Theo số liệu công bố, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục bơm ròng trong hai phiên giao dịch đầu tuần năm Ất Tỵ ngày 3/2 và 4/2 với lượng bơm ròng lần lượt là 11.052 tỷ đồng và 24.668 tỷ đồng.
Gần đây nhất, trong phiên 4/2, trên kênh cho vay và cầm cố giấy tờ có giá (OMO), NHNN đã cho 7 thành viên vay hơn 10.273 tỷ đồng với lãi suất 4%/năm, kỳ hạn 7 ngày; 12 thành viên vay 20.000 tỷ đồng với cùng mức lãi suất trên, kỳ hạn 14 ngày. Cùng thời gian trên khối lượng đáo hạn là hơn 9.255 tỷ đồng, lượng bơm ròng qua kênh này là 21.018 tỷ đồng.
NHNN bơm ròng hơn 35.000 tỷ đồng trong hai ngày 3/2 và 4/2 (Ảnh: Wichart)
Trên kênh tín phiếu, nhà điều hành cũng phát hành thêm 900 tỷ đồng tín phiếu với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 4%/năm với 2 thành viên trúng thầu; lượng đáo hạn trong ngày là 4.550 tỷ đồng. Như vậy, tổng bơm ròng qua kênh này là 3.650 tỷ đồng.
Trên cả hai kênh, NHNN đã bơm ròng hơn 24.668 tỷ đồng.
Tính đến ngày 4/2, tổng lượng tín phiếu đang lưu hành trên thị trường là 24.049 tỷ đồng và lượng OMO lưu hành là hơn 163.500 tỷ đồng.
![](https://cdn.vietnambiz.vn/1881912202208555/images/2025/02/05/screenshot-2025-02-05-at-065623-20250205065636785.png?width=700)
(Ảnh: SBV)
Nhà điều hành mạnh tay bơm tiền trong bối cảnh lãi suất liên ngân hàng bật tăng trong phiên gần đây nhất. Theo số liệu mới được NHNN công bố, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm vào phiên giao dịch đầu năm mới (ngày 3/2) ở mức 4,75%/năm, cao hơn 0,83 điểm % so với kết quả phiên cuối cùng của năm Giáp Thìn (ngày 24/1).
Theo dữ liệu từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh New York, chênh lệch giữa lãi suất qua đêm có bảo đảm (SOFR) của Mỹ và lãi suất qua đêm của tại Việt Nam là 0,4 điểm %.
![](https://cdn.vietnambiz.vn/1881912202208555/images/2025/02/05/screenshot-2025-02-05-at-070051-20250205070101669.png?width=700)
(Ảnh: SBV)
Trên thị trường tiền tệ, tỷ giá USD/VND trên liên ngân hàng đóng cửa tuần trước kỳ nghỉ lễ ở mức 25.085. Với bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và nhiều quốc gia leo thang nghiêm trọng vào tuần trước, thị trường sẽ theo dõi phản ứng đáp trả của các quốc gia có liên quan trong tuần đầu năm, đặc biệt là từ Trung Quốc.
Nhận định về tỷ giá, các chuyên gia thị trường tài chính của ACB dự báo áp lực tăng đối với tỷ giá USD/VND có thể xuất hiện trở lại trong tuần này, với mục tiêu có thể hướng đến mức 25.400 trong nửa đầu tháng 2.
Theo các chuyên gia của UOB, đồng USD sẽ tiếp tục mạnh lên và tạo áp lực lớn cho các đồng tiền khác trên thế giới trong đó có VND. Theo đó, VND có khả năng sẽ chịu ảnh hưởng từ chính sách thuế quan của ông Trump và xu hướng của đồng nhân dân tệ (CNY).
"Với những bất lợi bên ngoài khó có thể biến mất trong thời gian ngắn, VND có khả năng sẽ tiếp tục giảm so với USD. Nhìn chung, chúng tôi dự báo tỷ giá USD/VND ở mức 25.800 trong quý I, 26.000 trong quý II, 26.200 trong quý III và 26.000 trong quý IV/ 2025", UOB ước tính.
Về lãi suất, đại diện UOB cho rằng câu chuyện rằng liệu có cần thiết phải thả lỏng tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng hay không nó không còn là quá nặng nữa và chúng ta đang tìm kiếm sự tăng trưởng thông qua những biện pháp khác như: mở rộng đối tác để giảm thiểu rủi ro tập trung đối tác, sản phẩm;...
Trong 2024 cơ quan quản lý chưa sử dụng đến biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ, NHNN chỉ can thiệp vào những mức lãi suất thông qua các kênh như OMO hay phát hành tín phiếu, mang yếu tố ngắn hạn để đảm bảo thanh khoản cho thị trường.
Theo các chuyên gia, khả năng mà NHNN nâng lãi suất điều hành là rất thấp và gần như không có bởi vì NHNN đang giữ định hướng duy trì mặt bằng lãi suất ở mức thấp.