Loạt thương vụ chuyển nhượng cổ phần nhóm Masan
Cuối tháng 6, phía Tập đoàn Masan (Mã: MSN) đã lên tiếng chính thức về thông tin SK Group có ý định thoái vốn tại tập đoàn bán lẻ này.
Masan thông tin: "Cả hai doanh nghiệp hiện đang trong giai đoạn cuối cùng về một lộ trình cụ thể, theo điều kiện thuận lợi của thị trường để SK Group giảm cổ phần sở hữu tại Masan Group. SK đã xác định được các nhà đầu tư chuyên nghiệp, có quy mô tầm vóc quốc tế và am hiểu hoạt động kinh doanh của Masan để chuyển nhượng cổ phần sở hữu tại Masan. Lộ trình này được xây dựng để bảo vệ và giúp tối đa hóa giá trị cho cổ đông của cả hai doanh nghiệp".
Trước đó, thông tin từ Maeil Business Newspaper, SK Group đang xem xét thoái vốn cổ phần tại các "gã khổng lồ" ở Việt Nam để thu hồi lại 1.000 tỷ won (khoảng 720 triệu USD) tiền đầu tư ban đầu.
Cùng động thái, cuối tháng 5, Mitsubishi Materials Corporation - cổ đông lớn thứ hai của CTCP Masan High-Tech Materials (Mã: MSR) đã hoàn tất chuyển nhượng gần 110 triệu cổ phiếu MSR, tương đương tỷ lệ sở hữu 10% vốn tại đây.
Sáng 30/5, thị trường UPCoM xuất hiện giao dịch thỏa thuận gần 110 triệu cổ phiếu MSR tại mức giá 14.800 đồng/cp, tương ứng với tổng giá trị 1.626 tỷ đồng. Bên bán ra là khối ngoại và lực cầu đối ứng là nhà đầu tư trong nước.
Với việc phía bán chia thành ba lô khi giao dịch thỏa thuận nên khả năng bên mua phân mảnh, khi đó sẽ không phải thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin sau khi thành cổ đông lớn.
Ở chiều ngược lại, trong tháng 5, MSR công bố ký kết hợp đồng mua bán với Mitsubishi Materials Corporation Group (MMC Group). Trong đó, MMC Group sẽ mua 100% H.C. Starck Holding (Germany) GmbH (HCS) từ MSR với giá 134,5 triệu USD.
Đồng thời, các bên ký kết thỏa thuận bao tiêu APT và oxit vonfram. Tập đoàn Masan sẽ giữ phần sở hữu tại Nyobolt, một công ty có trụ sở tại Vương quốc Anh chuyên cung cấp giải pháp pin sạc nhanh sử dụng vonfram và niobium ở cực anode. Tập đoàn Masan nói việc giữ đặc quyền hưởng một phần lợi nhuận tiềm năng khi công nghệ tái chế “black mass” do HCS phát triển được thương mại hóa.
Thông cáo từ Masan cho hay lượng tiền thu được từ giao dịch dự kiến sẽ giúp giảm nợ vay của MSR và góp phần vào mục tiêu giảm nợ ròng trên EBITDA của tập đoàn về mức ≤ 3,5x. Masan Group dự kiến sẽ ghi nhận khoản lợi nhuận một lần khoảng 40 triệu USD từ giao dịch này và hưởng lợi từ việc tăng lợi nhuận thuần sau thuế thêm 20 - 30 triệu USD trong dài hạn.
Ở chiều ngược lại, cuối tháng 4,Bain Capital đã hoàn tất giao dịch đầu tư 250 triệu USD vào Masan thông qua đợt phát hành riêng lẻ cổ phiếu ưu đãi cổ tức có thể chuyển đổi.
Giao dịch này là khoản đầu tư vốn cổ phần dưới hình thức cổ phần ưu đãi cổ tức có thể chuyển đổi được phát hành (CDPS) với giá 85.000 đồng/cp và có thể chuyển đổi thành cổ phần phổ thông với tỷ lệ 1:1. Mức cổ tức cố định của mỗi CDPS là 0% trong vòng 5 năm đầu tiên kể từ ngày phát hành.
Kể từ sau năm thứ 6 trở đi, mức cổ tức cố định của mỗi CDPS lên đến 10%/năm. Vào năm thứ 10 kể từ ngày phát hành, các CDPS đang lưu hành sẽ bắt buộc chuyển đổi thành cổ phần phổ thông của Masan Group.
