Phiên giao dịch 26/8 ghi nhận diễn biến đáng chú ý khi Ngân hàng Nhà nước đã dừng chào bán tín phiếu. Đây là lần đầu tiên trong nhiều tháng trở lại đây, Ngân hàng Nhà nước không phát hành tín phiếu mới.
Trước đó, trong phiên 5/8, Nhà điều hành cũng đã giảm lãi suất tín phiếu từ mức 4,5%/năm xuống còn 4,25%/năm, rồi giảm tiếp về 4,2% trong phiên 20/8 và còn 4,15% trong phiên 23/8.
Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước vẫn duy trì kênh hỗ trợ thanh khoản qua hoạt động cho vay cầm cố giấy tờ có giá (OMO) với quy mô 5.981 tỷ đồng, kỳ hạn 14 ngày và lãi suất 4,25%. So với các phiên giao dịch trước, kỳ hạn OMO đã tăng lên gấp đôi trong khi lãi suất giữ nguyên. Trước đó, NHNN cũng đã giảm lãi suất OMO từ 4,5% xuống còn 4,25% trong phiên 5/8.
Sau khi cấn trừ với lượng tín phiếu và OMO đáo hạn, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ròng cho hệ thống ngân hàng hơn 9.100 tỷ đồng trong phiên 26/8.
Hiện, tổng lượng tín phiếu đang lưu hành giảm về còn 38.700 tỷ đồng, trong khi OMO lưu hành là tăng nhẹ lên 39.484 tỷ đồng. Như vậy, Ngân hàng Nhà nước đã chuyển sang trạng thái bơm ròng 784 tỷ đồng cho hệ thống ngân hàng, sau khi liên tục duy trì ở trạng thái hút ròng thanh khoản kể từ đầu tháng 6/2024.
Việc giảm dần lãi suất và dừng phát hành tín phiếu trong phiên 26/8 cho thấy định hướng hỗ trợ thanh khoản hệ thống ngân hàng của Nhà điều hành, nhằm góp phần thiết lập một mặt bằng lãi suất liên ngân hàng thấp hơn trong thời gian tới. Đồng thời, việc tăng kỳ hạn cho vay OMO trong khi giữ nguyên lãi suất cũng thể hiện sự chủ động của Ngân hàng Nhà nước trong việc kéo giảm mặt bằng lãi suất liên ngân hàng.
Ngân hàng Nhà nước liên tục thực hiện các động thái mang tính nới lỏng trong bối cảnh tỷ giá giảm mạnh trong những ngày gần đây.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá USD đã giảm xuống dưới mức 25.000 đồng trong tuần trước và tiếp tục giảm sâu trong phiên giao dịch đầu tuần mới (26/8). Tính từ đầu tháng 8 đến nay, tỷ giá USD liên ngân hàng đã giảm 1,4%.
Tỷ giá USD niêm yết tại các ngân hàng trong nước cũng liên tục giảm trong những tuần gần đây, về vùng 25.000 đồng ở chiều bán ra và 24.700 đồng ở chiều mua vào. Tính từ đầu tháng 8 đến nay, giá USD tại ngân hàng này đã giảm gần 400 đồng, tương đương khoảng 1,5%.
Tỷ giá trên thị trường tự do cũng liên tục giảm sâu và hiện giao dịch ở mức 25.200 – 25.300 VND/USD. Tỷ giá tự do bắt đầu rơi mạnh trong hơn một tháng gần đây, đặc biệt trong nửa đầu tháng 8. So với mức đỉnh gần 26.000 đồng xác lập cuối tháng 6, giá USD tự do hiện thấp hơn 700 đồng, tương đương giảm khoảng 2,7%.
Theo giới phân tích, việc tỷ giá hạ nhiệt nhanh chóng tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước thực hiện chính sách tiền tể nới lỏng hơn, nhằm hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng và nền kinh tế.
"Trong điều kiện kinh tế vĩ mô ghi nhận những dấu hiệu khả quan, cùng định hướng điều hành của Ngân hàng Nhà nước, thanh khoản được kỳ vọng ổn định và dồi dào hơn, lãi suất liên ngân hàng có thể giảm trở lại", Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định trong báo cáo vĩ mô mới đây.
Trước đó, trong quý 2 và nửa đầu quý 3, Ngân hàng Nhà nước đã phải liên tục duy trì thực hiện các biện pháp mang tính thắt chặt nhằm kìm hãm đà tăng của tỷ giá như: tăng lãi suất OMO, tăng lãi suất tín phiếu và bán ngoại tệ. Điều này đã tạo áp lực lên thanh khoản hệ thống ngân hàng và môi trường lãi suất trong những tháng vừa qua.
Chính vì vậy, việc Ngân hàng Nhà nước "lỏng tay" hơn trên thị trường tiền tệ được cho là cần thiết khi tăng trưởng tín dụng đang có tín hiệu bứt tốc và lãi suất huy động liên tục tăng trong những tháng gần đây.
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tăng trưởng tín dụng vào cuối tháng 6/2024 đã đạt 6%, cao hơn nhiều mức 3,4% ghi nhận vào cuối tháng 5. Trong khi đó, lãi suất huy động đã tăng trên diện rộng vào quý 2 và đầu quý 3 khi có tới hàng chục ngân hàng điều chỉnh tăng mỗi tháng.
"Nhờ khả năng cao tỷ giá, lạm phát hạ nhiệt vào cuối năm, Ngân hàng Nhà nước sẽ có nhiều dư địa hơn để nới lỏng, duy trì lãi suất ở mức hợp lý nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tiếp tục đà phục hồi", Chứng khoán Shinhan (SSV) nhận định trong báo cáo vĩ mô mới đây.