Dàn nóng điều hòa có tác dụng toả nhiệt ra không gian ngoài, nhờ đó nhiệt độ trong phòng trở nên dịu mát. Dàn nóng bao gồm nhiều linh kiện như máy nén (block), động cơ quạt, dàn tản nhiệt, cánh quạt, bo mạch... Tất cả được bảo vệ trong một lớp vỏ (lớp chắn) sơn tĩnh điện.
Khi bảo dưỡng điều hòa hoặc khi cảm thấy máy ồn, không mát... chúng ta thường nghĩ ngay tới dàn lạnh, mà nhiều khi quên mất dàn nóng, anh Thanh Tùng, một thợ sửa chữa điện lạnh tại TP HCM nhận xét. Thực ra dàn nóng mới là bộ phận vận hành chính yếu của điều hòa, khi hư hỏng sẽ khó sửa vì độ phức tạp của thành phần thiết bị. Ngoài ra, chi phí thay linh kiện mới khá cao, dao động từ 2-5 triệu đồng.
Theo các chuyên gia điện lạnh, ba nguyên nhân tiêu biểu khiến dàn nóng bị hư hỏng là nổ bo mạch, hỏng máy nén và dàn tản nhiệt dàn nóng kém. Vì thế, nếu muốn điều hòa hoạt động bền bỉ cần đặc biệt chú ý đến ba bộ phận: bo mạch, máy nén và dàn tản nhiệt.
Bo mạch cháy
Bo mạch (PCB) chịu trách nhiệm điều khiển các hoạt động của máy. Bo mạch có thể giải quyết nhiều thuật toán, thông số máy với tốc độ xử lý cực nhanh. Một số nguyên nhân khiến cháy bo mạch như bo kém chất lượng, bị côn trùng chui vào hoặc điện áp quá cao gây nổ bo. Khi thay bo sẽ tốn nhiều tiền, từ 2 - 3 triệu tùy hãng và tùy dòng máy.
Để tăng tuổi thọ của bo mạch, các nhà sản xuất liên tục cải tiến, ứng dụng các công nghệ mới. Đơn cử như Daikin - chuyên gia điều hòa đến từ Nhật Bản đã bổ sung tính năng bảo vệ bo mạch khi điện áp thay đổi. "Bo mạch của Daikin là siêu PCB có thông số kỹ thuật cao. Chúng tôi sử dụng chip tiên tiến nhất của các nhà sản xuất chất bán dẫn lớn của Nhật Bản, có thể xử lý nhiều quy trình điều khiển với tốc độ cực nhanh", đại diện thương hiệu cho biết.
Điện áp phổ biến ở các nước là 220V-260V. Tuy nhiên, ở những vùng điện áp không ổn định lên quá cao hoặc quá thấp có thể gây cháy bo mạch. Daikin phát triển bo mạch PCB chịu được dải điện áp từ 150V - 260V. Nếu dòng điện vượt ra ngoài dải tần này lên đến mức 440V hoặc dao động xuống mức 150V, máy sẽ ngăn chặn dòng điện đi qua, giúp bo mạch không bị nổ.
Trước hiện tượng một số côn trùng, như thằn lằn chui vào dàn nóng điều hòa rồi gây chập cháy bo mạch, Daikin bổ sung thêm những miếng đệm để bịt những khe hở trên vỏ dàn nóng, đồng thời cải tiến thiết kế lỗ thoát nước từ dạng tròn thành khe hẹp.
Máy nén hỏng
Nếu bo mạch được ví như bộ não của điều hòa thì máy nén là trái tim điều hòa, hoạt động liên tục để vận chuyển môi chất làm lạnh, đảm bảo chu trình làm lạnh của cả hệ thống.
Việc lắp đặt dàn nóng sai kỹ thuật, sử dụng nguồn điện không ổn định, không nạp môi chất lạnh (gas điều hòa) đầy đủ, hay máy nén phải làm việc quá tải đều có thể là nguyên nhân khiến máy nén hoạt động kém hiệu quả, hỏng hóc. Khi đó, khả năng làm lạnh cũng như độ bền của cả điều hòa sẽ bị giảm. Chi phí thay máy nén có thể lên đến 4 - 5 triệu đồng, do linh kiện đắt, giá nhân công và thay môi chất lạnh cao.
Dạng máy nén phổ biến sử dụng trong ngành điều hòa dân dụng hiện nay là máy nén rotary. Có nhiều loại máy nén rotary, trong đó Swing là một cải tiến độc quyền của Daikin giúp máy nén chuyển động xoay tròn, giảm ma sát và độ rung, hạn chế rò rỉ môi chất làm lạnh, nhờ thế, tăng hiệu quả làm lạnh cũng như độ bền của máy nén.
Dàn tản nhiệt hoạt động kém
Dàn tản nhiệt (còn gọi là dàn trao đổi nhiệt) được ví như lá phổi của điều hòa, là bộ phận giúp vận chuyển không khí nóng từ trong phòng ra môi trường ngoài, làm giảm độ nóng cho dàn nóng. Dàn tản nhiệt kém khiến dàn nóng bị quá nóng, theo thời gian sẽ dễ hư hỏng, kém bền.
Tăng diện tích tản nhiệt là một cách để tăng tuổi thọ của máy. Đơn cử như Daikin sử dụng dàn Microchannel, làm phẳng các ống tản nhiệt, từ đó cải thiện lưu lượng gió và tăng hiệu suất truyền nhiệt. Dàn Microchannel là thiết bị vốn được sử dụng từ lâu trong xe hơi và xe máy.
Đa số người tiêu dùng lắp dàn nóng ngoài trời, vì thế dàn tản nhiệt dễ bị co dãn do thay đổi nhiệt độ, bị oxi hóa bởi môi trường không khí ẩm, bị ăn mòn bởi mưa axit. Các chuyên gia điện lạnh khuyến cáo, khi mua điều hòa, người tiêu dùng nên chọn dàn trao đổi nhiệt được làm từ các vật liệu có khả năng chống ăn mòn trước tác động của môi trường để tăng tuổi thọ vận hành cho thiết bị.
Năm 2018, Daikin đã thực hiện thí nghiệm về khả năng chống ăn mòn của dàn trao đổi nhiệt Microchannel tại Trung tâm nghiên cứu và phát triển kinh doanh Daikin Thái Lan trong 2.000 giờ. Kết quả cho thấy dàn trao đổi nhiệt không bị xì do ăn mòn khi liên tục bị phun dung dịch nước muối.
Ngoài ra, người dùng nên lưu ý lắp đặt dàn nóng nơi thông thoáng. Nên chọn máy có công suất phù hợp với diện tích phòng và bảo trì định kỳ cả dàn nóng cũng như dàn lạnh của máy.