Với tiêu chí mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng trong việc đảm bảo chất lượng, tiết kiệm chi phí, doanh nghiệp hướng tới xây dựng một hệ sinh thái vật liệu xanh cho công trình, giúp các chủ đầu tư thành công hơn trong khâu tạo ra sự khác biệt của dự án.
Bên cạnh đó, sản phẩm của Nhựa Đồng Nai - thương hiệu của DNP Holdings được giới thiệu có khả năng chịu nhiệt cao, chống tia UV, chịu được va đập, chống áp lực nước lớn đối với công trình nhà cao tầng nên được nhiều đơn vị phát triển bất động sản, nhà thầu, đơn vị thi công trong nước và quốc tế tín nhiệm.
Năm 2021, doanh nghiệp đạt Chứng nhận đạt chuẩn Nhãn xanh - Green Mark ở Việt Nam trong lĩnh vực ống nhựa và phụ kiện. Để đạt sự phê chuẩn, nâng hạng và gắn Nhãn xanh, đại diện thương hiệu cho biết đã phải trải qua quá trình thẩm định nghiêm ngặt với các tiêu chuẩn khắt khe theo bộ đánh giá chất lượng của Hội đồng Công trình Singapore (SGBC). Đây là chứng nhận quan trọng để nhận biết giá trị của một dự án hay một công trình trong thị trường bất động sản.
Tại Việt Nam, DNP Holding là một trong những công ty nội địa tiên phong đủ tiêu chuẩn được nâng hạng Nhãn xanh cho nhóm sản phẩm này với các ưu thế về sản phẩm, chất lượng. Đó cũng là lý do khiến thương hiệu Việt này được ưu tiên trong các dự án bất động sản hướng đến yếu tố phát triển bền vững, môi trường sống xanh.
"Hơn 40 năm qua, đã có hàng nghìn công trình cấp thoát nước hạ tầng sử dụng ống và phụ kiện của Nhựa Đồng Nai", đại diện ban lãnh đạo doanh nghiệp cho biết.
Với những gì đã làm được, Nhựa Đồng Nai đã nhận danh hiệu Thương hiệu Quốc gia 2022 do Bộ Công thương và Hội đồng Thương hiệu Quốc gia tổ chức, vào ngày 2/11.
Chia sẻ thêm về định hướng tương lai, đại diện doanh nghiệp cho biết, trong 3 năm tới, thương hiệu phấn đấu dẫn đầu thị trường vật liệu vật tư xây dựng và xử lý nước cho mảng dự án cao tầng, cùng với vị thế dẫn đầu sẵn có trong mảng hạ tầng. Doanh số tăng trưởng ít nhất 300% hàng năm và gấp 10 lần sau 3 năm.
Nhóm sản phẩm ống nhựa và vật tư thiết bị cho hệ sinh thái cấp thoát nước trong 5 đến 10 năm tới sẽ phấn đấu dẫn đầu trong mảng hạ tầng cấp thoát nước, hoàn thiện bộ sản phẩm và giải pháp ngành nước, củng cố thị phần và gia tăng doanh số. Đồng thời, doanh nghiệp này cũng đặt mục tiêu thâm nhập sâu phân khúc thị trường xây dựng dân dụng gồm nhà ở, nhà cao tầng, khu dân cư, khu du lịch, tưới tiêu nông nghiệp.
Đồng hành cùng tốc độ đô thị hóa Việt Nam
Theo Bộ Xây dựng, tính đến tháng 6, tỷ lệ đô thị hoá của Việt Nam đạt 41%, thấp hơn so với các nước Đông Nam Á và châu Á. "Điều này cho thấy tiềm năng phát triển đô thị hóa trong tương lai là rất lớn", đại diện Nhựa Đồng Nai nhận định.
Savills cũng dự báo, dân số Việt Nam sẽ tăng từ 96 triệu người năm 2019 lên 120 triệu người vào năm 2050 với tỷ lệ đô thị hoá cả nước đạt 57%. Tầng lớp trung lưu hiện chiếm 13% dân số và được dự đoán sẽ lên mức 26% vào năm 2026. Do đó, nhu cầu nhà ở đô thị, đặc biệt là chung cư tạo tổng cầu lớn, tiềm năng kéo theo tăng trưởng đối với các lĩnh vực kinh doanh sản xuất có liên quan, trong đó có ngành nhựa với các sản phẩm ống nhựa dân dụng và phụ kiện.
Việt Nam hiện có khoảng 3.300 doanh nghiệp ngành nhựa hoạt động. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Hiếu - Tổng giám đốc DNP Holding cho biết việc chủ yếu phải nhập khẩu nguyên liệu nhựa khiến ngành nhựa Việt Nam nói chung khá nhạy cảm với biến động giá nguyên liệu nhựa trên thế giới và khu vực. Giá nguyên vật liệu đầu vào lại chiếm tới 70-80% trong cơ cấu chi phí sản xuất, điều này khiến biên lợi nhuận của các công ty bị ảnh hưởng lớn khi chi phí đầu vào tăng lên.
Trước tình hình đó, công ty Nhựa Đồng Nai giải quyết thách thức bằng cách đồng hành cùng quá trình đô thị hoá ở Việt Nam cũng như kiên định với các tiêu chí về chất lượng và sự bền vững, đồng thời coi trọng xu hướng xanh, thân thiện với môi trường thể hiện qua các dòng sản phẩm.