Hàng năm, có biết bao sĩ tử dùi mài kinh sử để mong được bước chân vào cổng trường đại học mơ ước. Tuy nhiên, đâu đó chúng ta vẫn nghe những phản biện ngược lại, rằng có biết bao nhiêu người không học đại học mà vẫn thành công vang dội, giàu có tột đỉnh. Cũng sẽ có lúc cha mẹ chúng ta phải "tranh cãi" với con cái về những lý lẽ như vậy nếu chúng không muốn học đại học.
Theo chuyên gia Bùi Khánh Nguyên, đại học là nơi dạy cách tư duy, biến một cậu thiếu niên thành một người thực sự trưởng thành, có tư duy độc lập. Nếu một đứa trẻ học xong lớp 12, tư duy của nó vẫn còn phụ thuộc vào những gì học được trong sách giáo khoa, từ sự rèn cặp của cha mẹ và ảnh hưởng của người khác như thầy cô, thì đại học là nơi dạy cho các thanh niên tư duy bằng chính cái đầu của mình chứ không phải của ai khác.
Đi học đại học là để trở thành người có tư duy độc lập. Không nhất thiết tất cả mọi người đều phải vào đại học, nhưng đại học làm tăng năng lực nhận thức của mỗi người, cái chúng ta gọi là "dân trí" (nhận thức, văn hóa) trong chính chúng ta.
Ảnh minh họa
Anh cũng chỉ ra một vài điểm liên quan đến chuyện không học đại học.
1. Dừng đại học, nhưng không ngừng học
Những trường hợp thành công chúng ta nghe thấy thường là rất cá biệt. Họ không học đại học, thậm chí bỏ dở đại học cỡ như Harvard. Một lý giải sai lầm của chúng ta là họ "không thèm" học đại học nghĩa là những gì đại học dạy là vô bổ. Cách hiểu này sai.
Hầu hết những tỷ phú thành công bỏ học đại học vì họ đã có ý tưởng và dự định khởi nghiệp từ trước, và bỏ đại học là vì họ buộc phải lựa chọn toàn tâm toàn ý cho khởi nghiệp, nếu không cơ hội sẽ đi qua. Hoặc cũng có thể họ nhận ra việc học ở các trường đại học nghiên cứu lớn không cuốn hút họ. Và sự thật là họ chỉ gác lại việc học đại học, chứ họ không ngừng học. Nếu không muốn nói họ là người học gấp 5 gấp 10 lần người bình thường để có thể thành công, nhưng học bằng cách khác. Do vậy, khi một bạn trẻ mà còn lông bông không biết mình muốn làm gì trong đời, việc bỏ học đại học để cho giống với những người nổi tiếng là một điều dại dột.
2. Học đại học đảm bảo cuộc sống trung lưu
Học đại học ngày nay là con đường dẫn tới cuộc sống trung lưu. Tức là nó đảm bảo một vị thế nhất định trên thị trường lao động và trong xã hội. Khi mà một bạn trẻ chưa có gì để khẳng định mình, thì học đại học là một con đường phổ biến để bạn được đào tạo và chuẩn bị cho một nghề nghiệp tương lai. Tự nuôi sống được chính mình là biểu hiện đầu tiên của một thanh niên trưởng thành. Ngay cả khi còn chưa có một nghề nghiệp để kiếm sống, mà thanh niên bàn nhau không học đại học, thì đó chỉ là sự biện minh.
3. Mở quán phở, quán cà phê thông thường thì không phải là khởi nghiệp
Tôi phải nói rõ đây là ý kiến của ông Trương Gia Bình, chứ không phải của tôi, nhưng tôi đồng ý với ý kiến này. Khởi nghiệp (start-up) là phải tạo ra cái mới. Nếu bán phở theo mô hình chuỗi như Phở 24, hay bán bánh pizza giao bằng máy bay mô hình thì đó có thể là khởi nghiệp. Còn lại bán phở, cà phê thông thường, ông Bình gọi là "lập nghiệp". Nhiều bạn trẻ lấy lý do không đi học đại học để đi bán café, cạnh tranh không lại với những tiểu thương dày dạn kinh nghiệm đường phố, rồi thất bại, đó là vì mô hình kinh doanh không có gì mới. Nếu con cái chúng ta có tư duy khởi nghiệp như vậy để thoái thác việc học đại học, chúng ta cần trao đổi lại.
4. Những trường hợp không nên cố học đại học
Tôi hay gặp những trường hợp học sinh tỉnh xa nhà nghèo đỗ đại học, cha mẹ gắng sức lo cho các em học xong đại học tới mức suy sụp cả kinh tế gia đình. Thậm chí là bán đất cho con du học, nhưng sau đó trong vòng 5 năm không kiếm được việc làm, cả cha mẹ và con cái đều bị áp lực. Với những sinh viên thiếu hụt tài chính, nếu tìm được nguồn học bổng hỗ trợ cho các em để các em học đại học thì rất hay. Nhưng nếu không thể, thì đừng bán nhà bán cửa chỉ để học đại học. Có những lựa chọn khác thực tế hơn nhiều.
Những em như vậy nên học nghề để nhanh ra kiếm việc, kiếm tiền, sau khi đã có thu nhập có thể tiếp tục học đại học hoặc học liên thông lên đại học. Ở nước khác cũng như vậy, sinh viên nghèo nếu không có được học bổng để học đại học hoặc không vay được tiền chính phủ để trả học phí, sẽ ưu tiên học cao đẳng nghề để nhanh đi làm thay vì chọn học đại học và đẩy tài chính gia đình vào vực thẳm.
