Theo các chuyên gia, Việt Nam là điểm đến hứa hẹn của dòng tiền đầu tư thế giới năm 2022 khi các thị trường xung quanh nóng lên. Thêm vào đó, gói kích thích nền kinh tế đang trông đợi được tung ra cùng với chính sách tín dụng có điều chỉnh, các chính sách quản lý thị trường, quản lý dữ liệu thị trường… được tập trung, hứa hẹn năm 2022 sẽ có nhiều tín hiệu tích cực.
Còn theo phân tích của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), sẽ có 3 kịch bản cho thị trường BĐS năm 2022. Kịch bản tích cực là thị trường BĐS giai đoạn 2022-2025 sẽ bước vào chu kỳ phát triển mới, với điều kiện dịch Covid-19 được kiềm chế, mũi tiêm thứ ba được triển khai chủ động; kinh tế mở cửa trở lại; các cơ chế chính sách cần thiết đang được chờ đợi (condotel-officetel); việc sử dụng đất hành lang công trình hạ tầng đưa vào đấu giá xây dựng theo quy hoạch, tạo vốn phát triển cơ sở hạ tầng… tạo điều kiện cho lĩnh vực đất đai, BĐS phát triển. Đây là kịch bản được mong đợi, nhưng đòi hỏi sự nỗ lực tham gia của nhiều bộ, ngành, cơ quan liên quan.
Kịch bản tiêu cực là thị trường BĐS sẽ có những diễn biến khó khăn, nếu dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và nền kinh tế diễn biến không như mong muốn; các chính sách về đất đai, BĐS không có chuyển biến tích cực; kinh tế thế giới và khu vực diễn biến phức tạp; kinh tế vĩ mô khó khăn. Đây là kịch bản không mong muốn, xác suất xảy ra thấp.
Kịch bản trung tính nằm giữa kịch bản tích cực và tiêu cực, trong đó yếu tố bất định về dịch Covid-19 trong năm 2022 được coi là ít có tác động đến thị trường BĐS. Vì vậy, với doanh nghiệp kinh doanh phát triển BĐS, việc tạo lập quỹ đất là vấn đề then chốt trong năm 2022 dù đứng trước kịch bản nào.
Đáng chú ý nhất thời điểm đầu năm là gói phục hồi và kích thích kinh tế tổng thể với quy mô 350.000 tỷ đồng đã được Quốc hội thông qua từ tháng 1/2022 với nhiều chính sách hỗ trợ, giải ngân trong năm 2022 và 2023. Đây được xem là bệ đỡ vững chắc cho thị trường BĐS.
Theo giới chuyên gia, Việt Nam đang theo đuổi chiến lược phục hồi kinh tế tương tự nhiều nền kinh tế khác, tất cả đều cần một gói phục hồi và kích thích kinh tế lớn giống như các quốc gia trên thế giới. Việc đưa ra các gói này sẽ đem đến lợi ích kép.
Lợi ích thứ nhất, dòng tiền giải ngân đầu tư công có thể hỗ trợ thị trường bất động sản thông qua các dự án hạ tầng giao thông kết nối vùng, giúp tài sản gia tăng giá trị.
Thứ hai, các gói kích thích kinh tế hồi phục góp phần tăng tiêu dùng, cải thiện sức mua, thúc đẩy nhu cầu sở hữu nhà đất để ở lẫn đầu tư.
Chia sẻ trên báo chí mới đây, TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cho hay, gói 350.000 tỷ đồng là tin tốt cho thị trường bất động sản trong bối cảnh khá trầm lắng kéo dài do dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, thông tin này chỉ tốt với một số vùng thực sự hưởng lợi từ hạ tầng và giá trước đó tăng chưa đủ mức, còn những vùng giá đất đã tăng cao thì không còn nhiều tác dụng.
Theo các chuyên gia, trong năm 2022, thị trường bất động sản đón nhiều cú hích từ giải ngân đầu tư công và các gói kích thích kinh tế được bơm vào thị trường. Tâm lý lo ngại tiền rẻ có thể khiến cho bất động sản tiếp tục là kênh thu hút dòng tiền của nhóm nhà đầu tư trường vốn (vốn dài hạn). Cơ hội tăng trưởng của thị trường bất động sản nhà ở và tài sản gắn liền với đất trong năm 2022 sẽ cao hơn so với năm 2021.
Ông Phạm Lâm, Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, thị trường BĐS năm 2022 được đánh giá là lạc quan, hấp dẫn, có những yếu tố hỗ trợ tăng trưởng mạnh mẽ hơn so với năm 2020 và 2021.
Cụ thể, năm 2022, chính sách về đầu tư công, tăng cường giải ngân cho các dự án hạ tầng giao thông là động lực thúc đẩy mạnh mẽ thị trường BĐS phát triển.
Hoạt động xuất nhập khẩu và FDI trong năm 2021 tuy có giảm nhưng vẫn tích cực, kéo theo BĐS công nghiệp và logistic từ đó gián tiếp dẫn đến BĐS nhà ở phát triển theo.
Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán dù có nhiều biến động nhưng vẫn rất tiềm năng phát triển. Đây là thị trường có sự liên đới trực tiếp đến thị trường BĐS. Như cách nói của nhiều người "chứng khoán còn xanh thì BĐS còn tươi".
Cơ chế chính sách trong việc cải thiện về quy trình thủ tục pháp lý, giải quyết tháo gỡ các vướng mắc khó khăn với dự án BĐS cũng đang được thúc đẩy, kì vọng sẽ tích cực trong năm 2022, tác động đến sự phát triển của thị trường BĐS.
Tiếp đến, Bộ xây dựng đang tăng cường chương trình Nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 và hướng đến 2030 trong đó tập trung nhà ở công nhân lao động và Nhà ở xã hội và Nhà ở vừa túi tiền. Đây cũng là động lực để thị trường BĐS phát triển.
Ngoài ra, trong bối cảnh tâm lý chống dịch đã bắt đầu ổn định và thích ứng, nhiều cơ hội cho các thị trường du lịch trong và ngoài nước mở rộng. Đó cũng là điểm tích cực.
Một yếu tố nữa đó là lãi suất cho vay đang ở mức hấp dẫn, nhiều nhà đầu tư có thể sử dụng đòn bẩy tài chính tham gia thị trường, từ đó giúp cho hoạt động đầu tư BĐS kì vọng khởi sắc.
"Có một điều không thể phủ nhận là từ trước đến nay, BĐS vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn, là tài sản tích luỹ ăn sâu vào tâm lý của người Việt. Họ làm gì cuối cùng cũng đi mua BĐS làm tài sản để dành. Chính quan điểm này là nền tảng tốt để thị trường BĐS còn cơ hội phát triển lâu dài ", ông Lâm khẳng định.
Cũng theo một số chuyên gia, dòng vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tăng mạnh cũng là "điểm tựa" cho thị trường BĐS năm 2022.
Bộ Xây dựng cho biết, trong năm 2021, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020.
Trong đó, lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ 3 với hơn 2,6 tỷ USD (chiếm 8,3%). Như vậy, so với năm 2020, dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản giảm khoảng 1,6 tỷ USD.
Nguyên nhân giảm là do tác động của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng nhận định, với tiềm năng và môi trường đầu tư được cải thiện, dòng vốn này sẽ được khơi thông, phát triển khi dịch bệnh được khống chế.
Bên cạnh các chương trình gói hỗ trợ, kích thích kinh tế và dòng vốn FDI thì sự chủ động chuyển mình của doanh nghiệp bất động sản, sàn giao dịch… cũng là yếu tố quan trọng góp phần thay đổi, tạo ra đột phá cho thị trường bất động sản.
Thực tế cũng cho thấy, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề do tác động của Covid-19, nhưng nhu cầu đầu tư và nhu cầu sở hữu nhà ở luôn rất lớn tại thị trường Việt Nam. Theo đó, các doanh nghiệp bất động sản cũng đã dần thích ứng với diễn biến thị trường và thay đổi mục tiêu, chiến lược trong năm 2022. Cụ thể đại dịch là cơ hội để các doanh nghiệp bất động sản nhìn nhận lại hoạt động như: Chất lượng sản phẩm; giá cả hợp lý và có nhiều phân khúc đáp ứng nhu cầu của người mua ở và cả đầu tư; pháp lý phải minh bạch; đặc biệt là ứng dụng công nghệ mới trong kinh doanh…