Bạn đọc về thói quen tắm nước lạnh vào buổi sáng và thấy rất được truyền cảm hứng. Bạn áp dụng thực hiện liền và cảm thấy rất sảng khoái, tràn đầy năng lượng trong những ngày đầu. Tuy nhiên những ngày sau đó do công việc bận bịu đi làm về trễ nên dần dần bạn không thực hiện được thói quen này nữa.
Câu chuyện này rất quen thuộc với những bạn tập luyện các thói quen mới như đọc sách, tập thể dục, đi ngủ sớm... Các bước thường là bạn đọc/xem ở đâu đó một nội dung rất truyền cảm hứng, sau đó thực hiện hăng say trong một vài ngày đầu và bỏ cuộc vì đủ các loại lý do.
Mình tin rằng cuộc sống của chúng ta tốt hay không do những thói quen và chọn lựa hàng ngày của chúng ta. Một ngày 24 giờ là chuỗi những thói quen khác nhau. Nếu bạn có nhiều thói quen tốt, một ngày của bạn sẽ tốt và ngược lại. Tuy vậy, cái dở hơi đó là những thói quen tốt thì lại khó làm, gây lười, gây ngại hơn là những thói quen xấu. Vậy phải làm sao để duy trì một thói quen tốt sau khi đã bắt đầu?
1/ Đặt câu hỏi ‘Tại Sao’?
Chúng ta dễ bị sa đà quá vào ‘what’ – thói quen gì và ‘how’ – làm sao thực hiện được thói quen đó mà quên mất điều đầu tiên thiết yếu và quan trọng nhất khi thực hiện một thói quen là ‘why’ – tại sao bạn thực hiện thói quen đó.
Trên mạng hay trong sách những người thành công sẽ cho bạn rất nhiều lý do, ví dụ như đọc sách để trở thành người giàu có, tập thể dục để sống thọ, dậy sớm để thành công... Tuy nhiên, đó là lý do của họ – còn lý do của bạn là gì?
Mỗi người trong chúng ta có một cuộc sống riêng, một hoàn cảnh riêng, chính vì vậy động lực để thúc đẩy bạn làm điều gì đó cũng sẽ khác với người khác. Cùng là tập thể dục nhưng có người tập để khỏe, có người lại muốn tập để đẹp – khoe với bồ cũ.
Từ kinh nghiệm cá nhân của mình, một cái ‘why’ đủ mạnh là một lý do xuất phát từ một ‘đau thương’ trong quá khứ mà bạn đã trải qua. Bạn xem phim hay đọc tiểu sử của người này người kia có thấy rằng, con người ta dễ vươn lên đột phá sau khi trải qua một kiếp nạn không? Vậy ‘kiếp nạn’ nào trong quá khứ có liên quan đến vấn đề thói quen mà bạn có thể nhớ ra được?
Ví dụ, một thói quen gần đầy của mình là ‘ăn rau’. Trước đây, cũng nhiều người khuyên ăn rau nhưng mình nghe rồi để đó. Cho tới năm ngoái khi phải đi viện tiểu phẩu, nằm viện ba ngày vì các vấn đề đường ruột thì lúc đó mình mới sợ và ăn nhiều rau hơn. Đau thương là thế đó.
2/ Đặt mục tiêu có thể đạt được bằng nhiều con đường
Nếu bạn không phải là một người kiên định với một thứ mà có xu hướng thích nhiều thứ cùng lúc, đây là một phương pháp mình thấy có thể sẽ hữu ích. Thay vì đặt một mục tiêu chỉ có duy nhất một con đường để đạt được, hãy suy nghĩ về những mục tiêu rộng hơn, có nhiều cách để đạt được nó.
Ví dụ, trước đây mình thường đặt mục tiêu liên quan đến chuyện tập gym để có cơ thể đẹp. Khi đó mình bị bó buộc bản thân vào việc phải đến phòng gym XX ngày trong tuần – mà không phải lúc nào cũng thực hiện được nên dễ bị nản.
Khoảng một năm gần đây, mình đổi thói quen thành tập thể dục mỗi ngày. Thể dục ở đây là bất kỳ môn gì, có thể hôm nay đến phòng gym, ngày mai đi bơi, ngày kia chạy bộ – miễn sao duy trì ít nhất 30 phút mỗi ngày. Việc thay đổi lại góc nhìn này làm cho mình phấn chấn hơn vì có những lựa chọn để duy trì một thói quen, thay vì cứ bó buộc vào một thứ nhàm chán khiến mình dễ bỏ.
3/ Không bao giờ bỏ quá 2 ngày
Để duy trì một thói quen, theo bạn làm bao nhiêu ngày liên tục là đủ? Có nơi nói 30 ngày, có nơi nói 60 ngày, có nơi nói nhiều hơn thế. Quan điểm của mình là hãy duy trì sự liên tục càng lâu càng tốt.
Trong một điều kiện lý tưởng, bạn có thể tập thể dục mỗi ngày, học tiếng Anh mỗi ngày, đọc sách mỗi ngày… Tuy nhiên, trong cuộc sống chúng ta không lý tưởng như thế. Một ngày nào đó bạn có thể vướng phải một chuyện gì đó khiến bạn bận bịu và không có thời gian để duy trì sự mỗi ngày đó của bạn. Cái dở của chuyện luyện thói quen mỗi ngày đó là, khi bạn ‘lỡ’ bỏ mất một ngày – bạn sẽ chán và không muốn làm tiếp nữa.
Chính vì vậy, mình thường đặt mục tiêu là ‘không bao giờ bỏ quá 2 ngày’ thay vì ‘duy trì mỗi ngày’. Nếu hôm nay bạn mệt, bạn có thể nghỉ một ngày không làm, nhưng ngày mai nhất định phải làm một chút để tuân theo quy luật này. Từ khi thực hiện theo điều này, bản thân mình thấy chuyện thực hiện mục tiêu nhẹ nhàng và bớt áp lực hơn.
4/ Luôn luôn phải đo được
Bất kể đó là mục tiêu gì, bạn cần phải đo lường được về hiệu quả và thời gian.
Phương pháp dễ nhất để áp dụng mà có lẽ bạn đã nghe đâu đó là phương pháp S.M.A.R.T, một mục tiêu cần được viết ra và đáp ứng đủ 5 yếu tố trên. S.M.A.R.T là:
Specific: cụ thể mục tiêu đó là gì;
Measurable: đo lường được;
Actionable: có tính hành động;
Realistic: có tính thực tiễn;
Time: có thời gian thực hiện.
Ví dụ, một mục tiêu thông thường bạn có thể nói là "tôi sẽ đọc sách nhiều hơn" hay "tôi sẽ dành nhiều thời gian hơn để tập thể dục". Viết ra mục tiêu như vậy chưa ổn, bạn phải áp dụng S.M.A.R.T vào là:
Specific – tôi đọc cuốn sách gì? tôi tập môn gì?
Measurable – tôi đọc bao nhiêu cuốn sách/bao nhiêu trang? tôi tập bao nhiêu rep, bao nhiêu phút?
Actionable – tôi đọc/tập vào thời gian nào trong ngày?
Realistic – ví dụ bạn chưa đọc bao giờ mà tự nhiên đặt mục tiêu 1 tuần 2 cuốn sách thì không thực tiễn;
Time – tôi hoàn thành việc này vào thời gian nào?
Ví dụ một mục tiêu của mình là: "Tôi đặt mục tiêu đọc hết cuốn sách 12 Quy Luật Cuộc Đời" trong 2 tuần tới. Mỗi ngày tôi sẽ đọc 1 chương vào buổi sáng sau khi ngủ dậy", duy trì và duy trì.
Trên đây là một số chia sẻ về mục tiêu. Chúc bạn thành công.