Kỹ năng sống

Những chuyến xe chở nước của Minh "cô đơn"

"Sáng 6/4 tôi nghe đài hay tin liền chạy xe đi luôn, xuống đó giúp được bà con cái gì thì giúp", ông Nguyễn Văn Minh, 60 tuổi, ở phường Đông Hòa, thị xã Dĩ An, Bình Dương nói.

Chạy gần 100 km đến Gò Công Đông, ông Minh thấy bốn xe tải chở nước sạch đã đỗ sẵn, hàng trăm người xách can, thùng xếp hàng chờ hứng. Người đàn ông "nhìn ngay thấy việc cho mình".

"Xe lớn chỉ có thể đỗ ở đường lớn, nhà dân nằm trong đường nhỏ, hẹp hầu như không thể nhận nước", ông Minh nói. "Chưa kể gia đình neo đơn, người già, khuyết tật làm sao họ xách được vài can gần 40, 50 lít".

Ông lùi chiếc xe ba gác trên có bồn nhựa một mét khối vừa mua 2,5 triệu đồng ở Sài Gòn vào xe tải xin bơm nước sang rồi chạy vào tận nhà các hộ nằm trong những con đường heo hút thuộc xã Tân Phước, Tân Điền, Bình Ân, Kiểng Phước... Huyện ven biển Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang là địa phương đầu tiên của miền Tây công bố tình hình khẩn cấp do xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng ở hàng nghìn hộ dân.

Sau một ngày mệt nhoài nhưng thấy vẫn còn nhiều hộ chưa có nước, tối hôm đó, ông Minh nhờ người dân đăng bài lên mạng xã hội thông báo "Minh 'cô đơn' nhận chở nước ngọt miễn phí" kèm số điện thoại.

Ông Nguyễn Văn Minh ở huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, tháng 4/2024. Ảnh Nhân vật cung cấp

Ông Nguyễn Văn Minh ở huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, tháng 4/2024. Ảnh: Ngọc Ngân

Hơn 20 năm qua ông Minh sống một mình, không vợ con, không nhà cửa, mưu sinh bằng nghề xe ôm, nhặt ve chai, chạy xe ba gác giúp sinh viên chuyển trọ, bơm vá xe miễn phí. Người dân quanh khu vực Làng Đại học Thủ Đức gọi ông bằng cái tên Minh "cô đơn". Lâu dần ông cũng tự lấy đó làm biệt danh cho mình.

Suốt tuần qua ông tạm ngưng công việc, ở lại Gò Công Đông hỗ trợ bà con. Mỗi ngày, người đàn ông nhận trung bình từ 30 - 40 cuộc gọi nhờ chở nước giúp, làm việc từ 5h sáng đến 20h, chỉ nghỉ trưa khoảng 30 phút.

Người gọi điện cho ông Minh "cô đơn" đa số là người già, mất khả năng vận động hoặc những gia đình neo người do đàn ông đi biển hoặc làm việc ở xa, chỉ còn những người phụ nữ mang nhiều bệnh, sức yếu không thể khuân vác nước.

Xe ba gác của ông thường len lỏi vào các con đường nằm xa thị trấn, sát bờ kênh, chiều rộng chỉ từ 1,5 - 2 mét. Ông vừa chạy, vừa hô lớn cho bà con ra nhận nước, cạn bồn lại quay về điểm tập kết. "Người dân 'khát' nước đến mức chỉ cần nghe tiếng gọi có nước hỗ trợ, họ bỏ cơm tối ra đứng đợi", ông nói.

Tất bật như thế nhưng không ít lần Minh "cô đơn" cảm thấy áy náy bởi có người xách can đến xếp hàng nhưng đến lượt họ thì hết nước. "Thương nhất là cụ bà sống vùng sâu mắc bệnh tim, đi không nổi, mấy ngày ở nhà cầm cự cảnh thiếu nước sinh hoạt", ông Minh kể.

Với những hộ khó khăn, ông quyết định xách nước vào tận nhà giúp bà con. Nhiều lần có người biếu tiền nhưng ông không lấy. "Bà con đang khổ như thế, dù chỉ là điếu thuốc tôi cũng không dám nhận", ông nói.

Do nước sạch rất quý, ông không dám tắm ở Gò Công Đông. Hai ngày một lần người đàn ông 60 tuổi chạy xe về TP Thủ Đức tranh thủ tắm rồi quay lại ngay.

Ông Nguyễn Văn Minh chia nước từ bồn vào can cho người dân huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, tháng 4/2024. Ảnh Nhân vật cung cấp

Ông Nguyễn Văn Minh chia nước từ bồn vào can cho người dân huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, tháng 4/2024. Ảnh: Ngọc Ngân

Sau một tuần, người dân địa phương đã quen mặt ông Minh "cô đơn". Ông cũng có thêm "đồng nghiệp" là những người chở nước từ thiện khác.

"Ông ấy hiền lành, được nhiều người cảm kích do không ngại khó, ngại khổ", anh Quang, 40 tuổi, một người thường xuyên chở nước đến trạm cứu trợ ở xã Tân Phước nói.

Anh Quang ở Bình Dương, thuê hai chiếc xe bồn giá 10 triệu chở nước sạch đến cho bà con trong huyện nên ở trạm khoảng hai ngày. Ông Minh sáng nào cũng lấy nước ở khu tập trung nên mọi người đều nhận ra.

Đây là lần thứ hai ông Minh làm công việc chở nước thiện nguyện cho bà con vùng hạn mặn. Năm ngoái, người đàn ông này cũng chạy xe ba gác về tỉnh Bến Tre để hỗ trợ.

Tối 12/4, ông Minh ngả lưng trên chiếc võng ở nhà dân, tranh thủ chợp mắt. Ông đi không mang theo quần áo, đồ đạc, cũng không biết ngày mình sẽ trở lại TP Thủ Đức.

"Chắc khi nào mùa hạn mặn qua đi, bà con không cần nữa tôi mới ngưng", ông Minh nói.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm