Không cần xuất hiện nhiều trên truyền thông, nhường lại vị trí "đại diện hình ảnh" cho Phó Chủ tịch Phạm Thanh Hưng (shark Hưng), Chủ tịch Cen Group được cho là nhân vật khôn ngoan và gây tò mò với nhiều người.
CHA TREO BIỂN MÔI GIỚI ĐẤT, CON CẦM BIỂN NÉM XUỐNG SÔNG
Chủ tịch Cen Group là ông Nguyễn Trung Vũ sinh năm 1971 tại Thái Bình. Sinh ra trong gia đình có 8 người con, lại là con lớn, ông Vũ có nhiều trải nghiệm thiếu niên sóng gió từ khó khăn của gia đình. Câu chuyện về gia đình ông Vũ vẫn được lớp lớp người Cen Group truyền nhau kể lại.
Cha ông Vũ là ông Nguyễn Trung Chiên vì mưu sinh, kinh doanh buôn bán, tham gia đường dây hụi, phá sản, bị tịch biên hết tài sản. Sau khi phiêu dạt qua nhiều địa phương, cuối thập niên 1980 ông Chiên dựng tạm một túp lều ven sông Tô Lịch, bên kia đường Láng và vì lấn chiếm nên thường xuyên bị xua đuổi. Ông Chiên mở quán cóc ven đường kiếm sống, trong khi đó ông Vũ và một người em trai thường thay phiên nhau sáng, chiều cắt tóc kiếm tiền phụ giúp gia đình.
Vào đầu thập niên 1990, nền kinh tế Việt Nam bước sang giai đoạn mới cùng với làn sóng đổi mới. Việc chia cắt thị trường trong suốt thập niên 1980 xóa bỏ dần nên thị trường nhà đất bắt đầu rục rịch chuyển dịch. Trước khi luật Đất đai 1993 được ban hành thổi bùng cơn sốt bất động sản lần thứ 2 tại Hà Nội, với sự nhạy bén về cơ hội kinh doanh, giai đoạn 1991-1992 ông Chiên vừa bán quán, vừa treo biển môi giới nhà đất.
Ông Chiên từng kể lại rằng ông Vũ phản đối kịch liệt việc bố mình kiếm tiền bằng môi giới nhà đất. Thậm chí ông Vũ còn tháo biển vứt xuống sông, còn ông Chiên lại lặn xuống mò lên, treo lại. Một thời gian sau khi đã lớn hơn, sau giờ học ông Vũ bắt đầu theo bố học hỏi nghề. Ông Vũ bắt đầu dẫn khách đi xem đất khu Trung Kính khi đang còn là sinh viên đại học Thăng Long. Về sau khi tích lũy đủ vốn, ông Chiên bước hẳn sang lĩnh vực môi giới, mở văn phòng nhà đất trên đường Láng. Ông Vũ khẳng định bố mình thuộc lớp môi giới nhà đất đầu tiên ở Hà Nội.
CHA LÀM CÒ ĐẤT, CON MỞ CÔNG TY MÔI GIỚI
Tốt nghiệp đại học, năm 1997 Nguyễn Trung Vũ về làm việc cho tập đoàn FPT. Những năm đầu 2000, ông Vũ lấy vợ. Theo lời chính doanh nhân này kể lại, hai vợ chồng ông không có tiền, cả gia tài chỉ có chiếc Dream cũ nhưng lại muốn làm cái gì đó thật hoành tráng mà không biết bắt đầu từ đâu.
Chừng giữa năm 2002 ông Vũ tham dự hội thảo về nhường quyền thương hiệu và cảm thấy rất đúng ý. Điều thú vị hơn lĩnh vực nhượng quyền lại liên quan đến môi giới bất động sản - nghề của bố. Lúc này, ông Vũ quyết định về nhà và thuyết phục bố cho vay vốn, mở văn phòng hoành tráng tại 82 Nguyễn Chí Thanh.
Thời điểm này, tác động của khủng hoảng tài chính châu Á đã qua, thị trường bất động sản Hà Nội lại thăng hoa. Các trung tâm môi giới nở rộ tại Thủ đô. "Tôi muốn người dân không nhìn những người môi giới bất động sản là cò đất", ông Vũ từng khẳng định như vậy. Khác với việc kinh doanh manh mún, đơn lẻ của bố, ông Vũ quyết định theo con đường này bài bản.