Tôi đã chứng kiến nhiều sinh viên sau khi được các tổ chức, cá nhân hỗ trợ để có tài chính nhập học ban đầu ở thành phố, nhưng sau đó không đi làm thêm được để trang trải cuộc sống những ngày tiếp theo đó, đã vô cùng vất vả. Các mạnh thường quân không hề biết trong trường hợp đó, việc cố kéo các em nhập học đại học đã không giúp được các em. Các em có thể đỡ vất vả hơn nếu học một trường cao đẳng nghề ở gần nhà, tốn ít chi phí, nhanh ra trường, có nghề sớm, có thể kiếm tiềm sớm để tiếp tục học liên thông lên đại học sau này.
5. Cha mẹ tài trợ cho học đại học, nhưng không nên tài trợ học thạc sĩ
Ở Việt Nam, ngân hàng chính sách xã hội có cho sinh viên vay tiền đóng học phí. Tuy nhiên, hầu hết cha mẹ Việt Nam đều lãnh trách nhiệm bảo trợ học phí học đại học cho con. Điều này là rất tốt. Cha mẹ có tiền tích lũy, bảo trợ học phí cho con bậc đại học là vô cùng đáng quý, vì sinh viên sau khi ra trường thì không phải nợ chính phủ như sinh viên Mỹ hay các nước châu Âu (trừ những nước chính phủ tài trợ phần lớn học phí đại học).
Tuy nhiên, cha mẹ không nên tài trợ tới học thạc sĩ, tiến sĩ như tôi từng thấy. Tới cấp sau đại học, thanh niên phải trả bằng tiền của mình kiếm được dù thông qua học bổng hay tiền lương, tiền tích lũy. Con học xong đại học, thậm chí du học đại học, xong không có việc làm, cha mẹ tài trợ cho học lên cao thực ra không giúp các em trưởng thành. Ngay cả sinh viên đi du học bằng tiền cha mẹ, cha mẹ nếu có tài trợ, cũng chỉ nên tài trợ một nửa, một nửa cho vay trả lại trong thời hạn 5-10 năm.
6. Những người không học đại học
Có những bạn trẻ không học đại học nhưng vẫn thành công, thành danh. Bùi Tiến Dũng vẫn thành thủ môn quốc dân, Đen Vâu vẫn thành nhạc sĩ triệu view, Nguyễn Ngọc Tư vẫn thành nhà văn nổi tiếng… dù họ chỉ học hết lớp 12. Có một số tài năng trong thể thao, nghệ thuật có thể thành công không phụ thuộc nhiều vào việc học đại học, họ vẫn thành công, vẫn kiếm sống tốt, vẫn nổi tiếng, vẫn có địa vị xã hội. Nhưng số lượng những ngành nghề như vậy không nhiều.
Xã hội hiện đại ngày càng hướng tới sự chuyên nghiệp, ai cũng phải được đào tạo chuyên sâu. Việc có năng khiếu để bước vào nghề chỉ là thuận lợi ban đầu, còn sau đó khi hoạt động nghề nghiệp lại càng đỏi hỏi học cao hơn. Nếu bạn phỏng vấn những người bỏ qua việc học đại học, rất có thể họ cũng rất muốn đi học đại học. Với các nghề nghiệp như nghiên cứu, giảng dạy, khoa học kỹ thuật, bác sỹ, luật sư… có mức độ chuyên môn cao thì học đại học là tiêu chuẩn tối thiểu.
Nhiều bạn trẻ là cử nhân kinh tế, thấy mình kiếm tiềm không bằng mấy người bán hàng online hay môi giới nhà đất, đã vội vàng phủ nhận giá trị của việc học đại học là cách suy nghĩ chưa chín chắn.
*Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả, không thuộc về tòa soạn.
Anh Bùi Khánh Nguyên tốt nghiệp Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Ngoại thương TP. HCM, Thạc sỹ Truyền thông, Đại học Stirling (Vương quốc Anh), và MBA của Đại học Hawaii (Hoa Kỳ) tại Việt Nam. Bùi Khánh Nguyên từng là giáo viên tiếng Anh, hiện là diễn giả độc lập về giáo dục.
Ngoài ra, Bùi Khánh Nguyên có niềm đam mê và động lực mạnh mẽ với sáng tác ca khúc. Anh vừa cho ra mắt album "Muôn dặm tình yêu", gồm 10 bài hát trải theo dặm dài đất nước từ Bắc vào Nam, gắn liền với các vùng văn hóa Việt Nam. 10 bài hát này được chọn lọc từ những sáng tác đầu tay của tác giả, ra đời trong thời gian dịch COVID-19 kéo dài hơn hai năm qua.
Anh còn cho biết thêm, dù là một giáo viên tiếng Anh và thường xuyên chia sẻ cách hỗ trợ học sinh Việt Nam học tốt tiếng Anh, anh vẫn muốn các em học giỏi tiếng Việt, có khả năng cảm thụ những tác phẩm thể hiện đỉnh cao của nghệ thuật ngôn ngữ trong tiếng Việt, đó chính là thơ ca. Và tác giả hy vọng những bài hát sẽ giúp người Việt thêm yêu đất Việt.