Báo cáo thị trường nhân sự ngành dệt may của Navigos vừa công bố cho biết, trong nửa đầu năm nay, nhu cầu tuyển dụng của ngành này đã bùng nổ. Nguyên nhân là tình hình bất ổn ở một số quốc gia láng giềng, khiến các đơn hàng dệt may đổ về Việt Nam nhiều hơn. Trong đó, tháng 6 và 7 là mùa cao điểm của việc sản xuất các đơn hàng thời trang Thu - Đông. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này vẫn chưa quay trở lại mức tăng như năm 2019.
Navigos cho biết, ngoài lao động phổ thông, ở nhóm lao động trung và cao cấp của ngành dệt may, doanh nghiệp vẫn đang ráo riết tìm các vị trí như: người tìm nguồn cung ứng vật tư, tìm chuỗi cung ứng sản phẩm (bao gồm cả lập kế hoạch, chăm sóc và hỗ trợ khách hàng), quản lý chất lượng, phát triển mẫu mã và kỹ thuật sản phẩm. Bên cạnh đó là các vị trí về kỹ thuật như kỹ sư, cải tiến sản xuất...
Báo cáo đánh giá, so với 5 năm trước, chất lượng nhân sự ngành dệt may đã có những cải thiện rõ rệt nhờ công tác đào tạo, nhất là việc các doanh nghiệp liên kết với các trường cao đẳng, đại học trong việc thiết kế và ứng dụng các chương trình đào tạo liên quan đến kỹ thuật nên khi các ứng viên mới ra trường đã có thể áp dụng từ 50-60% kiến thức vào thực tế.
Tuy vậy, hãng tuyển dụng này đánh giá, các ứng viên người Việt vẫn còn hạn chế về kỹ năng ngoại ngữ nếu so với các ứng viên Ấn Độ và Philippines. Do đó, một số vị trí khó trong ngành vẫn đang phải tìm nguồn nhân sự nước ngoài, ví dụ như trưởng bộ phận về kỹ thuật, chuỗi cung ứng. Các ứng viên có thể đáp ứng các yêu cầu thường đến từ Trung Quốc đại lục, Anh, Hong Kong, Thái Lan và Ấn Độ.
Navigos đánh giá, hiện nay các nhà máy sản xuất dệt may tại Việt Nam, bao gồm cả các doanh nghiệp FDI, đã có nhiều thay đổi và có thể đáp ứng các yêu cầu của khách hàng, từ tiêu chuẩn dây chuyền sản xuất, cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng đến các tiêu chuẩn về nhân sự như độ tuổi lao động, chế độ, mức lương, thưởng.
Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp nhận được đơn đặt hàng đến cuối năm khi tổng cầu cho các sản phẩm ngành dệt may tại thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU đã tăng mạnh thì tình hình dịch bệnh đang là thách thức lớn. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), chỉ khoảng 3% doanh nghiệp trong ngành có thể đáp ứng "3 tại chỗ" để sản xuất, đến nay cũng đang cầu cứu vì phải lo cho F0 xuất hiện trong công ty. Toàn ngành chỉ đang vận hành 10-15% công suất.
Trong thời gian tới, việc thiếu hụt lao động vẫn sẽ là thách thức lớn cho ngành này. Tại khu vực phía Nam, nơi chiếm 62% kim ngạch xuất khẩu, chỉ mới có TP HCM tiêm chủng diện rộng cho công nhân các nhà máy. Đây cũng là địa phương có lượng lao động dệt may làm việc tại các nhà máy ngoài khu công nghiệp cao nhất cả nước.
Tuy nhiên,18 trong số 19 địa phương còn lại đang giãn cách xã hội vẫn chưa triển khai tiêm vaccine cho nhiều lao động sản xuất. Trong đó, Đồng Nai, Bình Dương là hai tỉnh có lượng lao động dệt may trong khu công nghiệp cao nhất cả nước.
Thậm chí, nếu kịch bản dịch bệnh được kiểm soát tốt và công suất nhà máy được cải thiện, ngành dệt may vẫn có rủi ro thiếu người, do thời gian qua nhiều lao động phổ thông từ TP HCM, Đồng Nai, Bình Dường đã về quê tránh dịch.
Navigos khuyến nghị các công ty nên cân nhắc một số hướng như điều chỉnh mức lương cao hơn so với hiện tại, cải thiện môi trường làm việc và giảm bớt các tiêu chí về bằng cấp không cần thiết trong lĩnh vực này.
Về dài hạn, việc thiếu hụt lao động có trình độ trong ngành này có thể giải quyết bằng cách truyền thông về nghề nghiệp trong lĩnh vực dệt may nhằm giúp định hướng cho sinh viên ở các trường đại học, cao đẳng nhìn rõ hướng phát triển, tiềm năng của ngành nghề này, bên cạnh việc xây dựng các chương trình đào tạo và đào tạo lại cho người lao động.