Trong phiên giao dịch đầu tiên của năm 2023, chỉ số VN-Index tăng 3,66% lên gần 1.044 điểm, VN30-Index thêm 4,18% và đóng cửa ở 1.047 điểm. HNX-Index và UPCoM-Index cũng tăng lần lượt 3,53% và 1,05%.
Nhóm Vingroup và cổ phiếu ngân hàng góp công lớn trong việc thúc đẩy VN-Index trong phiên 3/1. Cụ thể, mã BID của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) giúp chỉ số thị trường có thêm 3,3 điểm, VCB của Vietcombank đóng góp 3,09 điểm. Một cổ phiếu ngân hàng khác là TCB của Techcombank giúp VN-Index tăng 1,41 điểm.
Trong một diễn biến mới đây, hơn 6,32 triệu cổ phiếu TCB do Techcombank phát hành cho người lao động theo chương trình ESOP đã được niêm yết bổ sung trong ngày 27/12/2022. Các cổ phiếu này sẽ được bắt đầu giao dịch kể từ ngày 30/8/2023.
Nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng hôm nay không có mã nào kịch trần nhưng xu hướng tích cực lan tỏa rộng khắp. Noại trừ EIB và SGB giảm sút, PGB và VAB đứng tham chiếu, còn lại 23 cổ phiếu ngân hàng khác đóng cửa trong sắc xanh.
BID và TCB đi lên tương ứng 6,7% và 6,2%. VCB có mức tăng khiêm tốn hơn là 6,2% nhưng nhờ vốn hóa khổng lồ nên tác động của VCB tới VN-Index phiên hôm nay vẫn rất lớn. Biểu đồ bên dưới cho thấy VCB hiện là cổ phiếu có giá trị thị trường lớn nhất HOSE và cao hơn 80% so với cái tên đứng ngay sau là VIC.
Cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup là mã có vốn hóa đứng thứ hai thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ sau VCB, đồng thời là mã có tác động tích cực thứ ba tới VN-Index trong phiên hôm nay 3/1.
Cổ phiếu hai công ty con của Vingroup là VHM của Vinhomes và VRE của Vincom Retail cũng góp mặt trong top 10 thúc đẩy chỉ số. VRE kết phiên trong sắc tím với mức giá 28.100 đồng/cp, tương đương vốn hóa 63.852 tỷ đồng.
Một cổ phiếu VN30 khác cũng tăng kịch trần trong phiên hôm nay là HPG của Tập đoàn Hòa Phát, giúp VN-Index có thêm 1,83 điểm. Nhiều tên tuổi nhỏ hơn của ngành thép cũng đồng loạt tăng hết biên độ như HSG của Tập đoàn Hoa Sen, NKG của Thép Nam Kim, VGS của Thép Việt Đức.
HPG còn là cổ phiếu dẫn đầu thanh khoản thị trường ngày hôm nay cả về khối lượng (28 triệu đơn vị) lẫn giá trị khớp lệnh (gần 532 tỷ đồng). Bảng thống kê dưới đây cho thấy cổ phiếu HAG của Hoàng Anh Gia Lai đứng thứ hai về khối lượng khớp lệnh (23,8 triệu đơn vị).
Kết phiên 3/1, HAG tăng 3,6% dù Hoàng Anh Gia Lai mới công bố thông tin về việc không thể trả khoản nợ hơn 1.000 tỷ đồng đến hạn vào ngày 30/12/2022 và muốn được hoãn thanh toán đến quý II/2023.
Các cổ phiếu còn lại trong top 10 tác động tích cực tới VN-Index phiên hôm nay bao gồm GAS của Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS), MSN của Tập đoàn Masan, và VNM của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk).
Trong thời gian từ 1/12 đến 30/12/2022, Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư SCIC đăng ký bán toàn bộ 1,1 triệu cổ phiếu VNM nhưng thực tế chỉ bán 50.000 đơn vị. Lý do không bán hết là “biến động thị trường”.
Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) hiện là cổ đông lớn nhất của Vinamilk với tỷ lệ sở hữu 36%.