Đầu tháng 3, khi cần hỗ trợ đổi gói cước di động, Ngọc Nam (Hà Nội) gọi điện lên tổng đài nhờ tư vấn. Khi nhân viên hỏi anh muốn thay đổi cho thuê bao nào, anh mới biết đang có ba thuê bao đứng tên mình.
"Ngoài số đang sử dụng, còn lại đều là những số tôi chưa thấy bao giờ và chắc chắn không đăng ký, bởi không có nhu cầu và hàng chục năm nay cũng chỉ sử dụng một số duy nhất", anh nói.
Tuy nhiên, việc khiến anh lo ngại hơn là không biết người đang sử dụng số của mình là ai, liệu họ có sử dụng số đó cho hành vi sai phạm không. "Người trong gia đình tôi từng bị lừa đảo qua điện thoại. Tôi chỉ lo số lạ đứng tên mình được dùng để làm những chuyện tương tự", Nam nói.
Tương tự, Phùng Sang (TP HCM) cũng bất ngờ khi số CCCD của mình đang được sử dụng cho một thuê bao khác anh chưa từng nghe. Sau khi đọc thông tin về việc sẽ rà soát những người đứng tên nhiều sim, anh tra cứu bằng tin nhắn đến đầu số 1414 để kiểm tra và phát hiện thuê bao này.
Khảo sát của VnExpress từ 17/3 với hơn 1,6 nghìn người tham gia cho thấy hơn 60% cho biết thông tin cá nhân đang được dùng để đăng ký sim số lạ. Thống kê vào tháng 9/2023, sau khi kiểm tra thuê bao của người đứng tên trên 10 sim, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng phát hiện 8,6 triệu thuê bao không chính chủ. Sau đó, 3,6 triệu sim trong số này đã thực hiện đăng ký lại thông tin, còn lại bị khóa hoặc bị thu hồi.
Gặp khó khăn khi hủy
Từ 15/3, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng nhà mạng triển khai chiến dịch rà soát người đứng tên từ bốn sim trở lên, nhằm đảm bảo sim được sử dụng đúng người đã đăng ký. Văn bản cũng gắn trách nhiệm cho người dùng trong trường hợp số thuê bao đứng tên họ được sử dụng cho hành vi vi phạm pháp luật.
Lo ngại trước nguy cơ này, nhiều người bắt đầu đi kiểm tra thông tin. "Tôi chỉ muốn hủy thật nhanh để tránh số kia bị sử dụng làm gì vi phạm mà tôi lại phải chịu trách nhiệm", anh Sang nói. Ngoài ra, do đầu số 1414 chỉ cho phép kiểm tra các số thuê bao trong cùng mạng, anh lo lắng không biết thông tin của mình liệu có bị sử dụng để đăng ký sim ở các nhà mạng khác nữa hay không.
Tuy nhiên, ngay cả khi phát hiện số "lạ", việc hủy liên kết không đơn giản. Do không thể thực hiện online, anh Sang phải gọi điện cho nhà mạng, nhưng tổng đài đề nghị anh qua phòng giao dịch để được hỗ trợ.
"Tôi không đăng ký những sim đó, tại sao lại phải mất thời gian đi hủy?", anh đặt câu hỏi.
Do số lạ đang được người khác sử dụng, nhà mạng cho biết không thể hủy ngay và cần thêm thời gian để xử lý. Trong lúc chờ đợi, anh Sang phải nhắn tin cho hai số kia đề nghị họ chủ động đi cập nhật thông tin chính chủ thay vì dùng giấy tờ của anh, nhưng không được hồi âm.
Theo đại diện một doanh nghiệp viễn thông lớn tại Việt Nam, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng thông tin của người này bị lấy để đăng ký thuê bao của người khác, như việc một số người đăng ký sim cho cả gia đình, công ty, nhưng sau đó không còn liên lạc. Hay từ năm 2017, sau khi có quy định thuê bao đều phải có ảnh và chứng minh nhân dân, nhiều người dân không chịu đi bổ sung giấy tờ, khiến nhân viên nhà mạng, cửa hàng bán sim... khi đó "dùng tạm" thông tin của người khác.
Ngoài ra, trong đợt kiểm tra của Bộ Thông tin và Truyền thông tháng 7/2023, một số điểm cung cấp dịch vụ viễn thông bị phát hiện có hành vi giả mạo thông tin để đăng ký sim, sử dụng thông tin của một khách hàng để đăng ký cho nhiều sim trái phép. Những sim này sau đó được bán ra thị trường nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng muốn mua sim không cần đăng ký, dẫn đến tình trạng sim không chính chủ, sim rác. Để hạn chế tình trạng này, nhà mạng đã ngừng bán sim qua kênh đại lý.
Sau chiến dịch chuẩn hóa thuê bao năm ngoái, hơn 125 triệu thuê bao di động tại Việt Nam đã được cập nhật thông tin. Tuy nhiên, việc này chỉ đảm bảo thuê bao đều sử dụng thông tin trùng khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nhưng đảm bảo đó là sim chính chủ. Trong trường hợp phát hiện sim lạ đứng tên giấy tờ của mình, người dùng nên liên hệ nhà mạng để được hỗ trợ, nhằm tránh những rắc rối về sau.