Ngày 11-3, Công ty CP Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp cùng báo VietNamNet công bố bảng xếp hạng FAST500 - Top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2024.
Kinh tế thế giới không suy thoái, nhưng tăng chậm lại
Theo báo cáo, tốc độ tăng trưởng kép trung bình của Top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam giai đoạn 2019 - 2022 đạt 25,3%. Trong đó, khu vực tư nhân đạt 26,6%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 22,4% và khu vực nhà nước đạt 17,7%.
Năm nay, khu vực tư nhân vẫn dẫn đầu và có mức tăng (1,1%) so với giai đoạn trước. Trong khi đó, so với giai đoạn trước, ở khu vực nhà nước và FDI, tốc độ tăng trưởng doanh thu kép lại chưa có nhiều sự cải thiện.
Các chuyên gia cũng đưa ra nhận định tình hình kinh tế năm 2024, coi đây là năm diễn ra những thay đổi lớn cả ở quy mô Việt Nam lẫn thế giới, tái định hình môi trường kinh doanh.
Xét trên phạm vi quốc tế, năm 2024 là năm mà chính trường các nước sẽ có sự biến động. Đây là năm mà bầu cử toàn cầu lớn nhất trong lịch sử với hơn 50 quốc gia chiếm hơn 60% GDP toàn cầu. Với hàng loạt nguyên thủ quốc gia mới, nền kinh tế thế giới có thể sẽ bước vào một giai đoạn rất khác so với hiện nay.
Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ trên toàn cầu cũng được dự báo sẽ đảo chiều.
Ngân hàng Bank of America dự báo sẽ có 152 lần cắt giảm lãi suất từ các ngân hàng trung ương toàn cầu trong năm 2024, ghi nhận dự báo số đợt cắt giảm lãi suất cao nhất kể từ năm 2020, khi mà các ngân hàng trung ương sẽ chuyển dần từ mục tiêu kiềm chế lạm phát sang hỗ trợ hoạt động sản xuất - kinh doanh, nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ tổng cầu.
Đánh giá về những tác động tiêu cực đến sức tăng trưởng của nền kinh tế trong năm 2024, chuyên gia Vietnam Report phân tích kinh tế thế giới không suy thoái, nhưng tăng trưởng sẽ chậm lại.
Dự báo mức tăng trưởng có thể là 2,4%, chậm hơn so với mức 2,7% trong năm 2023 và thấp hơn mức trung bình 3% trong giai đoạn 10 năm trước đại dịch COVID-19 (từ năm 2011 đến năm 2019). Điều này tạo ra những rủi ro đáng kể đến thị trường xuất khẩu, đầu tư và du lịch quốc tế.
Trong khi đó, sự phân mảnh của thế giới và căng thẳng địa chính trị vẫn đang tiếp diễn, tạo ra nguy cơ gián đoạn nguồn cung và hàng hóa mới.
Áp lực đáo hạn trái phiếu
Năm nay áp lực với thị trường vẫn còn rất lớn khi khối lượng trái phiếu doanh nghiệp cần đáo hạn đã đạt đỉnh điểm với tổng giá trị đáo hạn lên tới gần 280 nghìn tỉ đồng, trong đó phần lớn là trái phiếu bất động sản với con số gần 116 nghìn tỉ đồng, tương đương 41,4%.
Điều này có thể làm tăng áp lực thanh khoản cho các doanh nghiệp, tạo sức ép tài chính và ảnh hưởng đến việc tái cơ cấu cũng như các kế hoạch của doanh nghiệp.
Vì lẽ đó, trong năm 2024, doanh nghiệp sẽ thực sự cần tập trung mọi nguồn lực, mục tiêu kinh doanh và những biện pháp tiết giảm chi phí để thúc đẩy mạnh mẽ sản xuất, thương mại nhằm bù đắp những khó khăn của thị trường, các chuyên gia khuyến nghị.