Doanh nghiệp

Nhiều doanh nghiệp ngấm đòn tỷ giá tăng

Giá USD ngân hàng lên nhanh trong hai tháng trở lại đây và đã tăng hơn 8,5% so với đầu năm, hiện lên kịch trần 24.888 đồng.

Trước diễn biến này, ông Trần Ngọc Ẩn, đại diện công ty vận hành chuỗi trà sữa Gong Cha tại Việt Nam, cho biết doanh nghiệp đã thiệt hại hàng triệu USD từ đầu năm tới nay (do chênh lệch tỷ giá) cho các đơn hàng nhập khẩu nguyên phụ liệu. Số tiền thiệt hại này ước tính tương đương với chi phí mặt bằng và thuê nhân viên toàn hệ thống.

Theo ông, 90% nguyên liệu để sản xuất đồ uống của Gong Cha được nhập khẩu từ Hàn Quốc, Đài Loan và tất cả hợp đồng đều được quy định thanh toán bằng đồng đôla Mỹ. Đơn vị này chỉ sử dụng đường, hạt é và nha đam trong nước.

Nguyên liệu dùng để pha chế đồ uống dùng ngay có thời hạn sử dụng trong hai tháng nên doanh nghiệp này gần như phải nhập khẩu hàng tháng. Việc tỷ giá tăng mạnh thời gian qua khiến chi phí đầu vào của doanh nghiệp đội lên khoảng 10%.

"Chúng tôi không thể tăng giá bán trong bối cảnh hiện nay vì sợ người dùng cắt giảm chi tiêu nếu họ không chấp nhận được mức giá mới. Vì thế, chúng tôi vẫn đang gồng mình chịu lỗ cho khoản chênh lệch tỷ giá kể trên", ông Ẩn chia sẻ.

Khách hàng mua trà sữa tại cửa hàng Gong Cha Việt Nam - đơn vị nhập khẩu tới 90% nguyên liệu từ thị trường nước ngoài. Ảnh: Tất Đạt

Khách hàng mua trà sữa tại cửa hàng Gong Cha Việt Nam - đơn vị nhập khẩu tới 90% nguyên liệu từ thị trường nước ngoài. Ảnh: Tất Đạt

Không riêng ngành F&B, doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch cũng cùng chung cảnh ngộ. Ông Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc AZA Travel nói với VnExpress, doanh nghiệp du lịch vừa nhúc nhích hồi phục sau đợt ảnh hưởng nặng nề vì dịch Covid-19, giờ đây lại phát sinh cái khó do tỷ giá tăng.

"Tuần tới, hãng có đoàn khách vài chục người đặt tour du lịch Thái Lan và doanh nghiệp cầm chắc lỗ khi khách thanh toán tiền đồng nhưng chúng tôi phải trả các đối tác dịch vụ nước bạn bằng USD", ông Đạt cho biết.

Theo ông Đạt, biên độ lợi nhuận của ngành du lịch rất mỏng, chỉ 3-5%. Vì thế, nếu tỷ giá tiếp tục tăng, biên lợi nhuận của doanh nghiệp ngành này sẽ về 0 khi phải mua ngoại tệ với giá đắt đỏ.

Lãnh đạo AZA Travel cho rằng doanh nghiệp không thể thu thêm tiền với các tour khách hàng đã đặt trước. Những tour du lịch dịp cuối năm, hãng cũng phải cân nhắc phương án tăng giá sao cho cân đối việc cạnh tranh với đối thủ. "Nếu tăng giá, doanh nghiệp sẽ mất khách, còn giữ nguyên giá hiện nay gần như không có lợi nhuận. Chúng tôi ở thế lưỡng nan giữa áp lực tỷ giá và chi phí tăng cao", ông Đạt chia sẻ.

Trong lĩnh vực xăng dầu, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối có thị phần lớn cho biết cũng đang chịu áp lực, ảnh hưởng lớn. Thường mỗi lô hàng nhập về được trả chậm 1-2 tháng cho bên bán, tuỳ theo hợp đồng. Hàng về bán ra thị trường bằng VND, doanh nghiệp sau đó phải đổi sang USD để trả cho đối tác.

"USD ngày càng tăng khiến doanh nghiệp khá đau đầu vì phải bỏ số tiền nhiều hơn để mua. Trong khi đó, chi phí kinh doanh trong giá cơ sở xăng dầu điều chỉnh, nhưng chưa kịp thời với thực tế, khiến doanh nghiệp bị lỗ nặng", ông nói.

