lên đầu ngọn sóng như thể mơ ước bay cao, bay xa cùng cánh hải âu bàng bạc.

Tổ quốc là hòn đảo nhỏ, nơi có các chú bộ đội ở cùng quê mình, cùng giọng nói nhà mình, có vợ và em bé cũng ở gần nhà mình.

Tổ quốc là nơi có màu xanh của cây phong ba, cây bàng vuông, cây tra biển trổ hoa trắng tinh, tỏa hương ngan ngát…

Xa hơn nữa, ba thấy Tổ quốc của mình ở góc phố, nơi có 2 mặt trời nhỏ là con và em Khoai, ngày líu lo, đêm tóp tép mơ trong giấc ngủ thiên thần...

Tổ quốc gần gũi và thân thương, như thể những người cạnh bên nhất, bình dị nhất và không thể thiếu được, ở ngay bên mình, trong nhà mình con ạ!

Các con phải mạnh khỏe, phải học tốt hơn, giỏi hơn và trưởng thành, để làm việc, cống hiến cho đất nước, cho Tổ quốc và cho vùng biển đảo thân thương nơi xa tít, thăm thẳm này, luôn vững chãi, trường tồn, phát triển"...

20 năm sau, các cô gái của tôi và bạn bè chúng, tuy hở ra là dán mắt vào smartphone lướt Facebook, TikTok, YouTube... nhưng luôn cương quyết "Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam", vanh vách kể tên 21 đảo ngoài huyện đảo Trường Sa và dịp tháng 4 lịch sử này, đều nhất loạt thay avatar kỷ niệm ngày thống nhất đất nước - non sông liền một dải, cả dân tộc sống trong hòa bình...

Tinh thần ấy, ý chí ấy luôn cháy đỏ, trong mỗi người Việt Nam.

Các tin khác

Giá vàng thế giới tăng vọt

Vàng thế giới bước vào phiên giao dịch Mỹ ngày 30.4 đã tăng vọt trở lại sau đà giảm giá mạnh trước đó.

Xúc động hình ảnh đoàn tàu Thống Nhất đặc biệt nhất 50 năm rời ga Hà Nội

Trên đoàn tàu Thống Nhất đặc biệt có các cựu chiến binh, họ xúc động vì được sống lại giây phút thiêng liêng của dân tộc 50 năm trước. Ông Cao Hùng Nam - Trưởng tàu khách SE1 - cho biết: "Trong gần 20 năm gắn bó với ngành đường sắt, từng vận hành rất nhiều đoàn tàu phục vụ những sự kiện lớn của ngành, nhưng đặc biệt nhất có lẽ là chuyến tàu lần này".

Vững tin Việt Nam cường thịnh

Những ngày qua, hình ảnh hàng triệu người dân, đủ mọi thành phần, mọi lứa tuổi, từ mọi miền hội tụ về để cùng hòa nhịp vào từng bước chân của các khối diễu binh, diễu hành ở TP.HCM là minh chứng rạng ngời cho ý Đảng, lòng dân hòa quyện sâu sắc trong niềm tin vững chắc vào tương lai hòa bình, phát triển thịnh vượng, hạnh phúc của đất nước.

Doanh nghiệp của tỷ phú Phạm Nhật Vượng thắng lớn

Trong quý I năm nay, Tập đoàn Vingroup đạt lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 2.243 tỷ đồng (tăng 68% so với cùng kỳ), Công ty CP Vinhomes có lợi nhuận sau thuế đạt 2.652 tỷ đồng (tăng 193% so với quý I/2024), Công ty CP Vincom Retail có lợi nhuận sau thuế tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2024, lên 1.177 tỷ đồng.

Tiếng vọng hòa bình qua ký ức 50 năm đất nước thống nhất

Đến bây giờ, tiếng vọng ấy vẫn còn văng vẳng bên tai. Hai tiếng hòa bình từ năm 1975, nghe miên man trên con đường ngót hơn ngàn cây số từ Vũng Tàu về đến Quảng Trị, với đứa trẻ 12 tuổi là tôi thuở ấy trong cảm xúc khác lạ. Khác lạ vì không còn nghe tiếng súng!

Bác sĩ chỉ rõ những thực phẩm "đại kỵ" với người bị suy thận

Suy thận mạn - "kẻ thù thầm lặng" đe dọa sức khỏe hàng triệu người Việt. Làm thế nào để kiểm soát bệnh, trì hoãn lọc máu và sống khỏe mỗi ngày? ThS.BS. Nguyễn Thị An Thuỷ - Trung tâm Thận tiết niệu và Lọc máu, Bệnh viện Bạch Mai sẽ bật mí cho chúng ta "bí quyết vàng" trong dinh dưỡng giúp bệnh nhân suy thận mạn giảm biến chứng, nâng cao chất lượng sống.