Tài chính

Những ‘cỗ máy in tiền’ khủng nhất lộ diện, nhưng lại khiến Tổng thống Mỹ phải đưa ra lời cảnh báo nghiêm khắc

"Cỗ máy in tiền" khủng nhất thế giới

Ngày 1/11, báo cáo tài chính mới nhất được công bố bởi tập đoàn năng lượng khổng lồ Saudi Aramco của Ả Rập Xê Út cho thấy, doanh thu của tập đoàn trong quý 3 năm nay là 163,7 tỷ USD, tăng 51% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận ròng là 42,43 tỷ USD.

Theo trang tin Sohu của Trung Quốc, đây có thể gọi là "cỗ máy in tiền" khủng nhất thế giới, tăng 39% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nếu xét lợi nhuận trong nửa đầu năm, tổng lợi nhuận ròng của Saudi Aramco từ tháng 1 đến tháng 9 năm nay đạt 130,3 tỷ USD, lập kỷ lục lợi nhuận cao nhất kể từ khi IPO.

Hưởng lợi từ kết quả kinh doanh tăng đột biến, tính đến cuối quý 3, dòng tiền tự do của Saudi Aramco đạt 45 tỷ USD, cũng là mức cao kỷ lục. Đòn bẩy tài chính của công ty thậm chí còn giảm xuống mức -4,1%. Đồng thời, Saudi Aramco đã công bố trả cổ tức 18,8 tỷ USD trong quý 3, bằng với quý 2 trước đó.

Những ‘cỗ máy in tiền’ khủng nhất lộ diện, nhưng lại khiến Tổng thống Mỹ phải đưa ra lời cảnh báo nghiêm khắc - Ảnh 1.

Báo cáo tài chính quý 3 năm 2022 của Saudi Aramco.

Theo thông tin công khai, Saudi Aramco là công ty dầu khí quốc gia của Ả Rập Xê Út, sở hữu các mỏ dầu trên đất liền và ngoài khơi lớn nhất thế giới.

So với năm đại gia dầu thô lớn khác trên thế giới (Exxon Mobil, Royal Dutch Shell, BP, Chevron và Total), Saudi Aramco có chi phí khai thác dầu thô thấp nhất. Lấy chi phí khai thác dầu thô tại thượng nguồn làm ví dụ, mỗi thùng dầu thô của Saudi Aramco có giá thành thấp nhất, chỉ 2,8 USD.

Đồng thời, sản lượng dầu thô của Saudi Aramco rất lớn, lên tới 10,5 triệu thùng dầu thô mỗi ngày trong quý 2. Hưởng lợi từ việc tăng sản lượng trong năm nay của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+), sản lượng dầu thô của Saudi Aramco đạt 11 triệu thùng/ngày trong tháng 9, gần với mức cao nhất trong lịch sử.

OPEC+ sẽ bắt đầu cắt giảm sản lượng trong tháng này, với lý do rằng cần có các biện pháp để chống lại nhu cầu năng lượng yếu ở các nền kinh tế lớn. Tuy nhiên, sản lượng dầu thô trung bình của Saudi Aramco trong năm nay vẫn có khả năng đạt mức cao nhất mọi thời đại.

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Saudi Aramco Amin Nasser cho biết trong một tuyên bố rằng, mặc dù giá dầu thô toàn cầu trong kỳ báo cáo tiếp tục bị ảnh hưởng bởi sự bất ổn kinh tế, nhưng về lâu dài, do thế giới cần nguồn năng lượng đáng tin cậy và giá cả phải chăng, nhu cầu dầu thô sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian từ nay đến năm 2030.

Ông Nasser cho biết thêm rằng, Saudi Aramco đang nâng cao năng lực sản xuất dầu khí dài hạn, đồng thời công ty sẽ nỗ lực để đạt được các mục tiêu giảm thiểu carbon đã đề ra trước đó.

