Nhìn lại chặng đường 23 năm, khi thị trường chứng khoán Việt Nam mới thành lập, các công ty chứng khoán thuộc các ngân hàng vượt trội về vốn so với nhóm tư nhân. Tại vạch xuất phát, những CTCK được các ngân hàng quốc doanh hậu thuẫn dẫn đầu quy mô vốn. Đơn cử, Agriseco - công ty con của Agribank đứng đầu với 60 tỉ đồng, theo sau là Chứng khoán BIDV (55 tỉ đồng), VietinBank Securities (55 tỉ đồng), ACBS (43 tỉ đồng).
Khi đó,Chứng khoán Sài Gòn (nay là SSI) là "chú bé tí hon" với vốn điều lệ 6 tỉ đồng, xếp sau Chứng khoán Thăng Long (nay là MBS) với quy mô 9 tỉ đồng.
Những năm sau đó, công ty chứng khoán trở thành mảnh ghép không thể thiếu, hầu hết ngân hàng mở ra như Vietcombank với VCBS, Sacombank với SBBS. Nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước đầu tư ngoài ngành, rót vốn mở công ty chứng khoán như Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Cao su, Tập đoàn Hóa chất, Tập đoàn Dệt may.
Nhưng ngân hàng vẫn là nhóm "chịu chơi" nhất trong ngành chứng khoán.
Chứng khoán Sacombank (tên gọi cũ của SBBS) đứng thứ hai thị trường về vốn ngay từ khi thành lập năm 2006 và nâng quy mô lên 1.100 tỷ đồng một năm sau đó, vươn lên số 1 thị trường. Đây là công ty chứng khoán đầu tiên có vốn điều lệ nghìn tỷ đồng.
SBBS chỉ cần trải qua hai nhịp tăng để đạt được cột mốc trên trong khi đại diện nhóm tư nhân là SSI mất gần 10 năm với 6 đợt tăng. Năm 2008 - 2009, số lượng công ty chứng khoán vốn nghìn tỷ gia tăng nhưng chủ yếu đến từ nhóm ngân hàng như Agriseco, ACBS, Kim Long (nay đã giải thể).
Giai đoạn thị trường lao dốc sau đó, nhiều tổ chức hoạt động kém hiệu quả, kinh doanh thua lỗ, mất an toàn vốn. Thực trạng trên dẫn đến việc phải tái cấu trúc lại ngành chứng khoán. Những CTCK liên quan đến ngân hàng mất dần vị thế do đầu tư thua lỗ, mất vốn, hay những lùm xùm do với nhân viên của tổ chức mẹ.
Kể từ năm 2014, CTCK tư nhân như SSI, VNDirect vươn lên, song nhóm những tổ chức có quy mô vốn nghìn tỷ vẫn chủ yếu đến từ nhóm ngân hàng. Song song, với công cuộc tái cấu trúc ngành chứng khoán, thị trường chứng kiến làn sóng công ty ngoại từ Hàn Quốc, Đài Loan "đổ bộ" và tăng vốn khủng. Điển hình là cuộc đua tăng vốn giữa SSI và tổ chức đến từ Hàn Quốc - Mirae Asset (Việt Nam).
Tới năm 2020, khi dịch COVID-19 bùng nổ, dòng tiền lớn đổ vào thị trường chứng khoán, các tổ chức chạy đua nâng vốn điều lệ để phục vụ nhu cầu cho vay margin. Giai đoạn 2020 - 2022, nhiều công ty chứng khoán tư nhân niêm yết trên sàn huy động vốn từ những cổ đông, đưa giá trị tăng vốn kỷ lục năm 2021.
SSI là đơn vị đầu tiên trên thị trường có quy mô vốn điều lệ vượt ngưỡng 10.000 tỷ đồng. Khi tổ chức ngoại "nhường sân", nhóm mạnh tay tăng vốn là những cái tên trong nước như SSI, VNDirect, VPS, Tân Việt, HSC. Bối cảnh cuộc đua tăng vốn nhộn nhịp hơn bao giờ hết, nhóm từng "sinh ra ở vạch đích" như Agriseco, BSC, VietinBank Securities, VCBS lại không nhiều chuyển biến. Trong khi đó, những "bé hạt tiêu" ngày nào đã đổi vai, đi khá xa và chưa có dấu hiệu dừng nghỉ.
Sau hai năm sôi động, gió đổi chiều khi sang đến năm 2022 - 2023, những thương vụ nâng vốn khủng ngành chứng khoán mang đậm dấu ấn từ những tổ chức là công ty con của các ngân hàng hoặc nằm trong hệ sinh thái của những ông chủ nhà băng. Tiêu biểu nhất là việc Chứng khoán VPBank (VPBankS) tăng vốn lên 15.000 tỷ đồng, đứng thứ hai thị trường chỉ sau hai năm mua lại Chứng khoán ASC.
Loạt phương án tăng vốn của CTCK liên quan ngân hàng tiếp tục được đưa ra trong thời gian gần đây. Đầu tháng 11, Chứng khoán ACB (ACBS) nâng quy mô vốn thêm 1.000 tỷ đồng, lên 4.000 tỷ đồng. Vào tháng 8, Chứng khoán Tiên Phong (TPS, mã: ORS) có kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 2.000 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng theo phương án chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu.
Mới đây nhất, Chứng khoán LPBank (LPBS) dự kiến tăng vốn điều lệ gấp gần 16 lần, từ 250 tỷ đồng lên 3.888 tỷ đồng (gấp 15,6 lần). Nếu hoàn tất, LPBS sẽ gia nhập top 15 công ty chứng khoán lớn nhất thị trường.
Trước đó, Chứng khoán MB (Mã: MBS) đã tăng vốn từ 3.806 tỷ đồng lên 4.377 tỷ đồng vào tháng 10/2023. Chứng khoán Techcom (TCBS) cũng nâng vốn điều lệ từ 1.126 tỷ đồng lên thành 2.177 tỷ đồng sau khi nhận nguồn vốn huy động từ Techcombank (Mã: TCB) trong quý II.
Nói thêm về thương vụ tăng vốn của TCBS, công ty phát hành riêng lẻ 105 triệu cổ phiếu với giá 95.000 đồng/cp, vốn điều lệ tăng thêm 1.050 tỷ đồng. Song, thương vụ còn bổ sung 8.400 tỷ đồng vốn cho công ty, ghi nhận tại thặng dư vốn cổ phần.
Nhóm CTCK liên quan ngân hàng tăng vốn điều lệ giúp tăng khả năng đáp ứng vốn của các tổ chức này, đồng thời giải quyết bài toán đầu tư lớn hơn vào các sản phẩm trái phiếu, giấy tờ có giá.
Theo quy định, tổng dư nợ cho vay margin của một CTCK không được vượt quá 200% vốn chủ sở hữu. Do đó, việc nâng cao năng lực tài chính giúp CTCK có dư địa hơn trong việc cho vay margin. Trên thực tế, không chỉ tăng vốn điều lệ, nguồn lực từ các ngân hàng giúp các công ty chứng khoán trong hệ sinh thái đẩy mạnh hoạt động về margin, tư vấn tài chính doanh nghiệp, tái cấu trúc hay nguồn khách hàng trong mảng bán lẻ.
Khi các thương vụ tăng vốn kể trên hoàn tất, những công ty chứng khoán trong hệ sinh thái ngân hàng sẽ có vị thế hơn trong ngành với 12 tổ chức góp mặt trong top 30 đơn vị vốn lớn nhất thị trường. Riêng trong top 10 có 4 đại diện là VPBankS, SHS, MBS và ACBS.
Còn ở nhóm tư nhân, SSI đang có kế hoạch tăng vốn điều lệ, đạt 19.645 tỷ đồng. Mức vốn này tiếp tục dẫn đầu ngành và bỏ xa công ty xếp thứ hai là VPBankS. Vào tháng 8, HĐQT của Chứng khoán VNDirect (Mã: VND) thông qua về việc triển khai thực hiện chào bán cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu và phát hành cổ phiếu để trả cổ tức.
Công ty dự kiến chào bán gần 244 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 5:1, tương ứng cổ đông sở hữu mỗi 5 cổ phiếu sẽ có quyền mua 1 cổ phiếu mới, giá chào bán là 10.000 đồng/cp. Thời gian thực hiện trong năm 2023 và/hoặc 2024.
VNDirect cũng có kế hoạch chia cổ tức cho cổ đông bằng cổ phiếu với tỷ lệ 5%, tương ứng phát hành gần 61 triệu cổ phiếu mới. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2023.
Nhưng nhà đầu tư lưu ý, phương án phát hành thông qua trả cổ tức bằng cổ phiếu hoặc chia cổ phiếu thưởng chỉ giúp tăng vốn điều lệ chứ không tăng vốn chủ sở hữu. Do đó, việc tăng vốn theo cách này không có ý nghĩa nâng cao nguồn lực tài chính.