Đóng cửa phiên giao dịch cuối tháng 12, VN-Index dừng tại mốc 1.007,09 điểm, giảm 41,33 điểm, tương đương giảm 3,94% so với tháng liền trước.
Mặc dù dòng tiền thận trọng hơn trong các phiên giao dịch cuối năm, tính chung cả tháng thanh khoản tăng 22,32% so với tháng 11, tăng 13,1% so với thanh khoản trung bình 5 tháng nhưng giảm 26,5% so với trung bình 20 tháng gần đây.
Trong tháng 12, nhóm ô tô và phụ tùng, du lịch và giải trí tăng mạnh nhất trong khi cổ phiếu bất động sản, chứng khoán giảm mạnh nhất. Tính từ đầu năm các ngành truyền thông, chứng khoán, thép, bất động sản nằm trong top giảm điểm trên 50%.
Tổ chức trong nước mua ròng mạnh nhất cổ phiếu ngân hàng
Theo thống kê từ Fiintrade, nếu tính riêng giao dịch khớp lệnh thì mua ròng của các tổ chức trong nước chiếm ưu thế khi diễn ra ở 13/18 nhóm ngành.
Trong đó cổ phiếu ngân hàng vươn lên trở thành tâm điểm thu hút dòng tiền của các tổ chức nội với quy mô đạt 769 tỷ đồng. Lực cầu từ tổ chức trong nước cũng lan tỏa sang nhóm chứng khoán, bán lẻ với giá trị vào ròng lần lượt là 303 tỷ đồng và 315 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, hoạt động giải ngân mạnh mẽ của tổ chức nội cũng được chứng kiến ở nhóm dầu khí (174 tỷ đồng), công nghệ thông tin (152 tỷ đồng), hóa chất (149 tỷ đồng), xây dựng & vật liệu (130 tỷ đồng), thép (112 tỷ đồng), ….
Ở chiều ngược lại, NĐT tổ chức trong nước bán ròng mạnh nhất cổ phiếu nhóm bất động sản với 495 tỷ đồng, quy mô giảm gần một nửa so với tháng trước đó. Trong tháng 12, ngành địa ốc vẫn là tâm điểm bán ròng của các tổ chức nội trong bối cảnh ngành này diễn biến phân hóa.
Áp lực bán giải chấp ở nhiều cổ phiếu trong ngành như PDR, NVL, DIG, CEO, L14, … nhìn chung đã hạ nhiệt tuy nhiên sắc đỏ vẫn chiếm ưu thế. Tính từ đầu năm, cổ phiếu địa ốc giảm mạnh thứ hai trên thị trường với tỷ lệ mất giá gần 51%.
Nhóm ngành còn lại chịu áp lực bán ròng là thực phẩm & đồ uống (113 tỷ đồng), du lịch & giải trí (51 tỷ đồng), hàng & dịch vụ công nghiệp (50 tỷ đồng), hàng cá nhân & gia dụng (7 tỷ đồng).
Cổ phiếu nào được mua/bán ròng mạnh nhất?
Giao dịch lớn của tổ chức trong nước tuần chủ yếu tập trung ở loạt bluechips trong rổ VN30, cụ thể là nhóm ngân hàng. Trong top 5 mã được mua ròng nhiều nhất tháng 12, có tới 4 đại diện đến từ nhóm ngân hàng. Cụ thể, cổ phiếu VPB của VPBank dẫn đầu với giá trị mua ròng lớn nhất lên tới 371,5 tỷ đồng.
Cùng chiều, một số đại diện khác của các nhà băng nằm trong danh mục giải ngân như MBB (308,4 tỷ đồng), STB (263,7 tỷ đồng), TCB (258,6 tỷ đồng).
Mã cuối cùng trong top 5 gom ròng là MWG của Thế giới Di động với quy mô 286,3 tỷ đồng.
Liên quan đến giao dịch cổ phiếu MWG, vừa qua nhóm quỹ Dragon Capital đã bán 6,65 triệu cổ phiếu MWG của CTCP Đầu tư Thế giới Di động trong phiên giao dịch ngày 26/12.
Quỹ thành viên Amersham Industries Limited bán 3 triệu đơn vị, DC Developing Markets Strategies Public Limited Company bán 1,5 triệu đơn vị, KB Vietnam Focus Balanced Fund bán 150.000 đơn vị, Norges Bank bán 1 triệu đơn vị và Vietnam Enterprise Investments Limited bán 1 triệu đơn vị.
Sau giao dịch, số lượng cổ phiếu MWG mà nhóm quỹ Dragon Capital nắm giữ giảm từ 148,1 triệu đơn vị xuống 141,45 triệu đơn vị, tỷ lệ sở hữu giảm tương ứng từ 10,12% xuống 9,66%. Tạm tính theo giá kết phiên 26/12 là 42.600 đồng/cp, ước tính Dragon Capital thu về số tiền hơn 283 tỷ đồng sau khi thực hiện giao dịch trên.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu TPB của TPBank chịu áp lực rút vốn mạnh nhất với giá trị xả ròng 888,3 tỷ đồng. Giao dịch của tổ chức nội đối ứng với lực cầu của các NĐT cá nhân (868,2 tỷ đồng) và tự doanh (22,6 tỷ đồng).
Ở nhóm ngân hàng, cổ phiếu TPB là mã giảm sâu nhất năm qua khi thị giá bốc hơi gần một nửa, từ 41.050 đồng/cp xuống 21.400 đồng/cp.
Theo dõi giao dịch của tổ chức trong nước, dòng tiền tiếp tục rút khỏi các cổ phiếu bất động sản như VIC và SZC với giá trị rút ròng lần lượt là 569,7 tỷ và 94,6 tỷ đồng. Giao dịch bán ròng còn được chứng kiến ở SBT (244,1 tỷ đồng) và GEX (165,9 tỷ đồng).