Mới đây, Việt Nam đã có kỹ sư công nghệ thứ 3 trở thành Google Developer Expert (GDE) của Google. Trong thông báo của mình, Google viết: “Bảo Đại là một nhạc sĩ trẻ, người đã áp dụng các kỹ thuật học máy học để nâng cao, phát triển các tác phẩm của mình. Bên cạnh việc sáng tác, anh còn là một nhà khoa học nghiên cứu AI trong lĩnh vực Xử lý ngôn ngữ tự nhiên (Natural language processing) và Thị giác máy tính (Computer Vision). Tháng 3/2021, Bảo Đại người thứ 3 trở thành Google Developer Expert tại Việt Nam”.
Được biết, Google Developer Experts Việt Nam (GDEs Việt Nam) là một chương trình tìm kiếm tài năng của Google Developers Team với mong muốn tìm ra những chuyên gia Google không những xuất sắc về kỹ năng mà còn là người có mong muốn đóng góp cho cộng đồng lập trình viên nước nhà.
Đam mê âm nhạc bị ngăn cản, rẽ hướng làm IT
Bảo Đại sinh năm 1994. Đại học đánh đàn piano từ năm 12 tuổi và dần trở nên hứng thú, đam mê với bộ môn này. Chàng trai ấp ủ dự định thi vào Học viện âm nhạc nhưng bị gia đình ngăn cản.
“Ước mơ lâu nay của mình là Nhạc viện, nhưng khi nói dự định ấy với người thân, mình không nhận được bất kỳ sự ủng hộ nào, kể cả thầy cô. Lúc đó mọi người đều nghĩ rằng nếu đi theo đường nghệ thuật, sau này sẽ rất cực và khó tiến thân. Trong khi mình học tốt toán, tại sao lại bỏ lỡ? Ngay cả mẹ cũng ngăn cản lựa chọn theo học Nhạc viện. Mình hoàn toàn mất phương hướng và hoang mang vô cùng trước ngưỡng cửa đầu đời", Đại từng chia sẻ trên VnExpress.
Không thể thuyết phục người thân, Bảo Đại nộp hồ sơ vào trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Tp. HCM cùng bạn để “học chung cho vui”. Tuy nhiên, khi có kết quả, Bảo Đại đỗ, còn bạn của anh thì không.
"Mình đã từng rất chán học ngành này ở những năm đầu tiên học đại cương. Đôi lúc mình cảm thấy nó không phù hợp với bản thân, không phải vì mình không theo kịp nội dung chương trình học của trường, mà là các bạn cùng khóa với mình rất 'siêu nhân'. Các bạn đã có mục tiêu phấn đấu, theo đuổi chuyên ngành Công nghệ thông tin tại trường từ rất sớm, vì vậy họ có sẵn rất nhiều kiến thức trước khi theo học, còn mình thì không có gì."
Đến năm thứ 3 đại học, Đại mới bắt đầu nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo, máy học. Thật bất ngờ, những kiến thức mới này lại làm Đại say mê. Sau khi tốt nghiệp, Đại quyết định làm việc trong lĩnh vực công nghệ những vẫn giữ đam mê âm nhạc của mình.
Một ngày đàn 300 bài hát để “dạy” AI
Do dành quá nhiều thời gian cho việc sáng tác nhạc, đồng thời thường xuyên gặp tình trạng viết xong vẫn chưa ưng, Bảo Đại nảy ra ý tưởng xây dựng một mô hình AI có thể hỗ trợ nhạc sĩ trong quá trình viết nhạc.
Nhưng xây dựng một mô hình AI không hề đơn giản. Không chỉ cần nhân lực, tài chính, việc nghiên cứu còn đòi hỏi một hệ thống máy tính lớn để thực hiện thuật toán. Chàng IT đã tự bỏ tiền túi để sử dụng dịch vụ máy ảo và trả tiền theo nhu cầu sử dụng. Mặt khác, do thiếu nguồn nhạc chất lượng nên anh phải tự nghe đi nghe lại các bài hát và tự đánh đàn để lấy dữ liệu cho máy học.
Hiện tại, Bảo Đại đã có 30.000 bài hát trong kho dữ liệu, trong đó 60% là do anh tự đàn. Chia sẻ với VnExpress, Đại cho biết trong suốt hai năm, anh đã đàn gần 18.000 bài hát. Có những ngày, chàng IT chỉ ngồi trong phòng, đàn từ sáng đến đêm để lấy dữ liệu cho máy học. Thậm chí có ngày cao điểm, Đại đàn đến 300 bài hát.
Dù chỉ là một dự án cá nhân, kinh phí eo hẹp nhưng sau 2 năm, mô hình của Bảo Đại đã có thể viết một đoạn nhạc dài 10 giây, hoặc 5 phút, hoặc thậm chí dài hơn tùy ý. Ngoài ra, mô hình AI này cũng có khả năng nhận vào một đoạn nhạc ngắn của con người làm cơ sở đầu vào hoặc tự tạo ra ca khúc mà không cần "mớm" giai điệu nữa. Chưa hết, mô hình này chỉ cần 1 giây để có thể có 10 đoạn giai điệu khác nhau.
Trước khi sáng tạo thành công mô hình AI của riêng mình, năm 24 tuổi, Bảo Đại đã cùng đồng đội giành giải nhất cuộc thi Zalo AI Challenge trong thử thách nhận diện giọng nói. Cuối năm 2019, Bảo Đại từng gây “sốt” trong cộng đồng IT khi sáng tác và thể hiện một ca khúc về các kỹ sư công nghệ. Sau đó, Đại trở thành gương mặt thân quen, thường xuyên được mời tham gia các hội nghị, giải thưởng về công nghệ như Tech Awards,...