Vingroup 'sang tay' cổ phần Vincom Retail
Đứng đầu là thương vụ Tập đoàn Vingroup thoái vốn khỏi CTCP Vincom Retail. Đầu tháng 4, Vingroup thông báo đã hoàn tất chuyển nhượng 55% vốn điều lệ Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Thương mại SDI - đơn vị sở hữu trên 99% vốn điều lệ của CTCP Kinh doanh thương mại Sado.
Sado là cổ đông lớn nhất nắm 41,5% cổ phần công ty Vincom Retail (Mã: VRE). Do vậy, Vingroup không còn là công ty mẹ của Sado và Vincom Retail.
Sau thương vụ này, nhóm cổ đông liên quan tới Vingroup còn nắm giữ tổng cộng 45% vốn của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Thương mại SDI. Riêng Vingroup sở hữu trực tiếp khoảng 15,77% vốn.
Nói về lý do thoái vốn, ông Nguyễn Việt Quang - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Vingroup cho biết: "Đây là thời điểm cần tập trung mọi nguồn lực để phát triển mạnh mẽ Vingroup và các thương hiệu trọng điểm, có tiềm năng tăng trưởng cao. Và để thực hiện bằng được sứ mệnh này, chúng tôi sẽ dồn toàn lực, nhất là nguồn lực tài chính để tạo đà phát triển đột phá trong giai đoạn bước ngoặt tiếp theo”.
Về quyền lợi nhà đầu tư, khách hàng sau khi Vingroup thoái vốn, ông Nguyễn Việt Quang nói rằng sẽ không có gì thay đổi gì trong mô hình tổ chức, quản lý, vận hành của Vincom Retail bởi Vingroup sẽ ký hợp đồng quản lý với Vincom Retail.
Theo đó Vingroup sẽ thay mặt Vincom Retail quản lý hoạt động của các trung tâm thương mại, quyền lợi của các khách thuê, chủ gian hàng tại vẫn được đảm bảo như đã cam kết theo các hợp đồng đã ký.
Theo nguồn tin từ cuộc họp nhà đầu tư của Vingroup, Chứng khoán Vietcap (VCSC) cho biết giá trị chuyển nhượng 100% cổ phần của SDI là 39.080 tỷ đồng. Giá chuyển nhượng này bao gồm phần sở hữu thực tế của SDI tại VRE (tương đương định giá 32.000 đồng/cp) và quyền hưởng lợi ích cổ đông thiểu số của SDI tại hai dự án bất động sản của Vingroup/Vinhomes là Vũ Yên và Hạ Long Xanh.
Ngoài ra, Vingroup cũng dự kiến tiếp tục chuyển nhượng 45% cổ phần của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Thương mại SDI trong năm nay.
Vingroup dự kiến ghi nhận lợi nhuận trước thuế 21.520 tỷ đồng từ giao dịch thoái vốn này. Đây là giao dịch bằng tiền và sẽ được ghi nhận vào bảng cân đối kế toán của Vingroup khi nhận tiền.
CTCP Tập đoàn Container Việt Nam (Viconship - Mã: VSC) đã công bố nghị quyết HĐQT thông qua giao dịch nhận chuyển nhượng vốn góp từ các thành viên góp vốn của Công ty TNHH Cảng Nam Hải Đình Vũ để nâng tỷ lệ sở hữu lên tối đa 100%.
Hiện Viconship đang sở hữu 35% vốn của Cảng Nam Hải Đình Vũ - đơn vị có vốn điều lệ 400 tỷ. Viconship dự kiến nhận chuyển nhượng tối đa 65% vốn từ Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Đoàn Huy và Công ty TNHH Thương mại Kim khí Xuất nhập khẩu Huy Hoàng.
Giá trị mỗi phần vốn nhận chuyển nhượng là 83.800 đồng/cp tương đương tổng số tiền giao dịch nhận chuyển nhượng là gần 2.179 tỷ.
Nguồn vốn thực hiện lấy từ nguồn thu trong đợt phát hành gần 133,4 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và nguồn vốn vay từ ngân hàng.
Đồng thời, HĐQT cũng ra thêm nghị quyết thông qua phương án vay vốn với tổng hạn mức 1.450 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam - chi nhánh Hải Phòng để thực hiện giao dịch trên.
Ở chiều ngược lại,HĐQT của Viconship vừa thông qua việc thanh lý hợp đồng hợp tác đầu tư và kinh doanh dự án Khách sạn Hyatt Place Hải Phòng giữa hai công ty con là Công ty TNHH MTV Dịch vụ Cảng Xanh, Công ty TNHH MTV Trung tâm Logistics Xanh với CTCP Tập đoàn T&D Group.
