Tài chính

Nợ xấu vượt 1 triệu tỷ đồng, đã có giải pháp xử lý, đưa "vốn chết" quay lại nền kinh tế

Bán đi bán lại hàng trăm tỷ đồng nợ xấu

Agribank Chi nhánh Ba Đình vừa thông báo bán đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH ACE.LK với mức giá khởi điểm là hơn 122 tỷ đồng. Đây là lần thứ hai ngân hàng rao bán khoản nợ này.

Đáng chú ý, giá khởi điểm của khoản nợ đã giảm hơn 34% so với mức giá khởi điểm hơn 186 tỷ đồng được ngân hàng rao bán cho phiên đấu giá lần 1 diễn ra hôm 6/6.

Khoản nợ của Công ty TNHH ACE.LK có tổng giá trị ghi sổ đến 30/4/2025 là 186,1 tỷ đồng (trong đó nợ gốc 120 tỷ đồng), được hình thành từ hai khoản vay ký giữa công ty và Agribank Chi nhánh Hà Thành vào tháng 12/2017 và tháng 11/2018. Tài sản đảm bảo cho khoản nợ gồm 4 quyền sử dụng đất.

Ngân hàng VietinBank Chi nhánh Ba Đình cũng đang rao bán cùng lúc hai khoản nợ của nhóm khách hàng là Công ty Cổ phần môi trường Lâm Hà (Công ty Lâm Hà) và Công ty Cổ phần Năng lượng môi trường Bắc Việt (Công ty Bắc Việt).

Tổng giá trị khoản nợ của hai công ty là hơn 137 tỷ đồng. Tổng mức giá khởi điểm của khoản nợ gộp là 124,787 tỷ đồng (trong đó giá đấu khởi điểm khoản nợ của Công ty Lâm Hà là 28,1 tỷ đồng, giá đấu khởi điểm khoản nợ của Công ty Bắc Việt là 96,6 tỷ đồng).

Trước đó, Sacombank vừa thông báo bán đấu giá tài sản của Công ty Cổ phần địa ốc Vạn Phát tính đến 27/4/2021 là hơn 596 tỷ đồng, trong đó nợ gốc hơn 188 tỷ đồng, nợ từ lãi gần 408 tỷ đồng...

Theo thống kê của các đơn vị nghiên cứu, tính đến quý I/2025, tổng dư nợ cho vay tại 28 ngân hàng niêm yết đã lên đến hơn 12,3 triệu tỷ đồng, tăng gần 4% so với dịp đầu năm. Tuy nhiên, đáng lo ngại là tổng nợ xấu đã vọt lên hơn 266.400 tỷ đồng, tăng gần 16%, với 22/28 nhà băng ghi nhận quy mô nợ xấu tăng mạnh - đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản.

Nợ xấu vượt 1 triệu tỷ đồng, đã có giải pháp xử lý, đưa 'vốn chết' quay lại nền kinh tế- Ảnh 1.

Nợ xấu ngân hàng gia tăng trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng mạnh.

Theo Ngân hàng Nhà nước, sự gia tăng nợ xấu chủ yếu do những khó khăn kéo dài trong nước, cộng hưởng với bất ổn kinh tế toàn cầu, thiên tai, thị trường tài chính hồi phục chậm và hành lang pháp lý xử lý nợ chưa theo kịp thực tiễn. Một số nội dung quan trọng của Nghị quyết 42 /2017 vẫn chưa được luật hóa, khiến tiến trình thu hồi nợ của tổ chức tín dụng bị chậm lại, trong khi năng lực quản trị rủi ro của nhiều nhà băng vẫn chưa đáp ứng, bắt kịp được tốc độ tăng trưởng và mức độ phức tạp của tín dụng.

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, tổng quy mô nợ xấu toàn hệ thống hiện đã vượt 1 triệu tỷ đồng – tương đương một “khối vốn chết” khổng lồ bị mắc kẹt, gây lãng phí nghiêm trọng trong bối cảnh nền kinh tế đang khát vốn. Nguồn lực này không chỉ làm méo mó mặt bằng lãi suất cho vay, mà còn khiến tài sản thế chấp bị “đóng băng” vì rủi ro pháp lý chưa được tháo gỡ, tạo vòng luẩn quẩn về thanh khoản.

Xử lý nợ xấu, để đưa vốn vào nền kinh tế

Theo các chuyên gia, nếu xử lý, giải phóng được hơn 1 triệu tỷ đồng nợ xấu, dòng tiền sẽ được tái lưu thông vào nền kinh tế, doanh nghiệp được cứu, hệ thống ngân hàng khỏe lại và ngân sách nhà nước cũng có thêm nguồn thu. Thế nhưng để làm được điều đó, cần một giải pháp tổng thể với sự vào cuộc đồng bộ từ cả hệ thống chính trị.

Mới đây, Quốc hội vừa đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng , trong đó kế thừa điểm cốt yếu nhất của Nghị quyết 42/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, đó là quyền thu giữ tài sản bảo đảm.

Ngoài ra, còn những điểm khác cũng được luật hoá trở lại, thay vì văn bản dưới luật, đó là tài sản bảo đảm không bị kê biên trong thi hành án (trừ trường hợp đặc biệt) và được hoàn trả tài sản là tang vật trong các vụ án hình sự.

Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC, cho biết, với mục tiêu tăng trưởng GDP 8% năm nay và hai con số trong giai đoạn tới, nếu không có cơ chế xử lý như Nghị quyết 42 thì nợ xấu chắc chắn tăng mạnh, không tăng về tỷ lệ (vì dư nợ tăng nhanh), cũng tăng về giá trị tuyệt đối.

"Việc luật hóa các nội dung của Nghị quyết 42 là sự khẳng định nguyên tắc tất yếu ngàn đời có vay - có trả, là sự hỗ trợ rất cần thiết và tất yếu đối với hoạt động ngân hàng; góp phần quan trọng để xử lý nợ xấu", ông Đức nói.

PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân - Chuyên gia Đại học kinh tế TP HCM đánh giá, cho phép các ngân hàng thương mại được quyền chủ động xử lý tài sản đảm bảo, đặc biệt, đối với các khoản nợ đã chuyển sang nhóm 5 là hoàn toàn hợp lý. Việc này không những giúp rút ngắn thời gian xử lý, giảm chi phí, mà còn góp phần hạn chế tỷ lệ nợ xấu và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống tín dụng . Đây là một nội dung cần được xem xét sửa đổi trong khuôn khổ pháp lý hiện hành càng sớm càng tốt.

Các tin khác

Nhà Trắng chỉ trích Chủ tịch Fed Powell “quản lý yếu kém” và đây là dẫn chứng

Giám đốc Ngân sách Nhà Trắng cáo buộc Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell đã "quản lý tồi tệ" cơ quan này, dẫn chứng dự án cải tạo trụ sở Fed bị đội vốn hàng trăm triệu USD và có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật. Đây được xem là bước đi tiếp theo trong căng thẳng leo thang giữa Tổng thống Donald Trump và người đứng đầu ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới.

Ngành Công an đã xử lý kỷ luật 110 cán bộ, chiến sĩ có sai phạm

Ngày 11/7, tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025 của ngành Thanh tra, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Hồng – Phó Chánh Thanh tra Bộ Công an, đã thông tin về kết quả công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong lực lượng Công an nhân dân.

Luật mới cho giáo viên: Lương tăng, phụ cấp dày, nghỉ hưu sớm, thu hút người tài

Bộ GD&ĐT sẽ tham mưu Chính phủ xếp lại bảng lương của một số chức danh nhà giáo để bảo đảm tính thống nhất về bảng lương áp dụng với các chức danh nghề nghiệp viên chức nhà giáo và viên chức các ngành, lĩnh vực khác; đồng thời, bảo đảm mức sống của nhà giáo, giúp nhà giáo an tâm công tác, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.