Theo kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ngành xây dựng sẽ thực hiện 1.209,75 tỷ đồng.
Ngay từ đầu năm, Bộ Xây dựng đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-BXD về đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư thuộc Bộ Xây dựng và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022.
Bộ Xây dựng đã chủ động chỉ đạo, đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện nghiêm quy định pháp luật về đầu tư công; nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch; khẩn trương, quyết liệt, hiệu quả trong công tác chuẩn bị đầu tư; tập trung tháo gỡ vướng mắc, tăng cường hiệu quả tổ chức thực hiện. Mục tiêu phấn đấu là giải ngân hết 100% kế hoạch vốn đầu tư công.
Tuy nhiên, đến cuối quý 2/2022, tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công nguồn vốn ngân sách nhà nước của ngành xây dựng mới đạt khối lượng 405,31 tỷ đồng, bằng 33,5% kế hoạch.
Giá trị giải ngân thực hiện được là 297,25 tỷ đồng/1.209,75 tỷ đồng; ước giải ngân đến 30/6/2022 là 365,65 tỷ đồng/1.209,75 tỷ đồng, đạt 30,2% kế hoạch.
Theo Bộ Xây dựng, nguyên nhân kết quả giải ngân còn chậm là do nhiều dự án đang thi công xây dựng phần thô nên giá trị khối lượng thực hiện không cao.
Cùng đó, một số chủ đầu tư chưa tập trung chỉ đạo quyết liệt nên dự án triển khai chậm; lúng túng trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh trong thi công, hồ sơ nghiệm thu thanh toán.
Thực hiện nhiệm vụ chủ đầu tư dự án Nhà Quốc hội Lào, hiện Bộ Xây dựng cũng đang hỗ trợ nước bạn Lào tổ chức vận hành, bảo trì công trình trong 2 năm kể từ khi bàn giao công trình đưa vào sử dụng; đồng thời, chỉ đạo các đơn vị liên quan tập trung giải quyết một số công việc tồn đọng để triển khai thanh quyết toán dự án hoàn thành theo quy định pháp luật.
Cùng với các dự án đầu tư công, năm 2022 Bộ Xây dựng tiếp tục quản lý thực hiện và điều phối 8 chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi; trong đó có 7 dự án hỗ trợ kỹ thuật và 1 hợp phần thuộc Chương trình đô thị miền núi phía Bắc với tổng kinh phí được phân bổ năm 2022 là 38.579 triệu đồng.
Về cơ bản, các dự án đều được thực hiện theo đúng mục tiêu và đạt được các kết quả theo dự kiến.
Không riêng gì các dự án sử dụng vốn đầu tư công, từ đầu năm đến nay, tình trạng tăng giá vật liệu xây dựng, nguyên, nhiên đầu vào đang khiến các nhà thầu xây dựng tại nhiều dự án thiếu việc làm, nhân lực và ngồn vốn. Tình trạng này đang diễn ra phổ biến nhưng chưa có nhiều giải pháp hữu hiệu để giải quyết.
Do đó, các doanh nghiệp xây dựng chậm phục hồi sau đại dịch COVID-19, số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng cao.
Đáng chú ý, báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy trong 2 quý vừa qua, có tới 7.206 doanh nghiệp ngành xây dựng tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 45,7 % so với cùng kỳ năm trước.
Số doanh nghiệp ngành hoạt động kinh doanh bất động sản tạm ngừng kinh doanh có thời hạn cũng lên tới 1.682 đơn vị, tăng 57,6%.
Thời gian tới, Bộ Xây dựng cho biết sẽ thường xuyên lắng nghe phản hồi, chủ động nắm bắt những vấn đề phát sinh, vướng mắc trong lĩnh vực quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng từ thực tiễn; chủ động, đề xuất các giải pháp để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, hướng dẫn những nội dung có liên quan thuộc thẩm quyền.
n thiện, củng cố hệ thống công cụ phục vụ quản lý chi phí dịch vụ hạ tầng, quản lý phát triển đô thị thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước của Bộ.
Đồng thời, Bộ cũng tập trung nghiên cứu hoàn thiện, bổ sung hướng dẫn các quy định liên quan đến việc xác định, kiểm soát giá vật liệu xây dựng trong quá trình lập, thẩm định chi phí đầu tư xây dựng.
Đặc biệt, Bộ Xây dựng sẽ chủ động, thường xuyên nắm bắt tình hình triển khai các công trình trọng điểm, nhất là dự án giao thông như cao tốc Bắc-Nam phía Đông, Đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, Đường vành đai 4 Hà Nội... cũng như nhiệm vụ quản lý nhà nước liên quan đến các dự án thuộc trách nhiệm của Bộ; nhận diện toàn bộ những vấn đề có thể phát sinh, vướng mắc, tập trung nguồn lực, chuẩn bị phương án giải quyết.