Chị Hương đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội khám mong có thêm bé thứ hai. Bác sĩ chẩn đoán chị mắc hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) với nhiều dấu hiệu đặc trưng như kinh nguyệt không đều, rậm lông tay chân, nhiều mụn, béo phì... Chị Hương cho biết tăng cân nhanh khi mang thai con đầu lòng, sau sinh cân nặng không giảm, 10 năm nay không có kinh nguyệt.
Mất kinh sau sinh (vô kinh hậu sản) là hiện tượng tạm thời, thường gặp trong thời gian cho con bú do hormone prolactin tăng cao ức chế rụng trứng. Tuy nhiên, trạng thái này thường không kéo dài quá 6-12 tháng. Trường hợp mất kinh kéo dài suốt nhiều năm như chị Hương không do sinh nở mà có liên quan đến rối loạn nội tiết, béo phì hoặc bệnh lý nền như PCOS.
TS.BS Lê Bá Ngọc, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát cân nặng và Điều trị béo phì, cho biết chị Hương cao 1,59 m, nặng 70 kg, chỉ số BMI 27,6 tương đương béo phì độ một, tỷ lệ mỡ chiếm 35% cơ thể, vòng bụng 92 cm (vòng bụng bình thường của phụ nữ không nên quá 80 cm). Chị còn mắc PCOS, tăng lipid máu, tăng đường huyết lúc đói.

Khách hàng đo inBody phân tích chỉ số cơ thể. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh
"Người bệnh cần giảm cân nhằm giảm ảnh hưởng của PCOS, cải thiện cơ hội mang thai tự nhiên nếu không muốn thụ tinh nhân tạo", bác sĩ Ngọc nói, giải thích thêm rằng béo phì, nhất là béo bụng làm tăng tình trạng kháng insulin, khiến cơ thể phải tiết ra nhiều insulin hơn để kiểm soát đường huyết. Lượng insulin cao kích thích buồng trứng sản xuất quá mức nội tiết tố androgen, dẫn đến rối loạn rụng trứng, mất kinh nguyệt, vô sinh và các triệu chứng điển hình của PCOS như mụn, rậm lông, tăng cân không kiểm soát.
Bác sĩ đặt mục tiêu cho người bệnh giảm 5-10% trọng lượng trong 2-3 tháng, sau đó đánh giá hiệu quả điều hòa nội tiết nhằm có hướng điều chỉnh, cân nhắc can thiệp hỗ trợ sinh sản để chị Hương có thể mang thai. Ở tuổi trung niên, chị không phù hợp với các bài tập cường độ cao. Do đó, bác sĩ xây dựng phác đồ giảm cân tích hợp gồm sử dụng thuốc giảm cân đường tiêm giúp giảm cảm giác đói, kiểm soát khẩu phần và ổn định đường huyết. Kết hợp với chế độ ăn tăng cường protein và chất xơ, bài tập đốt mỡ, kháng lực nhẹ nhàng dưới sự tư vấn từ chuyên viên vận động.
Tiến sĩ Trần Quyền An tư vấn dinh dưỡng cho chị Hương. Chị có thói quen sử dụng mỡ động vật để chế biến món ăn vì cảm thấy ngon miệng hơn so với sử dụng dầu ăn thực vật. Tiến sĩ An giải thích mỡ động vật chứa nhiều chất béo bão hòa, có thể làm tăng tình trạng kháng insulin vốn có ở người mắc PCOS. Do đó, chị được tư vấn hạn chế mỡ động vật tối đa, thay thế bằng chất béo tốt như dầu ô liu.
Sau gần hai tháng điều trị, chị giảm hơn 7 kg, vòng eo thu nhỏ, các chỉ số mỡ máu và đường máu cải thiện. Chu kỳ nội tiết bắt đầu có dấu hiệu hoạt động trở lại ở tháng thứ ba, chị có kinh nguyệt lượng ít, kéo dài hai ngày.
Chị dừng thuốc đường tiêm và chỉ duy trì chế độ ăn uống, tập luyện. Sau 4 tháng điều trị, chị giảm 11 kg, kinh nguyệt đều hơn ở tháng thứ 4. Giữa tháng 3, chị thử thai tại nhà cho kết quả dương tính, đang khám và theo dõi tháng đầu thai kỳ tại Trung tâm Sản Phụ khoa.
PCOS là một trong những rối loạn nội tiết phổ biến nhất ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), PCOS ảnh hưởng đến khoảng 6-13% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, là nguyên nhân thường gặp gây vô sinh. Hội chứng này có liên quan đến nhiều vấn đề sức khỏe lâu dài ảnh hưởng đến sức khỏe như đái tháo đường, tăng huyết áp, béo phì...
Bác sĩ Ngọc cho biết hiện vẫn chưa có cách điều trị triệt để hội chứng này, các phương pháp điều trị hiện nay tập trung cải thiện các triệu chứng trên người bệnh. Trong đó thay đổi lối sống, giảm cân là khuyến cáo đầu tiên đối với người bệnh để giảm các triệu chứng, giúp điều hòa chu kỳ kinh nguyệt, cải thiện khả năng sinh sản.
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi bệnh nội tiết tại đây để bác sĩ giải đáp |