Theo đó, đến hết ngày 31-1 đã thực hiện giải ngân trên 6.000 tỉ đồng, đạt 75,72% kế hoạch; số vốn còn lại không giải ngân hết gần 2.000 tỉ đồng.
Có 38 công trình/dự án lớn, trọng điểm do các sở, ban, ngành cấp tỉnh và địa phương quản lý được bố trí chiếm 38,62% kế hoạch. Các dự án thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chỉ giải ngân đạt 61,83% kế hoạch...
Năm 2024, Kiên Giang được phân bổ trên 10.000 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách địa phương trên 8.800 tỉ đồng và vốn ngân sách trung ương trên 1.200 tỉ đồng. Đến đầu tháng 2, UBND tỉnh đã giao chỉ tiêu kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2024 đạt 74,19% kế hoạch, còn gần 2.600 tỉ đồng chưa giao…
Tại hội nghị, lãnh đạo các sở, ngành tỉnh Kiên Giang khẳng định vướng mắc lớn nhất là Luật Đấu thầu có hiệu lực từ ngày 1-1-2024 nhưng chưa có nghị định hướng dẫn luật này. Vì vậy nhiều chủ đầu tư dự án lúng túng nên phải chờ nghị định hướng dẫn mới thực hiện đấu thầu theo quy định.
"Đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Kiên Giang hơn 45km đi ngang 4 huyện. Hiện nay đã cơ bản hoàn thiện công tác giải phóng mặt bằng, cắm mốc. Tuy nhiên hiện chưa tìm được đơn vị tư vấn, nhà thầu theo quy định Luật Đấu thầu", lãnh đạo Sở Giao thông vận tải tỉnh Kiên Giang nói.
Có luật, chưa có nghị định hướng dẫn
Ông Nguyễn Văn Tư - giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư và xây dựng nông nghiệp và phát triển nông thôn - cho hay Luật Đấu thầu có hiệu lực từ ngày 1-1 nhưng nghị định hướng dẫn luật này chưa ban hành đã gây khó cho các chủ đầu tư muốn đấu thầu các dự án.
"Tôi nghiên cứu trong Luật Đấu thầu rồi vẫn cho áp dụng nghị định 63, miễn sao không trái với Luật Đấu thầu. Vì chờ nghị định hướng dẫn mới thì lâu, cả nước cũng đang rất gấp đối với việc chờ nghị định hướng dẫn Luật Đấu thầu.
Sắp tới, Luật Đất đai mới sẽ có hiệu lực vào ngày 1-1-2025 nên công tác giải phóng mặt bằng năm 2024 sẽ gặp nhiều khó khăn. Đó là chưa kể nguồn vật liệu khan hiếm từ cuối năm 2023 đến nay chưa được giải quyết. Tôi nhận định tình hình thực hiện giải ngân trong năm nay sẽ rất khó khăn", ông Tư nói.
Phát biểu tại hội nghị, ông Lâm Minh Thành - chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang - yêu cầu năm 2024 các ngành phải giải ngân ít nhất 95% như kế hoạch đề ra. Các sở, ngành phân công cán bộ bám sát nhiệm vụ, giám sát để tháo gỡ khó khăn kịp thời trong quá trình thực hiện giải ngân đầu tư công. Đặc biệt là liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng vướng gì phải báo cáo kịp thời tháo gỡ.
"Năm 2024 có vốn đầu tư lớn như vậy nên chúng ta phải xem là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Về cơ chế, đang vướng mắc về Luật Đấu thầu nhưng chúng ta phải cố gắng nghiên cứu, tiếp cận cho tốt đến khi nghị định ban hành sẽ bắt tay ngay vào. Chúng ta không thể chờ nghị định mà không có sự chuẩn bị trước.
Các cơ quan liên quan phải nghiên cứu Luật Đấu thầu, nghị định, thông tư để chủ động về mặt trình tự, thủ tục, hồ sơ, khi có nghị định hướng dẫn thực hiện luật ngay", ông Thành nói thêm.