Điều đáng nói là, với tư cách là một nguồn tài chính quan trọng của Ả Rập Xê Út, thành tích của Saudi Aramco đang giúp nền kinh tế Ả Rập Xê Út phát triển tốt. Hôm 31/10, dữ liệu sơ bộ được Ả Rập Xê Út công bố cho thấy, GDP trong quý 3 của nước này đã tăng 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do "gia tăng các hoạt động kinh tế liên quan đến dầu thô".

Lời cảnh báo nghiêm khắc của Tổng thống Mỹ

Theo trang Sohu, ngoài Saudi Aramco, các tập đoàn năng lượng khác cũng kiếm bộn tiền. Trong đó, lợi nhuận ròng của các công ty Mỹ là Exxon Mobil, Chevron và Shell trong 3 quý đầu năm lần lượt là 43,1 tỷ USD, 26,5 tỷ USD và 28 tỷ USD. Về vấn đề này, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã liên tục công kích: “Các tập đoàn dầu mỏ kiếm được nhiều hơn cả Chúa”.

Ngày 31/10, tại Nhà Trắng, ông Biden một lần nữa cảnh báo rằng, nếu các công ty năng lượng không hợp tác giảm giá xăng dầu, chính phủ Mỹ sẽ áp thuế bổ sung đối với họ.

Ông Biden cho rằng, lợi nhuận đáng kinh ngạc hiện tại của ngành năng lượng đến từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Thay vì hợp tác giảm giá để giảm bớt áp lực tiêu dùng của người dân, các công ty năng lượng Mỹ lại nhân cơ hội này để kiếm lợi nhuận kỷ lục, đây là điều không thể chấp nhận được.

Những ‘cỗ máy in tiền’ khủng nhất lộ diện, nhưng lại khiến Tổng thống Mỹ phải đưa ra lời cảnh báo nghiêm khắc - Ảnh 2.

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: AP

Trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Mỹ đã nêu tên đích danh Exxon Mobil và Shell. Ông chỉ ra rằng, lợi nhuận quý 3 của Shell là 9,5 tỷ USD, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái; trong khi 18,7 tỷ USD lợi nhuận của Exxon Mobil không chỉ gấp 3 lần so với năm ngoái, mà còn là mức cao nhất trong gần 152 năm.

Ông Biden lưu ý rằng, trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng toàn cầu, các công ty năng lượng có nghĩa vụ phải tăng sản lượng, và nếu họ không làm như vậy, ông sẽ kêu gọi Quốc hội xem xét áp đặt các loại thuế trừng phạt và hạn chế khác đối với các công ty năng lượng.

Tuy nhiên, ngành năng lượng Mỹ đã ngay lập tức có những phản ứng trước “lời đe dọa” của ông Biden.

Anne Bradbury - người đứng đầu Hiệp hội Thăm dò và Sản xuất Dầu mỏ Mỹ - đã phản ứng rằng, việc đánh thuế lợi nhuận sẽ chỉ làm giảm sản lượng nội địa ở Mỹ, đồng thời làm tăng sự phụ thuộc vào năng lượng nước ngoài.

Chet Thompson - người đứng đầu Hiệp hội các nhà sản xuất nhiên liệu và hóa dầu của Mỹ - thậm chí còn cho rằng, động thái của ông Biden chỉ là một "động tác giả chính trị" để tạo đà cho cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Với việc cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ quan trọng sẽ diễn ra sau vài ngày nữa, giá dầu cao có thể khiến Đảng Dân chủ của ông Biden mất quyền kiểm soát cả hai viện của Quốc hội Mỹ.

Đồng thời, một động thái lớn khác của chính quyền Tổng thống Biden cũng thu hút sự chú ý của thị trường. Ngày 1/11, Amos Hochstein - cố vấn năng lượng cấp cao của Tổng thống Mỹ cho biết, Mỹ cần mua 200 triệu thùng dầu để bổ sung cho Kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR). Ngoài ra, Tổng thống Biden sẽ tiếp tục thảo luận về chính sách năng lượng với Ả Rập Xê Út và gửi thông điệp tới các tập đoàn dầu mỏ để tái đầu tư lợi nhuận của họ nhằm nâng cao năng lực sản xuất.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm