Chứng khoán

Nhiều nhà đầu tư tạm lỗ sau khi ‘bắt dao rơi’ phiên 18/8

Tạm lỗ sau khi hàng về tài khoản

Kết phiên sáng 22/8, VN-Index giảm gần 25 điểm (giảm 2.11%) về 1.154,9 điểm, thấp hơn mức 1.178 điểm tại cuối phiên 18/8. Thị trường đang chìm trong sắc đỏ với 414 mã giảm trên sàn HOSE, so với 46 mã tăng và 30 mã đứng giá.

 

Diễn biến VN-Index đến hết phiên sáng 22/8. (Nguồn: FireAnt).

 

Như vậy, nếu nhà đầu tư tham gia “bắt dao rơi” phiên bán tháo ngày 18/8 (T0) thì đến nay (kết phiên sáng 18/8, tức phiên sáng T2) khi cổ phiếu về tài khoản, rất có thể lượng cổ phiếu mới mua đang tạm lỗ.

Ví dụ như trong rổ VN30, nhóm cổ phiếu họ nhà Vingroup gồm VIC, VHM và VRE đang giao dịch ở mức giá lần lượt 63.700 đồng/cp, 54.700 đồng/cp và 28.450 đồng/cp, đều thấp hơn so với đáy phiên thứ Sáu tuần trước (lần lượt là 66.900 đồng/cp đối với VIC, 56.800 đồng/cp đối với VHM, và 29.100 đồng đối với VRE).

Ở nhóm ngân hàng cũng tương tự. MBB, STB, TCB, VPB, VIB,... đều giảm giá sau 1,5 ngày giao dịch.

Số ít mã đang đi ngược xu hướng chung và đóng vai trò hỗ trợ thị trường gồm GAS, BID, CTG, LPB hay SSB, song lực hỗ trợ không đáng kể so với chiều giảm, với loạt ông lớn như VIC, VHM, HPG, GVR, VCB, VNM, MWG, NVL, MSN,...

Kết quả giao dịch phiên sáng của rổ VN30. (Nguồn: SSI iboard).

Nên hay không nên “bắt dao rơi” vào lúc này?

“Bắt đáy” hay “bắt dao rơi” là thuật ngữ giới đầu tư thường sử dụng để chỉ việc giải ngân mua cổ phiếu trong những lúc thị trường hoảng loạn bán tháo, nhằm tìm kiếm lợi nhuận, thường là ngắn hạn.

Giới chuyên gia thường khuyên nhà đầu tư chưa có nhiều kinh nghiệm trên thị trường không nên tham gia hoạt động “bắt dao rơi” do rủi ro rất lớn, gây mất tiền.

"Bắt dao rơi" tiềm ẩn rủi ro rất lớn. (Ảnh minh họa).

Tại buổi chia sẻ mới đây do Chứng khoán MB (MBS) tổ chức, ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng MBS, nhận định thị trường tiềm ẩn rủi ro ngắn hạn khi tỷ lệ đòn bẩy đã bắt đầu xu hướng tăng. Thực tế, ông Tuấn đã liên tục cảnh báo điều này trong nhiều tuần trước.

Từ cuối năm 2022, khi VN-Index có mức định giá rất hấp dẫn và khối lượng giao dịch cạn kiệt thì thị trường dần tạo đáy đi lên mặc dù xen lẫn những nhịp điều chỉnh, tuy nhiên khối lượng giao dịch gần như không tăng. Dễ thấy trong giai đoạn thị trường ở những mức điểm số thấp, cổ phiếu mang tính cơ bản cao dẫn dắt thị trường, định giá thị trường ở mức hấp dẫn thì cổ phiếu sẽ được nắm giữ rất chặt bởi những nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn.

Do đó, để thị trường tăng điểm không cần sự hỗ trợ quá nhiều về mặt thanh khoản và margin. Bằng chứng là cuối quý I mặc dù thị trường đã phục hồi lên trên 1.000 điểm nhưng quy mô margin ở khu vực này gần như không thay đổi đáng kể so với cuối quý IV/2022.

Ông Tuấn cho rằng thị trường nếu vào nhịp điều chỉnh có thể kéo dài vài tuần vào tìm điểm cân bằng ở vùng trên 1.100 điểm. Chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư lúc này nên quản trị rủi ro, giảm dư nợ vay ký quỹ (kiểm soát margin). Tuy nhiên đối với nhà đầu tư không sử dụng đòn bẩy thì có thể xem xét, phân tích cổ phiếu đang nắm giữ như thế nào, có triển vọng ra sao. Nhà đầu tư nắm giữ tỷ trọng tiền mặt lớn thì sẽ thoải mái hơn, có thể thong thả quan sát cổ phiếu để giải ngân phù hợp khi xu hướng của thị trường vẫn là tăng dài hạn.

Quan điểm của Dragon Capital, theo số liệu quá khứ, thật không dễ để thị trường có những đợt chỉnh lớn hơn mức 12%. Ngay cả trong tháng 7/2021, khi Việt Nam phải đóng cửa gần như toàn bộ nền kinh tế, thị trường giảm không quá 13%.

Thị trường chứng khoán Việt Nam điều chỉnh mạnh phiên giao dịch cuối tuần (18/8) khiến tâm lý của nhà đầu tư không mấy ổn định. Đợt điều chỉnh xuất hiện khi thị trường có một số thông tin.

Công ty quản lý quỹ đánh giá về chính sách vĩ mô, trong vài ngày qua, thông điệp từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) cũng như Chính phủ rất rõ ràng về chính sách tiền tệ: lãi suất phải tiếp tục giảm và cung tín dụng phải tăng. Trong giai đoạn Trung Quốc có dấu hiệu giảm phát, lạm phát  Việt Nam ở mức thấp, thì những biến động nhẹ và ngắn hạn về tỷ giá sẽ khó có khả năng ảnh hưởng lên xu hướng của chính sách tiền tệ Việt Nam.

Về triển vọng lợi nhuận doanh nghiệp, quý I/2023 có thể là quý có kết quả kém nhất, và hiện nay xu hướng đang trong chiều hướng tích cực. Chu kỳ lợi nhuận một số ngành đang vào khu vực đáy, do đó xét theo tiêu chí P/E có thể sẽ không phản ánh hết được về định giá doanh nghiệp.

Về thị trường, bối cảnh hiện tại đang diễn ra trên nền chính sách tiền tệ nới lỏng và chính sách tài khoá sau nhiều năm không đầu tư đang bắt đầu trở mình mạnh mẽ, và lợi nhuận doanh nghiệp đang trên đà phục hồi.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm