Doanh thu quý 3 của công ty có thị phần quảng cáo kỹ thuật số lớn nhất thế giới đã tăng trưởng chậm rõ rệt và không đạt kỳ vọng của các nhà phân tích. Trong đó, doanh thu quảng cáo từ Youtube thậm chí còn giảm 2%. Ngay cả kinh doanh quảng cáo của Google Search, cỗ máy kiếm tiền của hãng và vốn ít bị ảnh hưởng của các biến động kinh tế, cũng đã bắt đầu có dấu hiệu suy yếu.
Kết quả là tăng trưởng doanh thu của Alphabet đã giảm từ 41% xuống 6%. Sau thông tin, cổ phiếu của Alphabet đã sụt giảm mạnh, kéo theo đợt bán tháo cổ phiếu của các công ty hàng đầu trong ngành bao gồm Meta và Amazon.
Chuyên gia phân tích tại Insider Intelligence cho biết: “Đó là một điềm xấu cho quảng cáo kỹ thuật số nói chung, …báo hiệu thời kỳ khó khăn phía trước". Trong một cuộc nói chuyện với các nhà đầu tư, giám đốc điều hành của Alphabet, Sundar Pichai, cho biết đây là “thời điểm khó khăn trên thị trường quảng cáo”.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh lạm phát tăng cao, cả doanh nghiệp và người tiêu dùng đều cắt giảm chi tiêu. Trong đó, ngân sách dành cho marketing, bao gồm cả quảng cáo, thường bị cắt giảm đầu tiên. Các công ty mạnh tay giảm thiểu chi cho quảng cáo nhất thuộc lĩnh vực dịch vụ tài chính như bảo hiểm, vay thế chấp và tiền điện tử. Trong khi đó, quảng cáo trong ngành du lịch và bán lẻ khá ổn định.
Cùng với đó, các công ty công nghệ thường theo dõi vị trí và hoạt động của người dùng để điều hướng quảng cáo. Tuy nhiên từ hơn một năm trước, Apple đã chặn tính năng này trên các máy Iphone.
Không chỉ Google mà Spotify, nhà cung cấp dịch vụ nghe nhạc trực tuyến, cũng cho biết môi trường kinh tế “đầy thách thức” đã ảnh hưởng đến doanh số quảng cáo trong quý III, gây ra thiệt hại lớn trong tổng doanh thu. Trong khi đó, tuần trước, cổ phiếu của Snapchat, đã mất gần một phần ba giá trị sau thông tin các nhà quảng cáo tiếp tục cắt giảm ngân sách tiếp thị vì lạm phát và chi phí tăng. Trong hôm nay, Meta, công ty mẹ của Facebook, cũng sẽ công bố kết quả kinh doanh, trong đó doanh thu từ quảng cáo được dự báo sẽ tiếp tục suy giảm. Theo các chuyên gia, dự báo tình hình khó khăn này sẽ còn tiếp diễn trong vài quý tới.