Báo cáo kiểm toán 2023 thông tin dự án khách sạn Hyatt Place Hải Phòng đã khởi công xây dựng và dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động từ năm 2024.
Tổng vốn góp đầu tư của toàn bộ dự án là 1.424 tỷ đồng. Trong đó các công ty con của Viconship góp gần 824 tỷ còn T&D Group góp 600 tỷ.
Không chỉ Viconship mà giữa tháng 4 năm nay, Gemadept thông báo đã hoàn tất thoái toàn bộ cổ phần tại Cảng Nam Hải cho đối tác là CTCP Nhật Việt (Vietsun) nên tỷ lệ sở hữu theo đó giảm từ 99,98% xuống 0%. Cảng Nam Hải có công suất thiết kế đạt 200.000 Teus, là cảng đầu tiên của Gemadept tại miền Bắc.
Theo báo cáo tài chính quý I, Gemadept ghi nhận khoản lãi chuyển nhượng gần 336 tỷ đồng từ thoái vốn. Khoản này được ghi nhận vào doanh thu tài chính.
MWG, Gelex bán cổ phần mảng kinh doanh chính
Ngoài các thương vụ trên thì còn một số thương vụ lớn đáng chú ý khác như giữa tháng 6, Sembcorp Solar Vietnam Pte Ltd vừa công bố hoàn tất việc mua lại phần lớn vốn góp tại ba công ty con thuộc hệ thống của Tập đoàn Gelex (Mã: GEX) trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Là một phần của thương vụ mua lại, Sembcorp cũng sẽ mua 73% cổ phần của một công ty con trong hệ thống của Gelex. Công ty này sở hữu nhà máy thủy điện công suất 49 MW.
Phía Sembcorp cho biết, dự kiến việc mua lại tài sản thủy điện 49 MW sẽ được hoàn tất vào nửa cuối năm 2024 sau khi đạt được các phê duyệt theo quy định.
Cập nhật về thương vụ này, SSI Research kỳ vọng việc thoái vốn khỏi các dự án năng lượng tái tạo của Gelex có thể hoàn thành trong quý II/2024, với lợi nhuận ước tính từ bán vốn khoảng 1.100 tỷ đồng. Hiện Sembcorp là nhà cung cấp giải pháp năng lượng và đô thị tích hợp có trụ sở tại Singapore.
Hay một thương vụ đáng chú ý trong nhóm bán lẻ là ngày 9/4, công ty đầu tư Trung Quốc CDH Investments thông báo đã hoàn thành thương vụ mua 5% cổ phần tạiCTCP Đầu tư và Công nghệ Bách Hóa Xanh - sở hữu chuỗi Bách Hoá Xanh - đơn vị thuộc CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (Mã: MWG).
Theo một hồ sơ Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM gửi cho CDH mà Reuters tiếp cận được, giá trị thương vụ là 1.800 tỷ đồng, tương đương hơn 72 triệu USD.
Số tiền thu được từ đợt chào bán sẽ được dùng để tài trợ nhu cầu hoạt động và phát triển kinh doanh nói chung của Công ty Đầu tư Bách Hoá Xanh và CTCP Thương mại Bách Hóa Xanh (công ty con của Đầu tư Bách Hoá Xanh).
Trong tháng 5,HĐQT CTCP Quốc Cường Gia Lai (Mã: QCG) đã thông qua việc chuyển nhượng dự án và các tài sản khác ở Nhà máy Thủy điện Ia Grai 2, Nhà máy Thủy điện Ayun Trung thuộc công ty con CTCP Đầu tư Xây dựng Thủy điện Quốc Cường (QCG nắm 90% vốn) trong quý II, quý III năm nay.
Nhà máy thủy điện Ia Grai 2 sẽ được chuyển nhượng với giá trị 235 tỷ đồng. Dự án có công suất 7,5 MW (gồm hai tổ máy), nằm ở xã Ia Tô, Ia Grawng, Ia Khai, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai.
Còn Nhà máy thủy điện Ayun Trung có giá trị chuyển nhượng 380 tỷ đồng. Dự án này có công suất lắp máy 13 MW, có địa chỉ tại xã Kon Thụp, huyện Mang Yang và xã Trang, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai. Tổng giá trị chuyển nhượng của hai nhà máy thuỷ điện là 615 tỷ đồng.