Ông Vũ cho rằng phải có sự khác biệt và tiến hành mua nhượng quyền thương hiệu môi giới đất động sản của công ty Cendant (Mỹ), đặt tên công ty là Century 21 - Trường Thành. Đây là doanh nghiệp đầu tiên tại Hà Nội mua quyền chuyển nhượng thương hiệu từ tập đoàn bất động sản hàng đầu thế giới của Mỹ (tập đoàn CENDANT). Từ doanh nghiệp chỉ cung cấp dịch vụ môi giới nay đã trở thành nhà cung cấp dịch vụ trọn gói từ đầu tư, khai thác, thuê và cho thuê lại, tư vấn, tiếp thị và thẩm định bất động sản.
THỊ PHẦN MÔI GIỚI LỚN NHẤT NHÌ MIỀN BẮC
Công ty của ông Vũ đang kinh doanh tốt thì bất ngờ công ty mẹ bên nước ngoài yêu cầu rút giấy phép. Doanh nghiệp này buộc phải đổi tên công ty vài lần, gây dựng lại từ đầu với tên Công ty bất động sản Thế kỷ (Cen Group).
Năm 2006 có thể xem là năm may mắn với ông Vũ và Cen Group. Công ty này thuê được một xưởng xe máy bỏ không với diện tích 10.000 m2 ở gần bến xe Mỹ Đình. Ông Vũ cùng các cộng sự đang dự kiến chia nhỏ làm văn phòng thì gặp cơ hội khi đúng lúc này tập đoàn FPT đang tìm địa điểm làm trường đại học. Mảnh đất này đáp ứng hoàn toàn nhu cầu FPT.
"Mình quyết đầu tư, bán đất, vay ngân hàng, kêu gọi mọi người tham gia. Như một canh bạc tất tay", ông Vũ nhớ lại. Cũng do may mắn, thương vụ đầu tư này của Cen Group thắng lời. Đây cũng là thời kỳ quan trọng theo lời của ông Vũ khi chiêu mộ được người bạn Phạm Thanh Hưng về làm.
Hiện tập đoàn sở hữu một hệ sinh thái Bất động sản đa dạng: Đầu tư - Đầu tư thứ cấp - Phân phối - Truyền thông & Marketing - Nội thất - Thẩm định giá - Coworking Space. Bên cạnh việc phát triển Hệ sinh thái Bất động sản, Cen Group mở rộng tham gia hoạt động đầu tư khởi nghiệp từ năm 2016 với nhiều lĩnh vực như: Golf, y tế, công nghệ bất động sản.
Trong tập san nội bộ tháng 3/2021, Cen Group cho biết doanh thu năm 2020 của tập đoàn này đạt 5357,3 tỷ đồng tỷ đồng. Trong đó, doanh thu từ Cen Land là 2.118 tỷ đồng, Cen Invest và các đơn vị liên kết là 2983 tỷ đồng, lĩnh vực phi bất động sản đem về 256,3 tỷ đồng. Tập đoàn này hiện có 3.532 nhân sự. Số liệu từ công ty chứng khoán Bảo Việt cho biết hiện công ty này đứng đầu thị trường môi giới bất động sản tại miền Bắc với thị phần 42% và khoảng 18% thị phần cả nước, xếp thứ 2 sau Đất Xanh.
Cen Land hiện được 2 quỹ đầu tư lớn đầu tư gồm VinaCapital và DragonCapital với 25% cổ phần tính tới cuối năm 2018. Đơn vị này còn ghi dấu ấn bởi các dự án môi giới online tiên phong như siêu thị dự án bất động sản STDA, nghemoigioi.vn và mới đây là nền tảng Cenhomes.vn.
Dù vậy, bên cạnh những thành công trong lĩnh vực môi giới địa ốc, Cen Group cũng là đơn vị gặp nhiều tai tiếng. Công ty này từng gặp không ít các vụ việc tranh chấp, bị khách hàng bao vây trụ sở tố lừa đảo, dự án gặp trục trặc khiến nhiều nhà đầu tư bức xúc...