Những ngày gần đây video ông bố cosplay thành khủng long đón con gái tan học ở quận Hải Châu được chia sẻ trên nhiều diễn đàn, mạng xã hội, thu hút gần 8 triệu lượt xem sau hai ngày.
Trong video người bố mặc bộ khủng long đứng trước cổng trường gọi con: "Xin mời bạn Kim Hương, lớp 5/3 ra ngoài cổng, có một người cha rất đẹp trai, đáng yêu và dễ thương đang đợi...". Sau đó ông cõng con về trong khi cô bé cười phấn khích trên lưng bố.
Anh Phạm Thế Phương, 48 tuổi, chủ nhân của màn cosplay chia sẻ: "Vì muốn lưu lại kỷ niệm vui vẻ nên tôi tạo ra những tình huống, hóa trang hài hước khiến con gái bất ngờ". Đây không phải lần đầu tiên anh "gây bão" với màn đón con. Hồi tháng 1, video người đàn ông này mặc áo hoa sặc sỡ chờ con ở cổng trường cũng hút hơn 6 triệu lượt xem.
Anh Phương cho biết 5 năm trước con gái Phạm Hồ Kim Hương, 11 tuổi, bị phát hiện ung thư máu. Hiện bé được điều trị, uống thuốc ngoại trú tại Bệnh viện TƯ Huế. Vì có thuốc đặc trị nên sức khỏe của Hương tạm ổn định nhưng nguy cơ về một ngày cơ thể kháng thuốc vẫn chực chờ. Vợ chồng anh quyết định đồng hành cùng con và "biến thời gian còn lại của con chỉ toàn những ngày vui".
Chia sẻ về quan điểm và cách dạy con, anh Phạm Thế Phương cho biết không phải đến khi biết con mắc bệnh hiểm nghèo mà ngay từ nhỏ vợ chồng anh đã luôn hướng con đến những trải nghiệm cần có như tình yêu gia đình, đạo đức, nghị lực.
Năm Hương 3 tuổi đã được bố mẹ cho ngủ riêng phòng, 4 tuổi cô bé đã tự tin kể chuyện hay một mình hát trước đám đông. Đến 5 tuổi, Hương được bố mẹ đưa đến quán phụ giúp bán hàng bằng cách nói chuyện với khách, chào mời mua những sản phẩm bán thêm như sữa chua, hạt dẻ. Ban đầu cô bé có tật nói lắp nên rất ấp úng, nhưng sau thời gian luyện tập, Hương chào mời thành công người khách đầu tiên mua thêm hạt dẻ nướng khi ăn phá lấu tại quán.
Thành công này khiến Hương rất tự tin khi được thể hiện bản thân trước đám đông. Bởi vậy ở trên lớp, cô bé cũng luôn được chọn là người dẫn chương trình hay thuyết trình và đạt được nhiều giải thưởng của trường.
Năm 2019 khi cô con gái duy nhất mắc bệnh hiểm nghèo, vì muốn lưu giữ lại những ký ức đẹp cho cuộc đời con, anh Phương đã lên kế hoạch cho những chuyến đi xa. Người cha mất gần một năm nghiên cứu thiết kế, chế tạo thành công xe đạp đôi cho hai bố con.
Khác với xe đạp đôi ở những khu du lịch chỉ có hai bánh, xe của anh Phương có ba bánh. Người ngồi sau cũng phải hợp lực với người phía trước để chiếc xe di chuyển theo ý muốn. Sau khi hoàn thành, bố con anh Phương đã đạp đến các địa danh nổi tiếng ở Đà Nẵng, Quảng Nam, tổng quãng đường nay đã lên tới cả nghìn km.
"Có ngày hai bố con vượt 80 km đường núi để lên đỉnh Bàn Cờ hay qua đèo Hải Vân. Dù mất sức, nhưng Hương vẫn tuân thủ quy tắc mệt thì nghỉ, nhất quyết không được bỏ cuộc", anh Phương nói.
Người bố muốn rèn luyện cho con gái tính kiên trì nên dù có những đoạn đường khó, phải gồng mình đạp, nhưng cô bé chưa khi nào muốn dừng lại hay kêu ca đòi về.
Được rèn luyện tinh thần không ngại khó, ngại khổ nên khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở Đà Nẵng năm 2021, Hương rất hào hứng khi bố rủ vào rừng cắm trại. Gia đình ba người chỉ mang theo gạo, quần áo và những đồ dùng thiết yếu.
Hai tháng ở rừng, Hương được bố dạy những thứ thuộc về thiên nhiên, hướng dẫn tìm những loại rau dại có thể ăn, kỹ năng sinh tồn trong môi trường rừng núi khi đêm tối. Cô bé được bố cho xuống hồ mò trai bắt ốc làm thức ăn hay mặc sức vui chơi với mưa gió.
Dù con gái còn nhỏ nhưng anh Phương cho rằng, những chuyến đi hay trải nghiệm đã giúp Hương hiểu hơn nguyên tắc sống "Khi đối diện với những khó khăn và thử thách, con sẽ có động lực để vượt qua. Ít nhất, con đã cố gắng làm mọi việc mà không bỏ cuộc".
Từ năm 8 tuổi, Hương bắt đầu được bố đưa đi cùng những chuyến thiện nguyện ở những bản làng xa xôi.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất với cô bé là cùng bố trèo qua bốn quả núi trong 6 tiếng để đến được điểm trường Măng Ổi, huyện Nam Trà My trao quà cho học sinh. Tại đây, Hương được dẫn chương trình, được hát cho các bạn nghe và thấu hiểu hơn cuộc sống tại một trong những nơi hẻo lánh nhất tỉnh Quảng Nam.
Sau chuyến đi, cô bé 11 tuổi cũng thay đổi nhiều khi tự giác tự giặt sạch rồi gấp gọn những bộ quần áo không dùng tới. Giày dép, đồ dùng học tập cũng được giữ gìn cẩn thận để tích góp mang ủng hộ những bạn nhỏ ở vùng nghèo khó, nơi cô bé đã đặt chân tới.
Trong gia đình, vợ chồng anh Phương cũng đối xử với con như một người bạn mà không áp đặt phải làm theo ý mình. Người bố giải thích, cách hành xử này để con gái thấy tầm quan trọng của bản thân cũng như hiểu được sự tôn trọng của bố dành cho mình. Đây cũng là cách anh Phương dần trao cho con quyền quyết định một số vấn đề, lắng nghe quan điểm và đưa ra lời khuyên khi cần thiết.
"Ví như bệnh tình của con, tôi không giấu giếm mà nói rõ để con có trách nhiệm với bản thân khi cần phải uống thuốc cũng như luyện tập thể thao đúng giờ và đầy đủ", anh nói.
Được làm bạn với bố, Hương chưa bao giờ hết ngạc nhiên bởi những điều bất ngờ ông làm cho mình.
Ngoài những chuyến khám phá thế giới trên yên xe đạp, những lần đón ở cổng trường với những bộ đồ cosplay, cô bé 11 tuổi còn được bố hướng dẫn dùng trí tưởng tượng để vẽ tranh bằng cảm xúc của bản thân. Bởi vậy, Hương luôn ước mơ lớn lên làm họa sĩ, để ghi lại hình ảnh những nơi đã đi qua, những con người từng tiếp xúc.
"Cháu mong muốn có sức khỏe tốt để tiếp tục đồng hành cùng bố. Có bố bên cạnh, ở đâu mọi chuyện cũng rất tuyệt vời", cô bé 11 tuổi nói.