Doanh nghiệp

Năm thăng trầm của doanh nghiệp thép

Tổng Công ty Thép Việt Nam - CTCP (VNSteel - Mã: TVN) đánh giá năm 2024 tiếp tục là một năm khó khăn của thị trường thép thế giới, với nhiều diễn biến phức tạp và khó lường.

Thị trường thép Việt Nam năm 2024 đã có những phục hồi nhất định tuy nhiên, sự phục hồi này không có sự đồng đều giữa các nhóm ngành hàng và khu vực vùng miền.

Tiêu thụ thép tại thị trường nội địa mặc dù có tăng trưởng nhưng sự tăng trưởng này được đánh giá là chưa thực sự bền vững do các động lực tăng trưởng chính của ngành thép Việt Nam như đầu tư xây dựng và cơ sở hạ tầng vẫn còn nhiều khó khăn, tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công còn chậm, áp lực cạnh tranh với thép nhập khẩu gia tăng. 

Ông lớn số 1 ngành thép là Tập đoàn Hoà Phát (Mã: HPG) ghi nhận 34.491 tỷ đồng doanh thu thuần quý IV, tăng nhẹ 0,3% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ (lợi nhuận ròng) giảm gần 6% còn 2.807 tỷ. Lợi nhuận quý IV của tập đoàn ghi nhận thấp nhất trong 5 quý gần đây.

Lũy kế cả năm 2024, Hòa Phát đạt 138.855 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 17% so với năm trước, đạt kế hoạch năm 2024. Lợi nhuận ròng đạt 12.020 tỷ đồng, tăng 76% so với năm 2023.

Năm 2024, Hòa Phát sản xuất 8,7 triệu tấn thép thô, tăng 30% so với năm 2023. Sản lượng bán hàng các sản phẩm thép HRC, thép xây dựng, thép chất lượng cao và phôi thép đạt 8,1 triệu tấn, tăng 20%.

Trong khi đó, mặt hàng thép cuộn cán nóng không có nhiều khởi sắc, nguyên nhân chính giải thích cho tăng trưởng sản lượng của Hòa Phát năm 2024 đến từ mảng thép dài, đặc biệt là ở thị trường xuất khẩu.

Mặt hàng thép cuộn cán nóng (HRC) gặp khó khăn hơn do đối mặt với áp lực cạnh tranh từ lượng thép nhập khẩu giá thấp ồ ạt tràn vào thị trường. Sản lượng HRC Hòa Phát đạt 2,93 triệu tấn, chỉ nhỉnh hơn gần 5% so với 2023, thấp hơn nhiều so với mức tăng của mặt hàng thép xây dựng.

Giá thép và giá nguyên liệu đều ghi nhận giảm trong năm 2024, song biên lợi nhuận của tập đoàn vẫn tăng trưởng với mức biên lợi nhuận gộp đạt 13,3% và biên lãi thuần ở mức 8,7%, cao hơn so với con số 10,9% và 5,7% của năm 2023.

Tính riêng quý IV/2024, cả biên lãi gộp và biên lãi thuần của Hoà Phát ghi nhận thấp nhất 5 quý gần đây, đạt 12,66% và 8,15%.

  Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất của các doanh nghiệp.

VNSteel có một quý cuối năm kinh doanh khả quan với 9.874 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2023. Công ty báo lãi ròng 157 tỷ, tăng gần 8%. 

VNSteel cho biết trong quý IV, lượng tiêu thụ duy trì ở mức ổn định, tuy nhiên giá thép có xu hướng giảm nhẹ, ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của một số đơn vị trong hệ thống tổng công ty. Song hầu hết các đơn vị khác vẫn có sự tăng trưởng về sản lượng tiêu thụ và tăng hiệu quả kinh doanh so với cùng kỳ giúp lợi nhuận tổng công ty gia tăng.

Cả năm 2024, VNsteel đạt 36.188 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 19% so với năm 2023. Tổng công ty chính thức ngắt mạch hai năm thua lỗ liên tiếp và ghi nhận lãi ròng 287 tỷ năm qua.

 Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất của các doanh nghiệp.

Trái ngược với sự phục hồi của Hoà Phát, VNSteel thì nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ hơn như CTCP Ðầu tư Thương mại SMC (Mã: SMC), CTCP Tập đoàn Thép Tiến Lên (Mã: TLH), CTCP Gang thép Cao Bằng (Mã: CBI) lại ghi nhận một năm lỗ đậm.

Tính tới hiện tại, Thép Tiến Lên là công ty lỗ nặng nhất trong ngành năm 2024 với mức lỗ ròng 586 tỷ đồng khiến lợi nhuận luỹ kế tính tới cuối năm ngoái chuyển sang âm 22 tỷ đồng. Năm qua, doanh thu của công ty vẫn tăng trưởng hơn 2% so với cùng kỳ.

Tính riêng quý IV, Thép Tiến Lên đạt 1.777 tỷ doanh thu thuần, giảm 18% so với cùng kỳ và lỗ ròng kỷ lục tới 317 tỷ do kinh doanh dưới giá vốn cộng thêm các chi phí gia tăng.

