Tài chính

Làm gì khi bị ngân hàng ép mua bảo hiểm?

Theo phản ánh của ông Nguyễn Thế Mạnh (Cần Thơ) trên cổng thông tin điện tử Chính phủ, ông có liên hệ với một số ngân hàng để vay vốn. Tuy nhiên, nhân viên các nhà băng này cho biết để được giải ngân, ông phải mua bảo hiểm nhân thọ. Theo quan sát của ông Mạnh, đây là tình trạng đã diễn ra nhiều năm qua và không chỉ với trường hợp của cá nhân ông mà còn không ít khách hàng khác.

Vì lẽ đó, ông đề nghị cơ quan chức năng xem xét, xử lý vấn đề nêu trên và cần sớm có một đường dây nóng để người dân có thể phản ánh những việc các ngân hàng làm sai quy định.

Câu hỏi của ông Mạnh đã được chuyển tới cơ quan quản lý và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trả lời như sau:

Pháp luật về kinh doanh bảo hiểm đã quy định các nguyên tắc, quyền, nghĩa vụ của các bên liên quan trong kinh doanh và khai thác bảo hiểm. Điều này nhằm bảo đảm việc tham gia bảo hiểm là tự nguyện, trên cơ sở nhu cầu và khả năng tài chính của khách hàng.

Trường hợp ông Nguyễn Thế Mạnh có bằng chứng việc các ngân hàng "ép" mua bảo hiểm, đề nghị ông Nguyễn Thế Mạnh gửi đơn kèm bằng chứng tới Ngân hàng Nhà nước để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

Đối với đề nghị nên có Hotline để phản ánh nóng về tình trạng nêu trên, hiện nay Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thiết lập đường dây nóng để nắm bắt và xử lý kịp thời mọi phản ánh, kiến nghị của người dân và các cơ quan, doanh nghiệp liên quan đến hoạt động ngân hàng cụ thể: - Số cố định: (024) 3936.1017; - Số di động: 0942.966.854; - Email: [email protected]

Ngay từ đầu năm, trong chỉ thị 01/CT-NHNN, Ngân hàng Nhà nước cũng đã cho thấy thái độ quyết liệt chấn chỉnh lại hoạt động bán bảo hiểm tại ngân hàng. Theo đó, Các TCTD có hoạt động đại lý bảo hiểm phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm; tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với hoạt động đại lý bảo hiểm trên toàn hệ thống và xử lý nghiêm những trường hợp yêu cầu khách hàng phải mua các loại bảo hiểm khi cấp tín dụng cho khách hàng.

Trên thực tế cũng đã có ngân hàng bị xử lý vì vi phạm ép khách hàng mua bảo hiểm. Cụ thể, ngày 30/6 và sáng 01/07/2022, Tòa án Nhân dân (TAND) thành phố Quy Nhơn có tiến hành xét xử một vụ án dân sự. Trong đó, nguyên đơn là một doanh nghiệp vận tải và bị đơn là một ngân hàng.

Theo đó, doanh nghiệp kể trên khởi kiện để yêu cầu ngân hàng bồi thường thiệt hại do nhà băng đã ép đơn vị kinh doanh vận tải này mua bảo hiểm, đồng thời không cấp bản sao giấy đăng kí xe, khiến hoạt động kinh doanh bị đình trệ và gây tổn thất cho doanh nghiệp.

Sau 2 ngày xét xử, trưa ngày 01/7/2022, Hội đồng xét xử TAND thành phố Quy Nhơn đã tuyên bản án yêu cầu ngân hàng bồi thường cho doanh nghiệp kể trên hơn 1,3 tỉ đồng.

Liên quan đến tình trạng "bán bia kèm lạc" trong hoạt động cho vay ở ngân hàng, theo ông Ngô Thành Huấn, giám đốc khối tài chính cá nhân, công ty tư vấn và quản lý tài sản FIDT, sau khi cân nhắc nhu cầu vốn của bản thân và xem xét việc vay ở đâu cũng như vay bao nhiêu, trong cùng 1 phân khúc khách hàng có thể chọn ra 2 ngân hàng cần làm việc. Sau đó, người đi vay có thể kiểm tra nếu 1 ngân hàng có tình trạng ép bancassurance, khách hàng có thể chọn ngân hàng còn lại.

Giải pháp đơn giản này, khi được khách hàng áp dụng trên diện rộng và kéo dài sẽ được phản ánh vào các số liệu kinh doanh của ngân hàng. Khi các thống kê chỉ ra các hoạt động cốt lõi (thu nhập từ cho vay) đang bị ảnh hưởng từ các hoạt động khác (thu nhập từ phí), các ngân hàng sẽ buộc phải thay đổi. Trong một bức tranh tối màu hơn là cả 2 hoạt động này có thể sẽ cùng đi xuống vì tiếng xấu "ép" của ngân hàng.

Hoặc là, nên xem xét việc tận dụng bancassurance như việc bổ sung thêm 1 trụ cột tài chính trong 3 trụ cột (1/ tạo thu nhập/đầu tư, 2/ quản trị dòng tiền và 3/bảo vệ tài sản), thay vì là áp lực để có được khoản vay. Theo đó, khách hàng nên kiểm tra lại nếu như chưa có bảo hiểm nhân thọ, cũng nên cân nhắc mua bảo hiểm cùng với gói vay.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm