Cổ phiếu từ đỉnh cao đến “chạm đáy nỗi đau”
Mới đây, thông tin ái nữ nhà Tân Hiệp Phát – bà Trần Uyên Phương bán cắt lỗ cổ phiếu YEG (Công ty Cổ phần Tập đoàn Yeah1) đã khiến giới đầu tư xôn xao. Với vị thế là một cổ đông lớn nắm giữ 21,61% vốn điều lệ, bà Trần Uyên Phương đã bán ra 251.600 cổ phiếu YEG vào ngày 28/7 để giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 20,8%.
Trong phiên giao dịch này, giá cổ phiếu YEG dao động trong khoảng 15.000 - 15.800 đồng/cổ phiếu, đóng cửa ở mức 15.050 đồng, giảm gần 70% so với mức 50.000 đồng mà ái nữ Tân Hiệp Phát đã mua vào hồi tháng 3/2020. Điều này đồng nghĩa với việc bà Trần Uyên Phương đã phải chịu lỗ khoảng 8,6 tỷ đồng.
Nhưng 50.000 đồng chưa phải mà mức "đỉnh" cao nhất của YEG. Cổ phiếu này từng là ngôi sao sáng chói trên thị trường chứng khoán khi mới niêm yết vào năm 2018, được giao dịch với giá 343.000 đồng/CP - mức cao nhất toàn thị trường lúc bấy giờ. Như vậy so với mức đỉnh cao nhất, cổ phiếu YEG đã bay hơi 96% giá trị.
Cổ phiếu YEG "rơi tự do" từ vùng đỉnh 343.000 đồng
Từ một trang web cho giới trẻ giữa thập niên trước, Yeah1 nhận vốn từ quỹ ngoại DFJ VinaCapital rồi "vụt lớn". Sức sáng tạo mang tính đột phá của đội ngũ founder giúp công ty này không mất nhiều thời gian để thành công trong các lĩnh vực mà họ là người "mở đường", đầu tiên là kinh doanh truyền hình, rồi đến quảng cáo kĩ thuật số, kinh doanh nội dung mạng xã hội.
Tập đoàn còn bắt tay với các đối tác lập quỹ đầu tư 50 triệu USD vào phim ảnh, chi tối đa 20 triệu đô la Mỹ mua lại ScaleLab - một công ty tại Mỹ, chủ sở hữu đa kênh với ba tỉ lượt người xem hàng tháng…
Tương lai tươi sáng giúp Yeah1 được định giá 400 triệu USD và kỳ vọng trở thành "kỳ lân" vươn tầm thế giới.
Tuy nhiên, sự kiện bất ngờ bị Youtube chấm dứt quan hệ hợp tác với mạng lưới đa kênh MCN (Multi-channel network) vào đầu năm 2019 đã khiến mọi thành quả của Yeah1 biến mất. Giá cổ phiếu khi ấy "rơi tự do" 85%, từ vùng 250.000 đồng/CP về khoảng 37.000 đồng cuối năm 2019. Hiện tại, cổ phiếu YEG tiếp tục "dò đáy", giao dịch quanh vùng 14.000-16.000 đồng/cổ phiếu.
Bài học đau đớn vì "xây nhà trên đất người khác"
Trong thời kỳ đỉnh cao, Yeah1 Network là "át chủ bài" của Yeah1 khi quản lý khoảng 1.500 kênh YouTube lớn nhỏ gồm Vân Sơn, Hồ Ngọc Hà, Issac, Miss Universal Vietnam, Minh Hằng, Phan Mạnh Quỳnh..., nằm trong Top 8 Network có nhiều lượt xem nhất trên thế giới.
Về mặt bản chất, các đối tác sở hữu kênh YouTube tham gia hệ thống và nhận chia sẻ doanh thu quảng cáo từ YouTube trên nội dung do mình sáng tạo ra. Còn Yeah1 chỉ là đơn vị trung gian làm nhiệm vụ quản lí, hỗ trợ và thực hiện các thủ tục thanh toán chi trả giữa đối tác và YouTube.
Tuy nhiên, chưa đầy nửa năm sau khi niêm yết sàn chứng khoán, ngày 3/3/2019, Công ty Cổ phần Tập đoàn Yeah1 (YGC) thông báo việc YouTube sẽ ngừng thỏa thuận lưu trữ nội dung với tất cả các công ty con của YGC có hoạt động liên quan đến Google Adsense như Yeah1 Network, ScaleLab và SpringMe sau ngày 31/3/2019. Do đó, Yeah1 Network không còn quyền quản lý toàn bộ các kênh YouTube đang liên kết với công ty. Vậy điều gì đã khiến YouTube thẳng tay trừng phạt đối tác trong Top 8 toàn cầu của mình?
Thư Yeah1 gửi đối tác sau sự cố với YouTube
Một chuyên gia trong ngành từng phân tích, sai phạm đến từ chính Yeah1. Yeah1 có 3 nhánh công ty con, các tài khoản YouTube do Yeah1 quản lý tiền thu về từ YouTube sẽ vào trực tiếp các tài khoản chung Google Adsense của Yeah1, sau đó phân chia về các công ty con. Những nội dung vi phạm chính sách của YouTube, Yeah1 đã tìm cách lách qua và đổ hết các sai phạm cho một công ty con có trụ sở ở Thái Lan, dù Yeah1 chỉ sở hữu 16% cổ phần ở công ty con nói trên nhưng YouTube ngừng hệ thống Google Adsense thì toàn bộ hệ thống của Yeah1 bị "diệt" luôn.
Mất đi "đất" làm ăn với ông lớn, mọi kế hoạch lớn lao của Yeah1 cũng bị đập tan. Chủ tịch Nguyễn Ảnh Nhượng Tống tự gọi mình là "tội đồ" và thừa nhận sau cú ngã 200 triệu USD với YouTube, công ty đã có được một bài học rất lớn: bài học mà phải bỏ ra hàng ngàn tỷ để nhận lại, bài học để Yeah1 tiếp tục vươn ra trường quốc tế, bài học tư duy "Tại sao lại phụ thuộc vào 1 đối tác", "Không nên xây nhà trên đất người khác" và là bài học chính bản thân lãnh đạo Tập đoàn chưa bao giờ lường trước được.
Trong một talkshow, ông Tống bày tỏ: "Trong "cơ" có "nguy", chứ không chỉ trong "nguy" có "cơ". Khi lên sàn, Yeah1 bước vào một thế giới hoàn toàn khác với những cơ hội lớn về tài chính, quan hệ, tiềm năng, tiềm lực…Trong những có hội đó sẽ xuất hiện nhiều rủi ro, ví dụ rủi ro về quản trị, rủi ro về bộ máy, rủi ro về kinh doanh..."
Cuộc hồi sinh vẫn bế tắc?
Sau sự cố, Yeah1 không còn và không thể phụ thuộc vào YouTube mà đã có nhiều hướng đi mới để mong cải thiện tình hình. Nổi bật nhất là màn hợp tác chiến lược với Tập đoàn Tân Hiệp Phát hồi tháng 3/2020. Ngoài việc bà Trần Uyên Phương – Phó Tổng giám đốc Tân Hiệp Phát mua vào hơn 6 triệu cổ phiếu để trở thành cổ đông lớn thì 2 doanh nghiệp này cũng bắt tay để phát triển mảng "media commerce". Giữa lúc khó khăn, việc bắt tay với ông lớn phần nào khiến các nhà đầu tư đặt niềm tin về một sự trở lại mạnh mẽ hơn của Yeah1, giá cổ phiếu khi đó cũng "hưng phấn" tăng một mạch từ 38.000 đồng/cổ phiếu lên 83.000 đồng/cổ phiếu.
Tháng 4/2020, khi làn sóng Covid-19 đầu tiên tấn công Việt Nam, Yeah1 đã mạnh tay cắt bỏ 2/4 kênh truyền hình truyền thống để cải thiện lợi nhuận, mục tiêu xoá lỗ luỹ kế trong năm 2020.
Đến tháng 8/2020, Tập đoàn Yeah1 lại công bố rộng rãi trước truyền thông về con "át chủ bài" mới là mảng kinh doanh Thương mại đa kênh M2C (manufacturer to consumer), có tên gọi Giga1.
Theo công bố, Giga1 được định nghĩa là một hệ sinh thái nền tảng thương mại đa kênh đi thẳng từ nhà máy sản xuất tới người tiêu dùng cuối (M2C), gia tăng doanh số bán hàng và tăng quyền lợi cho người tiêu dùng nhờ việc giảm đáng kể chi phí bán hàng. Giga1 sẽ tập hợp các tài sản giá trị của Tập đoàn là: nền tảng thúc đẩy bán hàng hiệu quả (promotion platform): MEGA1, MEGA1 VIP; nền tảng loyalty liên minh: Media One; nền tảng phân phối O2O: MEGA1 Merchants; nền tảng bán hàng qua KOL: Celuv, SGO48, KOC; nền tảng bán hàng liên kết: Netlink, Yeah1 Publishers; nền tảng thanh toán: Ting, Ví điện tử.
Trong đó, vũ khí được Yeah1 nhấn mạnh là app "vua khuyến mãi" MEGA1 với các số liệu tại thời điểm công bố như 3 triệu người dùng cuối, gần 100 triệu sản phẩm được tiêu thụ thông qua MEGA1, trong đó trung bình 30 ngày gần nhất, mỗi ngày có 1,5 triệu sản phẩm được bán ra. Tuy nhiên, trên kho ứng dụng App Store, MEGA1 chỉ được đánh giá 3,7/5 sao. Ngoài các bình luận 5 sao để kêu gọi nhập mã khuyến mãi thì hầu hết các đánh giá còn lại đều chỉ được xếp hạng 1 sao.
Kết quả kinh doanh của Yeah1 cũng chưa tìm thấy dấu hiệu khả quan. Tính tới thời điểm hiện tại, YEG vẫn chưa công bố Báo cáo tài chính quý II/2021, báo cáo gần nhất là quý I/2021. Quý I/2021, YEG ghi nhận doanh thu đạt 288,7 tỷ đồng, tăng 12,3% và lợi nhuận sau thuế âm 52,5 tỷ đồng. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 23,3% về chỉ còn 13,1%.
Tính tới 31/3/2021, lỗ luỹ kế của doanh nghiệp lên tới 264,9 tỷ đồng so với đầu năm. Yeah1 đã trải qua 2 năm lỗ liên tiếp và sẽ đứng trước nguy cơ huỷ niêm yết nếu tiếp tục lỗ năm thứ 3. Công cuộc tái cấu trúc và tìm lại hào quang năm nào của Yeah1 dường như vẫn đang trong thế bế tắc.
Và mức đỉnh 83.000 đồng ngay sau thời điểm ký kết với Tân Hiệp Phát cũng là lần cuối cùng cho đến thời điểm hiện tại, giới đầu tư chứng kiến sự hứng khởi như vậy dành cho cổ phiếu YEG.
Điều này dường như cũng khiến kỳ vọng và niềm tin của nhà Tân Hiệp Phát vào Yeah1 suy giảm dần. Trước khi bán cắt lỗ 251.600 cổ phiếu, bà Trần Uyên Phương đã có động thái đăng ký bán 4 triệu cổ phiếu YEG trong thời gian từ 24/5 đến 23/6/2021 để giảm tỷ lệ sở hữu xuống 8,8%. Tuy nhiên, lần đăng ký bán này không thành công.
Tuy nhiên, với những nỗ lực của CEO Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, với tinh thần "dân startup không tham tiền", có lẽ sẽ cần thêm thời gian để những con số tự đánh giá hiệu quả trong các chiến lược kinh doanh mới mà Yeah1 đang theo đuổi.