Còn SMC ghi nhận năm thứ ba thua lỗ liên tiếp với khoản lỗ 270 tỷ năm qua, đứng trước nguy cơ bị huỷ niêm yết và nâng khoản lỗ luỹ kế tính tới cuối năm 2024 lên 439 tỷ đồng. Song mức lỗ này đã giảm so với con số kỷ lục 885 tỷ năm 2023 nhờ hoạt động thanh lý các khoản đầu tư tài chính và chuyển nhượng tài sản mang lại.

Gang thép Cao Bằng là đơn vị thành viên của Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) báo doanh thu năm 2024 sụt 26% so với 2023 còn 2.188 tỷ đồng. Kinh doanh dưới giá vốn trong khi các chi phí tăng cao khiến công ty lỗ ròng 150 tỷ năm ngoái, mức lỗ đậm nhất kể từ 2017 trong khi 2023 vẫn có lãi gần 2 tỷ. 

  Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất của các doanh nghiệp.

Doanh nghiệp tôn mạ bớt khó

Đối với ngành tôn mạ, tình hình cạnh tranh gay gắt với tôn mạ nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc đã gây thiệt hại nặng nề với các doanh nghiệp nội địa trong năm qua. Song quý cuối năm đã ghi nhận những tín hiệu hồi phục khi chi phí vận chuyển hạ nhiệt và doanh nghiệp chuyển hướng sang thị trường nội địa bù đắp cho sự suy giảm của thị trường xuất khẩu.

  Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất của các doanh nghiệp.

Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) - doanh nghiệp nắm thị phần số 1 ngành tôn mạ đã công bố kết quả kinh doanh quý I năm tài chính 2025 với doanh thu thuần 10.222 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ. Tập đoàn báo lãi ròng 166 tỷ đồng, cải thiện so với khoản lỗ 186 tỷ đồng trong quý trước và tăng 60% so với quý I niên độ 2024.

Chứng khoán Vietcap cho rằng doanh thu đi ngang so với quý trước do sản lượng bán hàng và giá bán trung bình vẫn giữ ở mức ổn định.

Trong quý vừa qua, doanh thu thuần đã tăng 1% so với quý trước đó, đồng thời, tổng sản lượng bán tôn mạ và ống thép cũng đi ngang so với quý trước, qua đó cho thấy giá bán trung bình hầu như đi ngang.

Kết quả này khả quan hơn so với CTCP Thép Nam Kim (Mã: NKG) trong quý IV, trong đó, doanh thu thuần của Nam Kim đã giảm 14% so với quý trước đó còn 4.469 tỷ.

Vietcap cho rằng nguyên nhân của việc này là do Hoa Sen tập trung nhiều hơn vào thị trường trong nước, trái lại, Nam Kim ghi nhận kết quả kinh doanh kém khả quan hơn là do mức giảm 31% so với quý trước đó đối với doanh thu tại thị trường xuất khẩu trong khi doanh thu bán trong nước vẫn ghi nhận mức tăng 22%.

Trong quý IV, doanh thu thuần giảm của Nam Kim suy giảm so vơi quý trước đó và đi ngang so với cùng kỳ, chủ yếu do doanh số xuất khẩu thấp, giảm 31% so với quý liền trước và 9% so với cùng kỳ. Điều này được bù đắp một phần bởi doanh số trong nước, tăng 22% sau một quý và 15% so với quý IV/2023..

Lãi ròng của Nam Kim giảm 18% so với cùng kỳ còn 18 tỷ và giảm tới 72% so với quý III. 

Luỹ kế cả năm, Nam Kim đạt 20.609 tỷ đồng doanh thu thuần, 453 tỷ lãi ròng; tăng lần lượt 11% và 287% so với năm 2023.

Cả Nam Kim và Hoa Sen đều ghi nhận chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm so với quý liền trước nhờ sự sụt giảm của cước vận tải.

  Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất của các doanh nghiệp.

Biên lợi nhuận gộp quý I năm tài chính 2025 của Hoa Sen đã tăng mạnh từ mức 8,5% của quý trước, lên mức 11,8% do tập đoàn đã trích lập 122 tỷ đồng dự phòng hàng tồn kho vào quý trước, nhưng đã hoàn nhập 18 tỷ đồng dự phòng trong quý I.

Sự cải thiện này trái ngược với việc biên lợi nhuận gộp của Nam Kim khi ghi nhận giảm từ 8,7% quý III xuống 6,7% quý cuối năm 2024.

Còn với CTCP Tôn Đông Á (Mã: GDA), quý IV, doanh thu thuần của doanh nghiệp tôn mạ này suy giảm 16% so với cùng kỳ còn 3.888 tỷ đồng. Công ty lãi 21 tỷ, tăng nhẹ so với cùng kỳ song là quý có lợi nhuận quý thấp nhất trong năm qua.

Năm 2024, Tôn Đông Á đạt 19.136 tỷ đồng doanh thu thuần, 342 tỷ lãi ròng; tăng lần lượt 10% và 20% so với năm 2023.

   Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất của các doanh nghiệp.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm