Mới đây, một người dùng đã đăng tải video trên mạng xã hội Tiktok kể lại hành trình tự tay trồng và tạo nên một cây Bonsai của mình. Sau khi đăng tải, video nhận được hơn 15 triệu lượt xem cùng với hàng ngàn lượt yêu thích và bình luận từ cộng đồng.
Theo nội dung trong video được đăng tải, khi đang đi trên đường, chàng trai bắt gặp một cây đa dại nhỏ ở vỉa hè. Không chần chừ, anh đã dừng lại và nhổ cây lên để đem về nhà. Về đến nhà, bằng kỹ thuật chăm sóc, anh cho cây vào một chậu cây, dùng dây nhôm cố định thân và uốn cây.
Bằng những thao tác điêu luyện, cây đa dại ven đường giờ đã được “thay áo” mới, biến thành một cây Bonsai nhỏ vô cùng đẹp mắt.
Ở phần bình luận của video, đa phần người xem đều cảm thấy trầm trồ ngưỡng mộ trước thành quả của chàng thanh niên, cùng với đó là những ý kiến muốn học hỏi, tham khảo kinh nghiệm trồng cũng như chăm sóc bonsai.
“Đúng là giá trị của bạn sẽ được tìm thấy khi gặp đúng người. Anh khéo quá!”
“Khéo tay thật. Từ cái cây dại ven đường mà thành tác phẩm có hồn luôn.”
“Từ cây miễn phí thành hàng trăm nghìn thậm chí hàng triệu ấy chứ.”
Bonsai là gì?
Bonsai có nguồn gốc từ Trung Quốc, sau đó nó được phổ biến sang Nhật Bản và Hàn Quốc. Một số người phát hiện trên núi có các cây nhỏ, mọc hoang dã giống cây cổ thụ, có sức sống mãnh liệt trong mọi điều kiện khó khăn. Sau đó, họ đem chúng về, trồng trong chậu nhỏ và cắt tỉa, uốn sửa tạo dáng cho đẹp hơn.
Trong tên gọi Bonsai, “bon” có nghĩa là cái khay, cái chậu; “sai” là cây. Sau khi được con người cắt, tỉa, tạo dáng ấn tượng, những cây bonsai mang tính thẩm mỹ cao, đem lại sự trang nhã cho không gian trưng bày.
Vì vậy, có thể coi cây bonsai là một “tác phẩm sống”, là nghệ thuật điêu khắc sống của những nghệ nhân làm vườn tài hoa, yêu cái đẹp, yêu thiên nhiên.
Những cây bonsai được con người cắt tỉa, tạo kiểu, thổi hồn vào, từ đó được ví như những tác phẩm nghệ thuật sống. (Ảnh minh họa)
Nghệ thuật trồng Bonsai
Nghệ thuật trồng và chơi Bonsai đã du nhập và phổ biến ở Việt Nam cách đây từ khá lâu. Một số vùng nổi tiếng và được biết đến nhờ nghề trồng Bonsai có thể kể tới như: Làng du lịch sinh thái Điền Xá (Nam Định), Làng Nghi Tàm, Quảng Bá (Hà Nội), Làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp) hay Làng Cái Mơn (Bến Tre)…
Để tạo ra được một tác phẩm Bonsai đẹp mắt, người trồng còn được coi là người nghệ nhân, sẽ phải chăm chút, tỉ mỉ trong từng công đoạn một. Làm thế nào để giữ cho chúng được sống thọ, làm thế nào để không xảy ra sai sót, tai nạn trong lúc uốn cây, dùng loại chậu như thế nào cho phù hợp…
Cũng bởi những yêu cầu, phương pháp đặc biệt như thế mà giá thành của một cây Bonsai thường khá cao so với các loại cây thông thường khác. Ở các làng nghề, trồng và chăm cây Bonsai được coi là một nghề kiếm thu nhập chính của nhiều gia đình.
Trồng và chăm cây bonsai được coi là nghề kiếm thu nhập chính, ổn định ở nhiều làng nghề. (Ảnh minh họa)
Lựa chọn Bonsai phù hợp với không gian
Bonsai phù hợp với hầu hết các loại không gian, từ không gian nhà ở, văn phòng đến chiếc sân hay mảnh vườn nhỏ trước nhà. Chỉ cần người chơi có thẩm mỹ, biết cách sắp xếp chúng một cách hợp lí, bonsai sẽ tô điểm, nâng tầm giá trị cho không gian lên rất nhiều.
Nhìn chung, các cây cảnh này được đặt ở các vị trí trang trọng, dễ nhìn, thuận tiện cho chăm sóc và đặc biệt có ý nghĩa phong thủy như phòng khách, ngoài trời và bàn làm việc. Có những cây có kích thước lớn, cao đến cả mét, hay có những cây mini, chỉ khoảng 2 tấc. Tùy vào vị trí, ta sẽ chọn đến kích thước của các cây Bonsai.
Tiếp đến, ta sẽ nhìn vào dáng hay còn gọi là thế của các cây này. Chọn loại cây được uốn mình uyển chuyển, nhẹ nhàng, hay những cây có thế sừng sững, rắn rỏi thì còn tùy thuộc vào sở thích của gia chủ.
Có cả những cây Bonsai mini đến những cây Bonsai cao đến cả mét để người dùng lựa chọn theo sở thích cũng như nhu cầu. (Ảnh minh họa)
Khi đã hoàn thành việc chọn Bonsai, sau đó là cả quá trình bạn phải chăm sóc chúng sao cho đúng kỹ thuật để cây không chết, đánh mất đi giá trị nghệ thuật và đồng nghĩa lãng phí một khoản tiền không nhỏ.
Ánh sáng: Nhìn chung, các loại cây cảnh Bonsai thường là cây ưa nắng. Để cây phát triển tốt nhất, mỗi ngày cần phơi nắng cho cây ít nhất 3 tiếng.
Tưới nước: Nhiều người thường lầm tưởng rằng cứ tưới nhiều nước thì sẽ càng tốt, tuy nhiên, đôi lúc việc tưới quá nhiều nước sẽ dẫn tới cây bị ngập úng, dẫn đến chết. Vì vậy, lượng nước tưới cần được phù hợp với từng loại cây.
Đặc biệt, trong chăm sóc Bonsai, một số lời khuyên từ những nghệ nhân đó là có thể sử dụng nước vo gạo để vài ngày cho chua để tưới, từ đó sẽ tốt cho cây.
Nước vo gạo được coi là một phương pháp chăm Bonsai hay, được nhiều nghệ nhân khuyên thực hiện. (Ảnh minh họa)
Phân bón: Để giúp cây phát triển tốt nhất, nên sử dụng phân hữu cơ, các loại phân chuồng, phân xanh được ủ qua 2 lần một lần ủ hoai và một lần phơi nắng. Trong những loại phân này có chứa các loại vi khuẩn đã được làm sạch lại chứa nhiều vi sinh vật có ích cho cây trồng.
Dinh dưỡng khác: Bạn phải thường xuyên kiểm tra tình trạng lá cây để kịp thời điều chỉnh dinh dưỡng trong đất cho cây. Nếu lá vàng, xanh nhạt là do thiếu sắt, nếu nhiều đốm vàng hay nâu thì đất trồng nhiều kali quá.