Tài chính

Nhiều người không thể chuyển khoản trong ngày đầu xác thực sinh trắc học

Từ 1/7, các giao dịch chuyển khoản trực tuyến 10 triệu đồng trở lên hoặc quá 20 triệu mỗi ngày bắt buộc áp dụng phương thức xác thực sinh trắc học.

Sáng nay, anh Nguyễn Hữu Thưởng (TP HCM) chuyển khoản hơn chục triệu đồng cho người thân qua ứng dụng Vietcombank, nhưng thao tác nhiều lần vẫn thất bại.

Anh Thưởng cho biết đã đăng ký sinh trắc học thành công, nên nghĩ việc chuyển tiền hôm nay sẽ không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, sau khi nhập lệnh chuyển tiền và quét khuôn mặt, ứng dụng ngân hàng "xoay lòng vòng" sau đó báo lỗi hệ thống. Thử lại vào chiều nay, ứng dụng tiếp tục báo giao dịch chuyển tiền chưa thực hiện được vào thời điểm hiện tại.

Nhiều khách hàng của Vietcombank tới cuối chiều nay cũng chưa thể chuyển khoản trực tuyến.

Ứng dụng Vietcombank báo lỗi sau khi anh Thưởng nhập lệnh chuyển tiền và xác thực khuôn mặt vào trưa nay. Ảnh: Quỳnh Trang

Tình trạng khó khăn khi chuyển tiền áp dụng sinh trắc học cũng diễn ra tại một vài đơn vị khác.

Chị Trang, một nhân viên văn phòng, cho biết đã đăng ký sinh trắc học thành công nhưng khi chuyển khoản 20 triệu đồng từ ứng dụng của OCB, nhận thông báo chưa thể thực hiện giao dịch trên ứng dụng hiện hữu do vượt 20 triệu đồng một ngày theo Quyết định 2345. "Khách được thông báo chờ trong 1 ngày làm việc để OCB chuyển đổi sang OCB OMNI 4.0 và sẽ thông báo khi hoàn tất", ứng dụng thông báo.

Trong ngày đầu áp dụng quy định mới, một số ngân hàng cũng xuất hiện tình trạng quá tải tính năng cập nhật sinh trắc học.

Nhiều khách hàng của TPBank hôm nay khi đăng ký sinh trắc học trên ứng dụng nhận thông báo "có lỗi xảy ra". Chị Hạnh (TP HCM) cho biết, khi nhập lệnh chuyển 7 triệu đồng được ứng dụng thông báo cần cập nhật tính năng xác thực sinh trắc học, tuy nhiên khi click vào tính năng xác thực, ứng dụng lại thông báo có lỗi.

Chia sẻ với báo chí, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, tỷ lệ giao dịch trên 10 triệu đồng trong ba ngày gần đây dao động quanh 6-8%. Số liệu đến 16h hôm nay cho thấy, không "có ách tắc với chuyển tiền trên 10 triệu đồng", sự cố trục trặc chỉ xuất hiện cục bộ.

Nói với VnExpress, lãnh đạo một ngân hàng tư nhân cho biết quá trình xác thực sinh trắc học khi chuyển tiền trực tuyến thời gian tới có thể phát sinh khó khăn ở việc nhận diện khách hàng trong một số trường hợp. Chẳng hạn người dùng ở nơi không đủ ánh sáng, không nhìn thẳng camera, đội mũ, trang điểm quá đậm hoặc phẫu thuật thẩm mỹ khiến khuôn mặt quá khác biệt so với hình ảnh lưu trữ trên căn cước công dân gắn chip...

Hôm nay, nhiều người dân cũng đến trực tiếp chi nhánh ngân hàng để được hỗ trợ do không tự thực hiện được tại nhà. Một số chi nhánh ngân hàng ghi nhận lượng khách hàng đông hơn thường ngày, với mục đích đăng ký xác thực sinh trắc học.

Tại Hà Nội, lượng khách cũng tăng cao hơn thường lệ và tấp nập từ sáng tới chiều tối. Hơn 16h, tại chi nhánh một ngân hàng trên đường Trần Thái Tông (Hà Nội), các quầy giao dịch kín khách.

Theo nhân viên tại nhà băng này, lượng khách đến không đột biến mà trải dài từ sáng tới tận chiều tối, hầu như các quầy luôn ở trạng thái làm việc. "Hôm nay là ngày đầu nên nhiều khách đến xác thực, thực sự là một ngày bận rộn của nhân viên ngân hàng", người này nói

BVBank cũng cho biết tính đến hôm nay đã có hơn 30% khách hàng xác thực khuôn mặt. Các khách hàng còn lại của BVBank vẫn đang tiếp tục cài đặt.

Một tuần trước thời hạn ngày 1/7, Hưng cố gắng thực hiện sinh trắc học trên ứng dụng ngân hàng nhưng không thành công, do thông tin đang đăng ký với ngân hàng là chứng minh thư cũ loại 9 số. Hệ thống xác thực liên tục hiện thông báo "thông tin đăng ký không trùng khớp" khiến anh phải tới chi nhánh để thực hiện.

So với việc tự xác thực trên ứng dụng các ngân hàng trước đó, Hưng cho hay việc đến ngân hàng tiết kiệm thời gian hơn. "Mất khoảng 10 phút để nhân viên ngân hàng hoàn tất các thủ tục, hơn hẳn việc tôi tự loay hoay kết nối NFC trước đó", Hưng nói.

 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm