Tài chính

Nợ xấu tiềm ẩn ở mức cao, nợ xấu nội bảng vẫn chưa tạo "đỉnh"

Nợ xấu nội bảng chưa tạo đỉnh

Trong báo cáo ngành ngân hàng mới công bố, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định nợ xấu nội bảng của hệ thống ngân hàng chưa tạo “đỉnh” dù xu hướng tăng của nợ nhóm 2 đã kết thúc từ quý II/2023, do nợ xấu còn tiềm ẩn từ các khoản nợ được tái cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ. 

Các chuyên gia VDSC cho biết, giai đoạn trước COVID-19 xu hướng tăng của nợ xấu (nhóm 3-5) thường kết thúc sau xu hướng tăng của nợ nhóm 2 từ một đến hai quý, do tính chất phản ánh trước các khó khăn/cải thiện về dòng tiền của khách hàng của nhóm nợ này. 

Tuy nhiên kể từ 2020 tới nay, các thông tư về tái cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đang khiến xu hướng của nợ nhóm 2 có ít tính dự báo đối với xu hướng nợ xấu do nhiều khoản nợ xấu tiềm ẩn nằm trong nợ nhóm 1 do được giữ nguyên nhóm nợ.

"Vì vậy, đỉnh nợ xấu chỉ thực sự có thể đánh giá khi các khoản nợ xấu tiềm ẩn được bộc lộ hết do không còn được giữ nguyên nhóm nợ, như trong giai đoạn quý III/2022 tới quý I/2023.", báo cáo VDSC cho hay. 

 (Nguồn: VDSC)

Bên cạnh đó, nhóm phân tích VDSC dự phóng nợ xấu có thể tiếp tục tăng nhẹ trong năm 2025 sau khi Thông tư 02 hết hiệu lực vào ngày 31/12/2024. Dư nợ tái cơ cấu theo thông tư này tính đến cuối tháng 8/2024 còn khoảng 126.000 tỷ đồng.

Dựa theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), VDSC ước tính nợ xấu tiềm ẩn (gồm nợ tái cơ cấu, nợ VAMC chưa xử lý, trái phiếu doanh nghiệp đã gia hạn thời gian trả nợ) cuối quý III/2024 (không bao gồm ba ngân hàng 0 đồng và hai ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt) xấp xỉ khoảng 70% nợ xấu nội bảng toàn hệ thống và lo ngại rằng một phần dư nợ này có thể bị chuyển thành nợ xấu trong năm 2025. 

Song, các chuyên gia nhận định nợ xấu tăng sau khi Thông tư 02 hết hiệu lực không ảnh hưởng nhiều tới khả năng kiểm soát nợ xấu nội bảng do đã được trích lập dự phòng cụ thể bổ sung tương đối đầy đủ.

"Chúng tôi ước tính tỷ lệ trích lập dự phòng/dư nợ tái cơ cấu ở mức trên 50%. Do đó, việc Thông tư 02 hết hiệu lực sẽ ảnh hưởng tới nợ xấu nội bảng của số ít ngân hàng tư nhân trong 2025", VDSC đánh giá. 

Bên cạnh đó, NHNN đã ban hành Thông tư 53 cho phép các khoản nợ bị ảnh hưởng bởi bão số 3 được tái cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ cho đến hết năm 2026. Theo NHNN, dư nợ chịu ảnh hưởng của bão số 3 tới tháng 11/2024 là khoảng 192.000 tỷ đồng.

Do đó, các chuyên gia VDSC cho rằng áp lực tăng nợ xấu sẽ được giảm thiểu khi Thông tư 02 hết hiệu lực.

  (Nguồn: VDSC)

Tỷ lệ nợ xấu hình thành ròng giảm nhẹ trong 2025

Cũng theo VDSC, việc cho phép giữ nguyên nhóm nợ kể từ quý I/2020 kết hợp với trích lập dự phòng bổ sung cho các khoản nợ tái cơ cấu này đã làm cho mức dự phòng bao nợ xấu toàn ngành liên tục tăng từ 2020, đạt đỉnh trong nửa đầu năm 2022 và bắt đầu giảm từ nửa sau năm 2022 khi Thông tư 01 hết hạn, bên cạnh các khoản nợ xấu khác tăng nhanh do nền tảng vĩ mô suy yếu. 

"Nợ xấu tiềm ẩn khi không được tiếp tục tái cơ cấu, giữ nhóm nợ theo Thông tư 02, sẽ tiếp tục bào mòn tỷ lệ bao phủ nợ xấu của hầu hết các ngân hàng bất kể đã trích lập đầy đủ dự phòng bổ sung hay không", báo cáo VDSC nhận định. 

Ngoài ra, do phạm vi các khoản nợ được tái cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ sẽ thu hẹp, các ngân hàng quốc doanh sẽ không cần phải duy trì tỷ lệ bao phủ nợ xấu quá cao như trong giai đoạn 2020-2022.

(Nguồn: VDSC)

Theo số liệu từ báo cáo VDSC, tỷ lệ nợ xấu hình thành ròng trong 9 tháng đầu năm 2024 đã bắt đầu giảm so với cùng kỳ năm 2023 với mức giảm là khoảng 0,2 điểm % xuống 1,26%. 

Do đó, nhóm phân tích dự phóng nhiều khả năng tỷ lệ này cho cả năm 2024 sẽ thấp hơn 2023 (1,8%) và sẽ tiếp tục xu hướng giảm nhẹ trong 2025.

Các động lực xuất phát từ khả năng trả nợ của khách hàng cải thiện trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế vĩ mô dự báo tích cực hơn; mặt bằng lãi suất cho vay vẫn ở mức thấp dù có thể tăng nhẹ trở lại và một số yếu tố khác như chính phủ tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ pháp lý cho các dự án bất động sản và phần lớn các ngân hàng tư nhân đã hạ thấp khẩu vị rủi ro tín dụng so với giai đoạn trước năm 2022. 

Với dự báo trên, VDSC dự phóng tỷ lệ hình thành nợ xấu thuần của các ngân hàng (trong danh mục theo dõi) sẽ giảm từ 0,27 điểm % đến 0,29 điểm % trong năm 2024 và 2025, lần lượt xuống 1,5%; 1,2%.

 (Nguồn: VDSC)

Cùng chuyên mục

Đọc thêm