Ngày 29/11/2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản gửi các TCTD thông báo mức tăng trưởng tăng thêm cho các TCTD công khai, minh bạch theo các nguyên tắc và tiêu chí cụ thể. Theo đó, các TCTD có dư nợ tín dụng đến nay đạt đến 80% chỉ tiêu tín dụng đã được thông báo thì sẽ được chủ động bổ sung hạn mức tăng thêm dựa trên cơ sở xếp hạng năm 2022, đồng thời ưu tiên thêm cho những TCTD tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ và hạ lãi suất cho vay xuống mức thấp trong thời gian vừa qua.
"Việc bổ sung hạn mức này là sự chủ động của NHNN mà các TCTD không cần thiết phải đề nghị hoặc xin bổ sung", NHNN cho hay.
Trước đó, tháng 7/2023, NHNN đã phân bổ toàn bộ hạn mức tín dụng cho toàn hệ thống tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) với tổng mức tăng trưởng 14,5%. Tuy nhiên, 11 tháng qua cho thấy tăng trưởng kinh tế còn gặp khó khăn, sức hấp thụ vốn và cầu tín dụng của nền kinh tế còn yếu nên đến ngày 22/11/2023, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới đạt 8,21%, thấp hơn so với chỉ tiêu định hướng đầu năm; mức tăng trưởng tín dụng của hệ thống TCTD không đồng đều, một số TCTD tăng trưởng khá cao, một số TCTD tăng trưởng thấp, thậm chí tăng trưởng âm.
"Do đó, để kịp thời linh hoạt điều hành, đáp ứng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng phục vụ nhu cầu vốn cho quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã chủ động linh hoạt điều hòa chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong toàn hệ thống từ TCTD không sử dụng hết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng sang các TCTD cần được tiếp tục mở rộng tăng trưởng tín dụng; đồng thời, NHNN tiếp tục điều hành để tăng trưởng tín dụng trong năm 2023 không vượt quá chỉ tiêu đã xác định song vẫn đảm bảo dư địa tăng trưởng đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng của nền kinh tế và an toàn hệ thống TCTD", NHNN cho hay.
Danh sách các ngân hàng được nới room tín dụng không được NHNN công bố, song trước đó đã có một số ngân hàng thông báo xin tăng hạn mức tăng trưởng trong năm nay.
Mới đây, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank) cho biết đã sử dụng gần hết room tín dụng của mình và đã làm đơn cho phép Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nới hạn mức tín dụng để có thể tiếp tục cho vay trong dịp cao điểm cuối năm.
"LPBank đã sử dụng room tín dụng là 11,56%, về cơ bản đã gần hết room tín dụng của NHNN cấp. LPBank cũng đã đề xuất NHNN xem xét cấp thêm room tín dụng để có thể có điều kiện cho một số doanh nghiệp vay", Ông Hồ Nam Tiến, Tổng Giám đốc LPBank thông tin.
Tại buổi gặp Hội nghị Nhà đầu tư cập nhật kết quả kinh doanh quý III/2023 mới đây, lãnh đạo HDBank cũng cho biết được cấp room tín dụng là 29%. Do được NHNN xếp hạng cao nhất nên sắp tới, HDBank có thể được bổ sung thêm room tín dụng. Dự kiến năm nay, nếu tận dụng hết room tín dụng, tăng trưởng tín dụng của HDBank có khả năng đạt trên 30%.
Chia sẻ tại buổi gặp của đại diện giới doanh nhân Việt Nam với Thủ tướng Chính phủ chiều 11/10, bà Phạm Thị Nhung, Phó tổng giám đốc VPBank cho biết, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này tới nay đã vượt mức 20%, cao hơn so với mức trung bình toàn ngành và gần tiệm cận room được NHNN) cấp 24%. Như vậy, nhiều khả năng VPBank phải xin nới thêm room tín dụng và được tăng hạn mức trong đợt điều chỉnh vừa qua.
Ngoài những cái tên nêu trên, một số ngân hàng khác cũng có mức tăng trưởng tín trong 9 tháng đầu năm cao hơn nhiều so với mặt bằng chung toàn ngành (7%). Cụ thể, MSB tăng 17,1%, MB tăng 14%, Techcombank tăng 13,5%, TPBank (11,7%), OCB (11%), SHB (10%)...
Theo dữ liệu tổng hợp của Chứng khoán MB, trong lần điều chỉnh room tín dụng vào tháng 7/2023, VPBank và MB đã được NHNN nới hạn mức tín dụng lên 24%. Một số ngân hàng được cấp room 14 – 15 % như: TPBank, Techcombank, VietinBank, BIDV, ACB, VIB,....
Như vậy, chiểu theo room tín dụng được cấp tháng 7/2023, nhiều ngân hàng đã "dùng" gần hết 70 – 80% room tín dụng của cả năm chỉ sau 3 quý và có khả năng được tăng thêm trong đợt điều chỉnh vừa qua.