Ở cái tuổi mà đáng lẽ đã nghỉ hưu cả chục năm để tận hưởng cuộc sống tuổi già bên cạnh các con, các cháu, thì nhiều "cụ ông, cụ bà" Việt Nam đã 80-90 tuổi vẫn đang nắm giữ vai trò quan trọng trong việc điều hành doanh nghiệp.
"Cụ ông, cụ bà" 83 tuổi vẫn làm Chủ tịch doanh nghiệp
Lớn tuổi nhất trong danh sách những "cụ ông, cụ bà" đang làm lãnh đạo các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam hiện nay là bà Nguyễn Thị Nhung đang là Chủ tịch HĐQT của CTCP Sơn Á Đông (ADP) và ông Huỳnh Văn Chính Chủ tịch HĐQT của của CTCP Dệt may 29/3 (HCB) đều sinh năm 1941, năm nay 83 tuổi.
Ông Huỳnh Văn Chính, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may 29/3
Trong đó, bà Nguyễn Thị Nhung đã làm việc từ năm 1960 đến nay. Bà từng công tác tại Nhà máy Cao su Sao vàng Hà Nội từ năm 1960 - 1966, sau đó làm thực tập sinh nước CHXHCN Tiệp Khắc trong 6 năm rồi công tác ở Nhà máy Sơn Tổng Hợp Hà Nội, đến năm 1976 bà tiếp quản Nhà máy Sơn Á Đông và công tác tại Sơn Á Đông trong suốt nhiều năm. Năm 2020, bà Nguyễn Thị Nhung từng thôi giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT và đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của công ty. Đến tháng 4/2022, bà Nhung lại quay lại vị trí Chủ tịch HĐQT, vị trí Tổng giám đốc ADP chuyển cho ông Võ Hồng Hà.
Hiện bà Nhung cũng đang trực tiếp nắm giữ hơn 2,3 triệu cổ phiếu ADP, tài sản trên sàn chứng khoán của bà Nhung hiện có giá trị khoảng 62 tỷ đồng. Trong khi đó, giá trị vốn hóa trên sàn chứng khoán của ADP kết phiên giao dịch ngày 8/5 có giá trị hơn 610 tỷ đồng.
Về phần mình, ông Huỳnh Văn Chính đã gắn bó với Dệt may 29/3 từ khi mới thành lập với vị trí ban đầu là Chủ nhiệm Tổ hợp Dệt may 29/3. Từ năm 2007 đến nay, ông được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT Dệt may 29/3. Ông Chính đang trực tiếp nắm giữ hơn 500.000 cổ phiếu HCB, với giá thị trường 11 tỷ đồng.
“Cụ bà” 82 tuổi làm Chủ tịch doanh nghiệp vốn hóa gần 3.000 tỷ đồng
Đứng sau bà Nguyễn Thị Nhung và ông Huỳnh Văn Chính là bà Nguyễn Bạch Tuyết (1942), Chủ tịch HĐQT kiêm phó Tổng giám đốc của CTCP Khử trùng Việt Nam (VFG). Trong 3 tháng đầu năm 2024, doanh thu thuần của VFG đạt gần 966 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ.
Sau khi trừ các chi phí khác và thuế thu nhập doanh nghiệp, VFG của nữ Chủ tịch 82 tuổi vẫn ghi nhận lãi ròng 78,7 tỷ đồng, tăng 38% so với quý 1/2023. Đây là mức lợi nhuận quý cao thứ 2 trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp này, chỉ sau con số kỷ lục 117 tỷ đồng đạt được trong quý 4/2023. Năm 2024, VFG lên kế hoạch kinh doanh với mục tiêu doanh thu đạt 3.690 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 300 tỷ đồng. Với kết quả đạt được sau quý đầu năm, VFG đã hoàn thành khoảng 26% các chỉ tiêu đề ra.
Bà Nguyễn Bạch Tuyết Chủ tịch HĐQT, kiêm Phó tổng giám đốc CTCP Khử trùng Việt Nam
Bà Nguyễn Bạch Tuyết, Chủ tịch HĐQT, kiêm Phó tổng giám đốc công ty, có mức thu nhập trong 3 tháng đầu năm là 22,3 tỷ đồng, tương đương với khoảng 7,45 tỷ đồng/tháng. Mức thu nhập này gấp 4,4 lần so với cùng kỳ năm 2023. Hiện bà Nguyễn Bạch Tuyết đang trực tiếp nắm giữ hơn 560.000 cổ phiếu VFG, tính theo giá thị trường đang có giá trị tương đương khoảng 38 tỷ đồng.
Tại ngày 31/3, VFG có tổng tài sản 2.550 tỷ đồng, giảm gần 400 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, vốn sở hữu 1.280 tỷ đồng. Nợ phải trả giảm từ 1.670 tỷ đồng xuống chỉ còn 1.270 tỷ đồng. Trong số này, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn chiếm 457 tỷ đồng. Doanh nghiệp nữ đại gia 82 tuổi làm Chủ tịch nắm giữ 303 tỷ đồng tiền và tương đương tiền cùng 288 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn. Giá trị vốn hóa thị trường của VFG tại thời điểm ngày 8/5 có giá trị gần 2.800 tỷ đồng.
“Cụ ông” 81 tuổi làm Tổng giám đốc doanh nghiệp tổng tài sản hơn 8.800 tỷ đồng
Một lão làng U90 khác đang làm lãnh đạo doanh nghiệp có giá trị vốn hóa nghìn tỷ là ông Nguyễn Đoàn Thăng (1943), Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (RAL). Ông Thăng bắt đầu công tác tại RAL từ tháng 9/1964 trong vai trò kỹ sư, trưởng nhóm thiết kế. Ông được bầu giữ vị trí Tổng giám đốc doanh nghiệp từ tháng 9/1987. Ông Thăng cũng từng có thời gian giữ vị trí Chủ tịch của RAL trong hơn 1 năm từ tháng 3/2019-7/2020. Cụ ông 81 tuổi này cũng đang trực tiếp nắm giữ hơn 526.000 cổ phiếu RAL, tính theo giá thị trường có giá trị hơn 69 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đoàn Thăng Tổng giám đốc CTCP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông
Trong 3 tháng đầu năm, RAL ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.831 đồng, tăng 33% so với cùng kỳ. Sau khi trừ các chi phí, doanh nghiệp ghi nhận lãi ròng 195 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ. Tại thời điểm 31/3, tổng tài sản của RAL đạt 8.840 tỷ đồng, tăng khoảng 1.100 tỷ (+14%) so với đầu năm. Trong đó, doanh nghiệp có 1.269 tiền mặt, gần 5.641 tiền phải thu ngắn hạn, tăng 421 tỷ so với đầu năm; hàng tồn kho ghi nhận giá trị hơn 1.428 tỷ đồng.
Nợ phải trả tăng 894 tỷ so với đầu năm lên mức 5.671 tỷ đồng, gần như đều là nợ ngắn hạn. Vay nợ ngắn hạn xấp xỉ 3.490 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu đạt 3.169 tỷ đồng, gồm lợi nhuận sau thuế chưa phân phối hơn 720 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá trị vốn hóa trên thị trường chứng khoán của RAL hiện chỉ ở mức hơn 3.100 tỷ đồng.
“Cụ ông” 80 tuổi làm Chủ tịch doanh nghiệp sơn
Một doanh nhân năm nay đã 80 tuổi cũng đang làm lãnh đạo doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán là ông Nguyễn Văn Viện, Chủ tịch HĐQT CTCP Sơn Hải Phòng (HPP).
Ông Nguyễn Văn Viện bắt đầu quá trình công tác trong vai trò Giáo viên Trường cơ điện Hải Phòng giai đoạn năm 1964-1982. Đến tháng 4/1989-12/2002, ông được bổ nhiệm giữ vị trí Giám đốc Công ty sơn HP nay là Công ty CP Sơn Hải Phòng. Từ 01/2003 - 05/2015, ông Viện giữ vị trí Tổng Giám đốc CTCP Sơn Hải Phòng. Từ 01/2003 – nay ông giữ vị trí Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Sơn Hải Phòng.
Ông Nguyễn Văn Viện, Chủ tịch HĐQT CTCP Sơn Hải Phòng
“Cụ ông” 80 tuổi này đang trực tiếp nắm giữ hơn 600.000 cổ phiếu HPP, tính theo giá thị trường kết phiên giao dịch ngày 8/5 có giá trị gần 49 tỷ đồng. Với hơn 8 triệu cổ phiếu đang lưu hành, kết phiên giao dịch ngày 8/5, giá trị vốn hóa của HPP đạt hơn 532 tỷ đồng.
Năm 2023, HPP ghi nhận doanh thu đạt 1.215 tỷ đồng, sau khi trừ các chi phí và thuế thu nhập doanh nghiệp, HPP lãi ròng 93 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với con số chỉ 33 tỷ đồng trong năm 2022. Tại thời điểm cuối năm 2023, HPP có tổng tài sản 1.219 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Trong đó, vốn chủ sở hữu gần 500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối hơn 95 tỷ đồng.