Tài chính

Tài chính cá nhân: Đón "mưa cổ tức" từ doanh nghiệp, nhà đầu tư nên lưu ý gì?

Đến đầu tháng 5, hơn 10 ngân hàng công bố phân phối lợi nhuận bằng cổ tức cổ phiếu hoặc tiền mặt. Không riêng "giới buôn tiền", nhiều doanh nghiệp lĩnh vực khác cũng chia cổ tức tỷ lệ từ vài chục đến hàng trăm phần trăm. 

Tuy nhiên, câu hỏi được nhiều nhà đầu tư cá nhân đặt ra, việc chia cổ tức ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe tài chính doanh nghiệp. Nhà đầu tư có thể tối ưu lợi ích ra sao khi đầu tư cổ phiếu để hưởng cổ tức. Đâu là tiêu chí cần quan tâm khi mua cổ phiếu nhằm mục tiêu hưởng cổ tức. 

Cổ tức là gì?

Cổ tức là hình thức phân phối lợi nhuận mà một công ty kiếm được cho các cổ đông. Thông thường, có hai cách chi trả cổ tức phổ biến: tiền mặt và cổ phiếu.

Trong đó, cổ tức tiền mặt là hình thức công ty phân phối một phần hoặc toàn bộ lợi nhuận của họ làm ra trong năm đó cho các cổ đông dưới dạng tiền mặt. Cổ tức thường được biểu thị dưới dạng số tiền cố định trên mệnh giá mỗi cổ phiếu (10.000 đồng). 

Ví dụ, Techcombank chia cổ tức 15%, tương ứng với mỗi cổ phiếu TCB dự kiến được nhận 1.500 đồng. Tổng số tiền dự chi gần 5.284 tỷ đồng. Tương tự, SHB đã thông qua việc chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 7,5%, theo đó, mỗi cổ phiếu dự kiến nhận 750 đồng.

Bên cạnh phân phối cổ tức tiền mặt, các doanh nghiệp cũng có thể lựa chọn phương án chia lợi nhuận bằng cổ tức bằng cổ phiếu. Số lượng cổ phiếu bổ sung mà cổ đông nhận được thường dựa trên số lượng cổ phiếu họ đã sở hữu và cổ tức được biểu thị bằng tỷ lệ phần trăm. 

Ví dụ, MSB chia cổ tức cổ phiếu 30%, nếu nhà đầu tư sở hữu 100 cổ phiếu của ngân hàng sẽ nhận thêm 30 cổ phiếu.

Thực tế, sau khi chia cổ tức bằng cổ phiếu, trên thực tế tiền vẫn ở lại trong công ty, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư đối với công ty đó cũng không thay đổi, nhà đầu tư hầu như không nhận được các lợi ích tăng thêm. Lợi ích từ hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu chỉ thực sự có giá trị nếu cổ phiếu có tiềm năng tăng giá trong dài hạn.

Trong khi đó, nếu nhận được cổ tức bằng tiền mặt, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư với công ty cũng không thay đổi, nhưng họ sẽ có thể nhận lượng tiền mặt tương ứng với cổ phiếu. Nhà đầu tư có thể dùng số tiền này để tái đầu tư vào công ty nhằm gia tăng tỷ lệ sở hữu hoặc dùng để chi tiêu, đầu tư vào một tài sản khác.

Lưu ý khi đầu tư các loại cổ phiếu chia cổ tức

Theo đó, khi đầu tư theo chiến lược cổ tức, nhà đầu tư cần lưu ý một số vấn đề gồm:

Trước hết, nhà đầu tư nên ưu tiên các doanh nghiệp chia cổ tức bằng tiền mặt.

Tiếp theo, bạn nên quan tâm đến lợi tức, tức tỷ lệ chi trả cổ tức trên giá cổ phiếu. Ví dụ, tỷ lệ cổ tức bằng tiền của Techcombank là 15%, mỗi cổ phiếu TCB được nhận 1.500 đồng. Tính trên thị giá cổ phiếu TCB giao dịch trên thị trường bình quân 12 tháng là 34.000 đồng, khoản cổ tức 1.500 đồng nhận được trên mỗi cổ phiếu tương đương mức sinh lời 4-5%. Dưới đây là bảng lợi tức tạm tính:

Ngân hàng

Tỷ lệ cổ tức tiền mặt
(Tính theo mệnh giá)

Thành tiền

Lợi tức tạm tính
(Tính theo thị giá bình quân 12 tháng)

VIB

12,5%

1 cổ phiếu: 1.250 đồng

6%

ACB

10%

1 cổ phiếu nhận 1.000 đồng

5%

Techcombank

15%

1 cổ phiếu nhận 1.500 đồng

4-5%

VPBank

10%

1 cổ phiếu nhận 1.000 đồng

5%

HDBank

10%

1 cổ phiếu nhận 1.000 đồng

5%

MB

5%

1 cổ phiếu nhận 500 đồng

2-2,5%

Eximbank

3%

1 cổ phiếu nhận 300 đồng

1,5%

Theo đó, nhà đầu tư có thể so sánh mức lợi tức này với lãi suất ngân hàng để đánh giá tính hấp dẫn của cổ phiếu. Đơn cử, so với mức lãi suất bình quân khoảng 5% cho kỳ hạn 12 tháng, có thể thấy tỷ lệ cổ tức tiền mặt tại Techcombank, VIB, ACB, HDBank tương đương với lãi suất gửi tiết kiệm. Kết quả, nhà đầu tư có thể nhận được một dòng thu nhập thường xuyên dưới dạng cổ tức, bên cạnh lợi ích của việc tăng giá của cổ phiếu đó trong tương lai.

Một lưu ý khác khi lựa chọn đầu tư cổ phiếu hưởng cổ tức, nhà đầu tư cần lựa chọn các công ty chi trả cổ tức cao có sức khỏe tài chính tốt, mô hình kinh doanh ít rủi ro. Việc chi trả cổ tức quá cao so với khả năng tài chính có thể dẫn đến rủi ro lớn cho hoạt động kinh doanh của công ty về lâu dài. Bạn cũng nên cân nhắc những doanh nghiệp tuy chưa có lịch sử chi trả cổ tức trước đó nhưng đã có thể bắt đầu bước vào giai đoạn chi trả cổ tức nhờ "ăn nên làm ra" trong quá trình kinh doanh.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm