Thị trường chứng khoán vừa có tuần phục hồi sau khi đón nhận một số thông tin vĩ mô hỗ trợ cả trong lẫn ngoài nước.
Cụ thể, lạm phát tại Mỹ tiếp tục hạ nhiệt với chỉ số PCE lõi (chỉ số giá chi tiêu cá nhân không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng) tăng 0,2% trong tháng 10 và 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Cả hai con số này đều khớp với dự báo của thị trường trước đó và giảm so với mức tăng của tháng 9 tương ứng là 0,3% và 3,7%. Thông tin này càng củng cố kỳ vọng của thị trường rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giữ nguyên lãi suất điều hành trong cuộc họp vào trung tuần tháng 12 tới.
Trong nước, đà phục hồi của nền kinh tế bứt tốc trong tháng 11 với sản lượng công nghiệp, tổng mức bán lẻ và số liệu xuất khẩu đều khả quan hơn so với tháng trước. Đồng thời, lạm phát và tỷ giá hạ nhiệt tạo điều kiện để Ngân hàng nhà nước tiếp tục bơm ròng qua kênh thị trường mở (OMO), qua đó kéo lượng tín phiếu đang lưu hành về chỉ còn khoảng 15.000 tỷ đồng. Động thái này sẽ giúp cải thiện đáng kể tâm lý của nhà đầu tư và thúc đẩy dòng tiền quay trở lại thị trường.
Kết tuần, VN-Index leo lên mức 1.102 điểm, tương đương mức tăng 0,6% so với cuối tuần trước. Tuần này, VHM (+4,6%), BID (+1,7%), HPG (+1,9%) tăng điểm mạnh và là các cổ phiếu vốn hóa lớn dẫn dắt đà hồi phục. Ngược lại, nhóm cổ phiếu ngân hàng VCB (-1,2%), STB (-2,8%) và TCB (-1,0%) gây áp lực lên chỉ số chung.
Thanh khoản giảm khá mạnh khi thị trường bước vào nhịp tích lũy và chưa hình thành xu hướng rõ nét, khiến dòng tiền đầu cơ thận trọng hơn. Theo đó, giá trị giao dịch trên cả 3 sàn chỉ đạt 15.065 tỷ đồng, giảm 29% so với tuần trước. Khối ngoại bán ròng 750 tỷ đồng trên cả ba sàn (-22% so với tuần trước).
Nhóm phân tích của Chứng khoán MB (MBS) chia sẻ, thị trường bước vào tháng cuối cùng của năm với thông tin được chờ đợi nhất: Cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ của Fed vào ngày 12-13/12. Trên thị trường lãi suất tương lai, giới đầu tư đang đặt cược Fed sẽ không tăng lãi suất trong kỳ họp cuối cùng này. Trong nước, một số thông tin hỗ trợ thị trường cũng đã xuất hiện như: Quốc hội đồng ý giảm 2% thuế VAT; Ngân hàng Nhà nước phát nhiều tín hiệu tích cực về tín dụng...
Tuy vậy, tâm lý nhà đầu tư vẫn thận trọng, khi chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 11 của Việt Nam giảm xuống mức thấp (của 5 tháng là 47,3 điểm).
Chuyên gia của MBS cho rằng, xu hướng đi ngang càng kéo dài, thị trường càng bất lợi khi chỉ số VN-Index hiện đang nằm dưới các ngưỡng trung bình hay được nhà đầu tư quan sát. Bên cạnh đó, việc chứng khoán Mỹ đang ở vùng đỉnh có thể là tín hiệu bất lợi khi thị trường trong nước vẫn hụt hơi so với thế giới ở nhịp hồi phục vừa qua. Trong kịch bản chứng khoán thế giới điều chỉnh khi gặp vùng cản mạnh, xu hướng đi ngang của thị trường trong nước có thể bị phá vỡ. Khi ngưỡng hỗ trợ 1.075 điểm bị xuyên thủng, thị trường có thể thoái lui về vùng 1.050 – 1.065 điểm.
Trong khi đó, với những chuyển biến tích cực hơn của các yếu tố vĩ mô trong những tuần gần đây, ông Đinh Quang Hinh, chuyên gia của Chứng khoán VNDirect bảo lưu quan điểm rằng thị trường vẫn đang duy trì vận động trong xu hướng phục hồi. Chỉ số VN-Index có thể tiếp tục tích lũy và xây nền tại vùng 1.080-1.020 điểm trước khi hướng tới các ngưỡng kháng cự cao hơn.
Trong bối cảnh đó, nhà đầu tư dài hạn có thể xem xét tích lũy dần cổ phiếu cho giai đoạn tới, ưu tiên các nhóm ngành có triển vọng kết quả kinh doanh cải thiện tích cực trong quý IV như nhóm xuất khẩu (thép, đồ gỗ, nội thất,…), đầu tư công, bất động sản khu công nghiệp và chứng khoán.