Đối với Vietnam Airlines, đại diện hãng cho biết phần lớn các hợp đồng thuê, mua tàu bay... đều được thanh toán bằng đồng bạc xanh. Đồng tiền bản địa ở các thị trường quốc tế mà hãng đang khai thác như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu... lại bị mất giá. Do đó, tỷ giá USD tăng mạnh cùng với giá nhiên liệu vẫn ở mức cao đang ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của hãng hàng không này.

Trước áp lực này, nhiều doanh nghiệp cho biết sẽ phải tính toán lại giá bán tới tay người dùng.

Một lãnh đạo công ty nhựa tại quận Bình Tân cho rằng những doanh nghiệp tài chính mạnh hoặc chủ động được hàng tồn kho sẽ bớt chịu tác động bởi vấn đề tỷ giá tăng, còn doanh nghiệp vừa và nhỏ rất khó cầm cự.

"Dẫu biết tăng giá dễ gây ra sự tăng giá dây chuyền khiến sức tiêu thụ hàng chậm hơn nhưng nếu tình hình sắp tới vẫn căng thẳng, chúng tôi phải chấp nhận phương án sau cùng là phản ánh vào giá thành", ông bày tỏ.

Giá USD ngân hàng và chợ đen có lúc tăng nóng khiến Ngân hàng Nhà nước phải yêu cầu các nhà băng tăng cường kiểm tra các điểm thu đổi ngoại tệ, nhằm kiểm soát hoạt động của các đại lý, ngăn chặn, xử lý kịp thời sai phạm phát sinh.

Để hạn chế phần nào những thiệt hại do tỷ giá gây ra, một chuyên gia kinh tế khuyến nghị, bản thân các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị ứng phó trước như lập quỹ dự phòng biến động tỷ giá; hạn chế việc vay bằng ngoại tệ khi không có đủ nguồn trả; định kỳ đánh giá lại tài sản và nguồn vốn theo giá thị trường....

Với doanh nghiệp du lịch, phương án phòng ngừa rủi ro cũng được tính tới, đơn cử như tích trữ sẵn một lượng ngoại tệ để tránh mua vào khi tỷ giá tăng thêm. Tuy nhiên theo ông Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc AZA Travel, đây cũng chỉ là cách ứng phó tạm thời trong thời gian rất ngắn, bởi không phải đơn vị du lịch nào cũng đủ nguồn lực tài chính khi phần lớn đều là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Giá USD lên nhanh thời gian qua nhưng thanh khoản đồng ngoại tệ này hiện vẫn tương đối ổn định. Phó tổng giám đốc một ngân hàng tư nhân cho biết lượng giao dịch của doanh nghiệp tới thời điểm này tăng không đáng kể. Thanh khoản ngoại tệ cho các doanh nghiệp theo ông, vẫn được đảm bảo.

Ngoài ra, theo lãnh đạo Sacombank, gần đây, khách hàng đang chuyển dần thanh toán từ USD qua các ngoại tệ khác nhằm tận dụng cơ hội về tỷ giá. Đây cũng là xu hướng thay đổi khá rõ nét so với các năm trước.

Dự báo giá USD sắp tới, lãnh đạo một nhà băng cho biết "việc này rất khó khăn" khi thị trường biến động liên tục. Ngân hàng Nhà nước đang ở giai đoạn hết sức căng thẳng và áp lực, liên tục phải theo dõi các biến động thế giới.

Theo SSI, tỷ giá USD/VND sẽ tiếp tục chịu nhiều áp lực khi tâm lý gom giữ USD vẫn ở mức cao. Tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại gần như đã ở mức kịch trần biên độ mới 5% so với tỷ giá trung tâm, quanh mốc 24.870 đồng (tương đương mất giá 8,5% so với cuối năm ngoái).

Tỷ giá liên ngân hàng cũng nhanh chóng tăng vượt mốc giá bán tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước (24.380 đồng) và nhà điều hành đã phải tiếp tục can thiệp thông qua việc bán ngoại tệ từ dự trữ ngoại hối. Ngân hàng Nhà nước chỉ trong một tháng gần đây cũng đã hai lần tăng lãi suất điều hành, bao gồm nâng trần lãi suất huy động 6 tháng với tiền đồng.

Trong bối cảnh "room" tăng lãi suất không còn nhiều, theo giới chuyên gia, Ngân hàng Nhà nước vẫn còn dư địa từ quỹ dự trữ ngoại hối và các công cụ khác để can thiệp, bình ổn thị trường ngoại tệ khi cần thiết.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm