Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) vừa có thông báo mời các nhà đầu tư quan tâm đến Dự án Tòa nhà Trụ sở chính VietinBank.
Theo đó, ngân hàng đang tiến hành các thủ tục cần thiết để chuyển nhượng Dự án Tòa nhà Trụ sở chính VietinBank tại lô đất TM1 Khu đô thị Nam Thăng Long, phường Phú Thượng, thành phố Hà Nội (dự án).
Vì vậy, VietinBank thông báo và mời các nhà đầu tư có nhu cầu nhận chuyển nhượng dự án, đáp ứng các điều kiện về năng lực thực hiện dự án theo quy định của pháp luật và có khả năng tài chính đến làm việc để được cung cấp thông tin, hướng dẫn thủ tục để tham gia thẩm định dự án, đàm phán các nội dung liên quan tới giao dịch chuyển nhượng dự án.
Việc chuyển nhượng dự án VietinBank Tower là một bước đi đáng chú ý trong chiến lược tái cơ cấu tài sản của VietinBank, trong bối cảnh dự án đã kéo dài hơn một thập kỷ và chưa đạt được tiến độ như kỳ vọng ban đầu.

Ảnh thiết kế dự án VietinBank Tower.
Được biết, Dự án Tòa nhà Trụ sở chính VietinBank tại lô đất TM1 Khu đô thị Nam Thăng Long, phường Phú Thượng, thành phố Hà Nội còn có tên gọi Dự án VietinBank Tower.
Dự án được khởi động từ năm 2010 với tổng mức đầu tư hơn 10.267 tỷ đồng, nằm tại khu đất gần 30.000m2 bên đường dẫn lên cầu Thăng Long, cạnh cổng vào khu đô thị Ciputra - một trong những khu đô thị cao cấp hàng đầu Thủ đô. Công trình này được kỳ vọng trở thành trụ sở chính của VietinBank.
Ở thời điểm khởi công, dự án được kỳ vọng là tổ hợp tài chính, ngân hàng, khách sạn đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung.

Dự án nằm ở khu "đất vàng" cạnh cổng vào khu đô thị Ciputra - một trong những khu đô thị cao cấp hàng đầu Thủ đô.
Theo thiết kế ban đầu, VietinBank Tower gồm 2 tòa tháp cao tầng. Trong đó tòa thứ nhất cao 363m với 68 tầng, dự kiến làm trụ sở chính của ngân hàng và là một trong những tòa nhà cao nhất tại Việt Nam. Tòa thứ hai cao 250m với 48 tầng.
Cả hai tòa được kết nối bằng một khối đế 7 tầng, phục vụ các chức năng như hội nghị, hội thảo, trung tâm thương mại, quán cà phê và nhà hàng. Các tầng phía trên của mỗi tháp được bố trí theo đường chéo để tạo thành các góc chữ V, biểu trưng của VietinBank.
Theo kế hoạch, dự án hoàn thành vào năm 2014. Tuy nhiên, đến nay chỉ có tòa 48 tầng được xây dựng xong phần khung, còn công trình được kỳ vọng nhất là tòa nhà 68 tầng mới chỉ hoàn thành khối đế. Toàn bộ dự án hiện trong tình trạng bỏ hoang, nhiều hạng mục đã xuống cấp nghiêm trọng, các trụ sắt thép của dự án hiện đã hoen gỉ.

Theo thông tin công bố, nguyên nhân chính khiến dự án chậm tiến độ xuất phát từ việc lộ trình tăng vốn chưa được phê duyệt, dẫn đến khó khăn về nguồn vốn phục vụ triển khai. Bên cạnh đó, VietinBank cũng đánh giá dự án có khả năng không phát huy hết công năng khai thác, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư.
Chính vì vậy, năm 2018, ngân hàng này đã thông qua ba phương án cơ cấu lại dự án. Trong đó, VietinBank ưu tiên phương án chuyển nhượng toàn bộ tài sản và thuê lại tháp 68 tầng để làm trụ sở. Trong quá trình tìm đối tác chuyển nhượng, VietinBank tiếp tục triển khai đầu tư dự án, xử lý phù hợp những công việc phát sinh, thúc đẩy tiến độ.
Đến hết quý 1/2021, có 29 nhà đầu tư quan tâm tới dự án VietinBank Tower, trong đó có 21 nhà đầu tư đã ký thỏa thuận bảo mật thông tin với VietinBank để tiếp cận hồ sơ và thẩm định dự án. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố tác động, đặc biệt là ảnh hưởng của Covid-19 làm gián đoạn quá trình làm việc của các nhà đầu tư và thay đổi cách thức, nhu cầu sử dụng văn phòng… nên đến nay, dự án này vẫn "án binh bất động".