Sáng 18/6, cả ba cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột và Vành đai 3 TP HCM đồng loạt được khởi công. Lễ khởi công được kết nối trực tuyến từ điểm cầu chính tại TP HCM (Vành đai 3) với các điểm cầu tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu) và Đắk Lắk (cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột).
Vành đai 3 TP HCM
Vành đai 3 TP HCM là dự án có kinh phí lớn nhất với gần 75.378 tỷ đồng từ vốn ngân sách trung ương và các địa phương. Vành đai dài hơn 76 km, đi qua 4 địa phương là TP HCM (47 km), tỉnh Đồng Nai (11 km), tỉnh Bình Dương (gần 11 km), tỉnh Long An (6,81 km).
Vành đai 3 có điểm đầu tại nút giao cao tốc Bến Lức - Long Thành (huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai); điểm cuối tại nút giao cao tốc Bến Lức - Long Thành (huyện Bến Lức, tỉnh Long An).
Tuyến được chia làm 8 dự án thành phần, mỗi tỉnh, thành thực hiện hai dự án gồm giải phóng mặt bằng và xây lắp.
TP HCM là địa phương khởi công dự án trên địa bàn sớm nhất, cũng là nơi đoạn vành đai đi qua dài nhất với hơn 47 km, tổng mức đầu tư hơn 41.400 tỷ đồng. Ba tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An cũng dự tính khởi công các phân đoạn còn lại của tuyến trước ngày 30/6.
Khi hoàn thành, vành đai này cùng cao tốc Bến Lức sẽ tạo trục giao thông bao quanh khu vực TP HCM, hạn chế xe phải chạy xuyên tâm qua nội đô.
Trước đó, TP HCM đã lựa chọn nhà thầu cho 42 gói thầu cho dự án Vành đai 3. Các nhà thầu được lựa chọn theo hình thức chỉ định thầu (theo quy trình rút gọn) và đầu thầu công khai.
Đơn cử phải kể đến một số gói thầu như: Gói thầu Tư vấn TV13 (tư vấn hồ sơ yêu cầu, đánh giá hồ sơ đề xuất); Gói thầu tư vấn TV14 (tư vấn hồ sơ mời thầu); Gói thầu thi công rà phá bom mìn; Gói thầu XL1 (xây dựng đường vành đai 3 đoạn qua TP Thủ Đức từ Km12+200 đến Km14+ 950); Gói thầu XL2, XL3, XL4, XL5, XL6, XL7...
Ngày 12/6, nhiều gói thầu xây lắp lớn thuộc dự án đường Vành đai 3 TP HCM cũng đã được mở thầu qua mạng.
Gói thầu XL2 xây dựng cầu Tân Bửu (nối huyện Bến Lức, Long An với huyện Bình Chánh, TP HCM) tuyến chính cao tốc, tuyến song hành nhánh trái và đường song hành thuộc dự án thành phần 7 của dự án đường Vành đai 3 TP HCM có giá trị hơn 1.130 tỷ đồng, do Công ty TNHH Tư vấn Đấu thầu Trọng Tín làm bên mời thầu, Sở Giao thông Vận tải Long An là chủ đầu tư.
Theo biên bản mở hồ sơ đề xuất về kỹ thuật, chỉ có một nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu (HSDT) gói thầu XL2 là liên danh gói thầu XL2 (thành viên đứng đầu Liên danh là CTCP Xây dựng Tân Nam, có địa chỉ tại TP Vinh, tỉnh Nghệ An). Nhà thầu đề xuất thời gian thực hiện hợp đồng 900 ngày.
Tại gói thầu XL3 xây dựng nút giao cuối tuyến thuộc phân đoạn Km90+472 - Km91+568 (giá gói thầu 530,366 tỷ đồng) thuộc dự án thành phần 7 của Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM, nhà thầu duy nhất nộp HSDT là Liên danh Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Trung Thành - CTCP Đầu tư Tam Sơn - Tổng Công ty Thăng Long. Nhà thầu đề xuất thời gian thực hiện hợp đồng 840 ngày.
Tại gói thầu XL2 thi công xây dựng nút giao Bình Chuẩn đoạn từ Km43+680 đến Km45+000 thuộc dự án thành phần 5 Xây dựng đường Vành đai 3 đoạn qua tỉnh Bình Dương, duy nhất một nhà thầu nộp HSDT là Liên danh CTCP Đại Thiên Trường - Công ty TNHH MTV Tổng công ty Thái Sơn; đề xuất thời gian thực hiện hợp đồng 900 ngày. Gói thầu này có giá hơn 578 tỷ đồng, xây dựng đoạn tuyến đi qua TP Thuận An, tỉnh Bình Dương.
Gói thầu XL4 thi công xây dựng cầu Bình Gởi thuộc Dự án thành phần 5 Xây dựng đường Vành đai 3 đoạn qua tỉnh Bình Dương (bao gồm nút giao Tân Vạn và cầu Bình Gởi) có giá trị gần 651 tỷ đồng. Hai nhà thầu dự thầu là Liên danh CTCP Xây dựng Hạ tầng Bắc Trung Nam - CTCP Xây dựng và Lắp máy Trung Nam (đề xuất thời gian thực hiện hợp đồng 900 ngày); Liên danh Tổng công ty Thăng Long - CTCP Cầu 3 Thăng Long - CTCP Tập đoàn Thắng Lợi (đề xuất thời gian thực hiện hợp đồng 870 ngày).
Cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu
Cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu có tổng mức đầu tư hơn 17.800 tỷ đồng với chiều dài 53 km, triển khai với kỳ vọng giảm áp lực cho Quốc lộ 51, tối đa hóa cảng biển Cái Mép – Thị Vải, giúp kết nối giao thông cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và khu công nghiệp, phát triển du lịch, tạo sức bật cho nền kinh tế.
Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được chia thành ba thành phần. Thành phần 1 (Km0 - Km16) do UBND tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư, thành phần 2 (Km16 - Km34+200) do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ quản và thành phần 3 (Km34+200 - Km53+700) do UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm chủ đầu tư. Dự án được đầu tư với quy mô 4 làn xe theo từng đoạn tuyến.
Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được giao cho liên danh Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải, CTCP 479 Hòa Bình và CTCP Đầu tư và Xây dựng 703 làm nhà thầu xây dựng.
Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột
Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có tổng mức đầu tư 21.935 tỷ đồng, dài khoảng 117,5 km, bắt đầu từ nút giao quốc lộ 26B - quốc lộ 1 (thị xã Ninh Hoà, Khánh Hòa) và kết thúc tại điểm giao với đường Hồ Chí Minh, phía Đông TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Tuyến đường được chia làm ba dự án thành phần, phân cấp cho Bộ Giao thông Vận tải và hai địa phương tuyến đi qua thực hiện.
Thông tin tại buổi khởi công dự án ngày 18/6, Tập đoàn Cienco4 (Mã: C4G) là một trong các nhà thầu thi công dự án.